9h sáng nay GLTT: 'Bắt mạch bệnh gian dối của quan chức'

29/09/2011 10:56
BBT
(GDVN) -Bệnh háo danh và gian dối của nhiều quan chức này xuất phát từ đâu? Từ cá nhân mỗi người hay từ cơ chế?
Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều sự kiện liên quan đến bệnh háo danh và gian dối của quan chức đã làm nóng dư luận. Đó là chuyện một Thứ trưởng khai man bằng tiến sĩ; chuyện một ông Bí thư tinh ủy kéo cả chục chiếc ô tô biển xanh tháp tùng mình xuống Hà Nội nhận bằng tiến sĩ; một ông Vụ phó tự nhận liều rằng mình đã từng đi thi toán quốc tế. ..

Đó còn là những vụ bê bối dùng chức danh để ra uy và trục lợi: Ông phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và thành viên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy in chức danh mình lên thiệp cưới của con; Phó phòng CSGT mang bằng giả đi học đại học tại chức; Trưởng CA huyện gửi công văn đi các nơi thông báo tổ chức đám tang cha…

Bệnh háo danh và gian dối của nhiều quan chức này xuất phát từ đâu? Từ cá nhân mỗi người hay từ cơ chế? Từ sự dạy dỗ của gia đình hay bệnh thành tích trong giáo dục? Từ tính cách của người Việt hay là sự tha hóa của đạo đức xã hội?

Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến "Bắt mạch căn bệnh háo danh và gian dối của quan chức" vào hồi 9h sáng thứ 6 ngày 30/9/2011 để cùng mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp chữa chạy căn bệnh trầm kha này. 

Ngay từ bây giờ, bạn đọc hãy chia sẻ những băn khoăn, bình luận, ý kiến và câu hỏi tới Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng qua địa chỉ email tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn.
Trong cuộc trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam về công tác tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ, ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó ban tổ chức Trung ương có những phân tích thấu đáo về công tác quản lý cán bộ. "Trước hết, một cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, khi có dư luận nhiều như vậy, tôi cho rằng phải xem xét lại, chứ không thể bỏ qua được. Bây giờ không phải ai cũng bị đồn thổi, và trong trường hợp này chuyện mượn tiền là có thật.
Tại sao một ông Thứ trưởng ở một Bộ lớn (Bộ Y tế - PV) lại mang tiếng như thế? Không thể coi như ông Quang là đúng hoàn toàn được. Việc cho vay mượn tiền bạc nếu là bạn bè thân thiết cho nhau mượn tiền khi gặp khó khăn, hoặc bị ốm đau, gia đình hoạn nạn, thậm chí để xây nhà cửa, mua đất thì không vấn đề gì. Mặc khác, cũng cần phải xác định tiền cho vay là tiền của cá nhân hay tiền của công. Nếu là tiền của công cho vay thì là một sai lầm. Chúng ta cũng cần xem xét động cơ của người cho vay là gì. Trò đời có đi có lại. Anh vay cấp dưới của anh, vậy động cơ người cho vay cũng phải xem lại. Thứ ba, ông bảo ông vay ông trả cả vốn lẫn lãi rồi, nhưng tiền ông trả lại của một đơn vị khác cho vay qua bà vợ để trả đơn vị cũ, như thế cũng là cái “lắt léo” cần phải xem xét. Hiện nay, trong cán bộ nhà mình, có cái kiểu “đi đêm”. Trường hợp ông Quang vay tiền là có thật. Vì vậy, cũng không thể nói là ông Quang không có gì sai được. Việc vay tiền cấp dưới và khi báo chí nêu lại lấy tiền của một cơ quan khác để trả nợ, theo tôi riêng 2 điểm cũng đã không đủ tư cách làm Thứ trưởng. Hồi tôi làm là tôi cho nghỉ việc luôn. Tôi kể cho cô (PV) nghe chuyện ông nguyên Bộ trưởng một Bộ, cũng là bạn thân của tôi. Khi tôi đề bạt ông ấy làm Bộ trưởng thì Bộ Chính trị đồng ý luôn. Nhưng năm sau, cũng lại chính tôi phải đề nghị cách chức ông ấy. Ông Đào Duy Tùng (Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) có hỏi tôi là tại sao khi chính ông đề bạt lên, giờ ông lại yêu cầu cách chức người ta. Tôi trả lời: “Con người ta biến đổi nhanh lắm. Sau một đêm người ta đã khác, người ta có chức sẽ khác với khi không có gì”.
Đó là những sự việc không bình thường mà các lãnh đạo quản lý ở cấp cao hơn cần phải lưu tâm, xử lý công khai minh bạch để giữ gìn lòng tin của nhân dân. Qua những sự việc này, chúng ta thấy rằng, cần phải tiêu chuẩn hóa trong công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, để quy hoạch và đào tạo những người có tài đồng thời cũng có đức, thường xuyên kiểm tra giám sát để định hướng cho họ làm đúng, không xa đà vào thói hư tật xấu. Không ít cán bộ thuộc diện quy hoạch, ban đầu thì tốt, nhưng khi có chức có quyền thì thích nghe nịnh, lối sống xa hoa, xa rời quần chúng… Đã là lãnh đạo thì phải có liêm sỉ, phải biết xấu hổ, phải biết xin lỗi và dũng cảm nhận lỗi khi mình làm sai. Việc xin lỗi ở đây không được mang tính hình thức, mà phải trung thực, thẳng thắn, chân thành… kể cả khi cấp dưới làm sai thì cấp trên cũng phải tự kiểm điểm mình, đó là do cấp trên quản lý chưa chặt chẽ nên mới để xảy ra các sự việc xấu, chứ đừng nghĩ đổ lỗi cho cấp dưới là xong. Nếu làm như vậy thì lòng dân không phục, bản thân anh em cán bộ cũng không phục, bởi ngoài những trường hợp cố ý làm trái pháp luật, trái quy định của Nhà nước thì có nhiều trường hợp do sơ ý mà vi phạm.Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Lấy bằng cấp để “loè” cấp trên, đôi khi là hợp thức hoá cho cái quyết định của cấp trên theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” mới là đáng nói".
"Tôi không bình luận cụ thể một ai, trước khi có sự phán xét của pháp luật. Nhưng nếu ai đó mắc phải điều ấy thì thật đáng tiếc trước khi đáng trách. Vì có người có tài thật (năng lực) nhưng lại có tật (thích hình thức).
Thực ra làm lãnh đạo mà vẫn nghĩ đến chuyện đi học thêm, lấy thêm bằng cấp là quý chứ. Vấn đề là cái học ấy có giúp gì cho công việc của mình một cách thiết thực và có hiệu quả hay không? Và cũng phải xem chính sách của nhà nước, cơ quan đôi khi buộc họ phải có bằng cấp (chứ không phải là năng lực tương đương với bằng cấp ấy).   Cái thời lấy bằng cấp để loè cấp dưới đã bớt dần, nhưng lấy bằng cấp để “loè” cấp trên, đôi khi là hợp thức hoá cho cái quyết định của cấp trên theo nguyên tắc “đôi bên cùng có lợi” mới là đáng nói.Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã dành cho PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hơn hai giờ đồng hồ để trao đổi về những vấn đề nội cộm trong công tác quản lý cán bộ hiện nay. Theo ông, công tác tuyển chọn cán bộ vẫn còn quá coi trọng bằng cấp và nếu ai khai man bằng cấp, nhận bừa kiến thức thì đó cũng là một dạng tham nhũng.
"Những chuyện như vậy trở thành trò cười và khiến dư luận xã hội phản ứng là dễ hiểu. Dư luận dị ứng và coi khinh những hành vi như thế. Những ngày gần đây, báo chí đã nói về trường hợp cán bộ khai man bằng cấp, cũng như những người có tấm bằng mà không đúng với trình độ thực có của mình với mục đích để có đủ điều kiện thuận lợi được đề bạt vị trí lãnh đạo.


Theo tôi, đây cũng là một dạng tham nhũng. Nhận định này chắc rằng chưa có mấy người nghĩ tới vì anh đã biến cái không phải của anh trở thành cái của anh, như thế là tham nhũng rồi".

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết được nhiều người gọi là “Gương mặt của năm” sau những lần ông phát biểu sắc sảo, thẳng thắn, chứa đựng nhiều tâm huyết tại nghị trường Quốc hội.

Nhận lời mời tham dự Giao lưu trực tuyến: "Bắt mạch căn bệnh háo danh và gian dối của quan chức", GS chia xẻ: "Tôi không ngại nói về những vấn đề nóng hay nhạy cảm. Chỉ ngại nói những vấn đề mình không có đủ hiểu biết thôi".

Với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, trong giới cầm bút, anh là một “ca” rất lạ. Tác giả Hồ Cúc Phương trong một bài viết đã dành cho nhà phê bình này nhận xét: "Lạ từ hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Lạ trong cả những câu chuyện đời - nghiệp đậm màu giai thoại mà thiên hạ vẫn đồn đại giăng giăng, bạn bè thân sơ thi nhau “liệt kê tội trạng”.

Lạ ở ngay cái ranh giới chông chênh rất đỗi mong manh, khó đoán định giữa hai bờ thực - ảo, thật – hư của những mẩu vụn chi tiết, vốn chỉ có tác dụng duy nhất là thêm chút dư vị đậm đà khó quên cho những buổi trà dư tửu hậu.


Nguyên “sở hữu” nhiều sự lạ đến mức ngược đời, “khó tin nhưng có thật” mà câu vè tồn tại bao năm ở Viện Văn học nói trên là một ví dụ điển hình. Hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu văn học so sánh của Viện Văn học nhưng trong thời buổi loạn chức danh, sính học hàm học vị, anh vẫn “bình chân như vại” là một cử nhân trong khi ai cũng tưởng Nguyên mèng mèng cũng GS, TS từ lâu rồi.

Bạn bè tếu táo, “Viện Văn chỉ có hai người không có bằng Tiến sĩ – Phạm Xuân Nguyên và bà bán nước chè đầu cổng”. Cử nhân nhưng nhiều người làm luận án tiến sĩ đều đến mượn sách, tham vấn. Cử nhân nhưng rất đắt sô đi dạy, đi nói chuyện với cử tọa đều từ trình độ….cử nhân đổ lên!

Là tên tuổi tung hoành trong lĩnh vực phê bình – dịch thuật đã mấy chục năm với rất nhiều bài viết và khá nhiều đầu sách dịch mang bút hiệu Ngân Xuyên, hiện nay lại còn đang ngồi ghế Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhưng khối người chưng hửng khi biết Nguyên chưa hề là hội viên Hội nhà văn VN. “Tiêu chí của tôi là được sống theo ý mình, được làm những điều mình thấy đúng.

Chuyện trọn đời là cử nhân, chuyện không viết đơn xin vào Hội nhà văn là lựa chọn của riêng tôi. Ai bảo đồ gàn, ai khích bác cũng chẳng sốt ruột hay xấu hổ.” Về chuyện này, nhà văn Di Li trong bài viết khá tường tận về Nguyên đã bình luận, “chỉ những người rất tự tin vào tri thức của mình, chỉ những người đã có danh tiếng, danh vị mà coi nó như thứ phù du mới có thể đứng giữa thiên hạ mà ngang đến như thế”.

BBT