Ai chịu trách nhiệm khi công nhân chết thảm vì thang máy?

18/12/2014 07:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Vụ việc chị Lê Thị Phương (29 tuổi) nhân viên của tiệm giặt là tại tại Hà Tĩnh chết trong thang máy một lần nữa khiến nhiều người lo sợ

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 15/12, tại tiệm giặt là Phương Trà cơ sở 2, có địa chỉ tại số 48 đường Xuân Diệu, thuộc tổ 7 phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra một vụ tai nạn do cầu thang máy tự chế bị mắc kẹt, khiến một người tử vong.

Người dân gần hiện trường vụ tai nạn cho biết vào thời điểm nói trên chị Lê Thị Phương (sinh năm 1985) trú tại xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà, là nhân viên của tiệm giặt là Phương Hà, trong lúc dùng hệ thống ròng rọc (cầu thang máy tự chế).

Người dân nơm nớp lo sợ vì quá nhiều vụ thang máy rơi.
Người dân nơm nớp lo sợ vì quá nhiều vụ thang máy rơi.

Trong quá khứ đã xảy ra khá nhiều vụ rơi thang máy làm chết người.

Trưa ngày 11/9/2012 tại Công ty may công nghiệp MyungShinVina, thuộc khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) cũng xảy ra vụ tai nạn khiến hai công nhân trọng thương. Nạn nhân là chị Phùng Thị Tuyết Mai (SN 1976) bị thương phần cột sống, anh Phan Thanh Sĩ (SN 1982) bị chấn thương đốt sống cổ và tổn thương vùng đầu. 

Nạn nhân Mai kể lại: “Chúng tôi vừa bước vào thang máy tầng 3 thì xảy ra sự cố. Sau đó, thang máy rơi xuống tầng 2 rồi đứng lại một lúc. Chúng tôi đã bấm chuông cầu cứu bên ngoài, tuy nhiên thang tiếp tục rơi tự do xuống tầng hầm”.

Tháng 10/2010, tại một công trường xây dựng ở Đống Đa - Hà Nội cũng xảy ra vụ việc thang máy chở 2 công nhân bất ngờ đứt cáp khi lên đến tầng 6. Hậu quả, hai công nhân bị thương nặng do thang rơi thẳng xuống đất.

Quy định bắt buộc là trong tất cả các thang máy đều phải có các tay cầm. Khi xảy ra sự cố thang rơi tự do, người ở trong thang cần bình tĩnh bám chặt vào tay cầm của thang máy; dựa chắc lưng và đầu vào tường thang máy, tạo thành một đường thẳng đứng để bảo vệ cột sống, vì nếu thang máy rơi tự do tiếp đất rất dễ ảnh hưởng tới lưng và cột sống. Cuối cùng, bạn hãy cong đầu gối lại mức nhiều nhất có thể để tạo thế uyển chuyển, giảm thiểu sự chấn động mạnh có thể làm gãy xương chân trong trọng khi có sự cố ca chạm mạnh.

Trường hợp thang mất điện hoặc bị kẹt vì một sự cố bất thường, hành khách cần phải bình tĩnh sử dụng bộ đàm hoặc chuông trên bảng điều khiển để liên lạc ra bên ngoài.

Ngày 14/5/2006, tại công trình xây dựng 70-72 Bà Triệu (Hà Nội) xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng. 5 công nhân xây dựng đang đứng trong thang máy vận chuyển từ tầng 15 xuống đất, đến tầng 10 thì thang máy gặp sự cố về điện, thang rơi tự do từ tầng 10 xuống đất khiến cả 5 công nhân bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu. 5 công nhân gồm: Khúc Mạnh Thắng bị gãy chân trái và gãy tay phải; Hoàng Văn Nhã bị vỡ đốt sống, vỡ mắt cá chân phải; Khổng Văn Tuân  bị vỡ gãy đốt sống, liệt hai chân; Hoàng Văn Tích bị gãy vỡ đốt sống, chấn thương hàm mặt và Nguyễn Văn Vinh, bị vỡ xẹp đốt sống, liệt hai chân.

Vào tháng 5/2013, tại Tòa nhà CT10 thuộc khu đô thị Đại Thanh (Cầu Bươu, Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) cũng xảy ra vụ rơi thang máy khiến 3 công nhân chết thảm. 3 công nhân xấu số nói trên gồm: Quách Văn Tường (SN 1995), ở Đồng Nai, Tân Lạc, Hòa Bình; Nguyễn Thành Trung (SN 1989) và Phạm Văn Vương (SN 1991), cùng ở Thạch Đồng, Thạch Thành, Thanh Hóa.

Gần hơn, vào khoảng 8h20 ngày 30/6, tại khu nhà tái định cư N5A, P. Nhân Chính, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội lại xảy ra một vụ tai nạn thang máy chết người. Nạn nhân là ông Trần Huy Tuấn (SN 1964, quê tại Việt Trì, Phú Thọ), là bảo vệ của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà) đến để kiểm tra thang máy.

Sau khi khởi động cho thang máy hoạt động, ông Tuấn bấm nút đi lên tầng 7 nhưng đến nơi thì thấy đèn báo thang máy lại tắt. Thấy vậy, ông Tuấn lấy chìa khóa mở cửa tháng máy ở tầng 7 vào kiểm tra. Tuy nhiên, khi ông Tuấn bước vào thang máy thì bỗng hụt chân rơi xuống dưới tầng hầm của tòa chung cư, tử vong ngay tại chỗ.

Từ những vụ việc trên cho thấy an toàn lao động bị xem nhẹ, người lao động luôn đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Với các vụ tai nạn lao động liên quan đến thang máy, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính do người quản lý lao động và bản thân người lao động chủ quan, lơ là công tác bảo hộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc với những trường hợp để xảy ra tai nạn thang máy. Ảnh minh họa.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải áp dụng các chế tài xử phạt thật nghiêm khắc với những trường hợp để xảy ra tai nạn thang máy. Ảnh minh họa.

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức buổi hội thảo “Xây dựng Quy chuẩn Việt Nam về an toàn lao động đối với thang máy điện không buồng máy”. Buổi hội thảo bàn bạc về các vấn đề quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn & kỹ thuật, nhằm xây dựng được bộ quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đối với thang máy điện không buồng máy. Mục đích cuối cùng là đảm bảo an toàn cho công tác vận hành cũng như cho người sử dụng.

Hội thảo đã đi đến thống nhất 6 nội dung quan trọng:

Thứ nhất, đối với thang máy trong nước phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau có đủ hồ sơ kỹ thuật, yêu cầu lắp đặt thang máy phải được an toàn, được chứng nhận và gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường và chịu sự kiểm soát của cơ quan chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, đối với thang máy nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện sau bản thuyết minh (Cataloge), tài liệu ký thuật (bản vẽ, sơ đồ lắp, sơ đồ nguyên lý hoạt động, nơi chế tạo, năm sản xuất…). Thang máy nhập khẩu được kiểm tra nghiêm ngặt và bị xử phạt nếu có vi phạm theo luật định.

Thứ ba, đối với thang máy lưu thông trên thị trường người bán phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quá trình bảo quản, lưu thông thang máy chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung trình tự thủ tục quy định.

Thứ tư, đối với quá trình lắp đặt thang máy phải có đủ các điều kiện sau: Có tư cách pháp nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực, cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành, đội ngủ công nhân kỹ thuật lành nghề được huấn luyện và cấp thẻ an toàn theo quy định.

Thứ năm, chỉ sử dụng thang máy khi có tình trạng tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn, trường hợp mất điện hay đang sữa chữa phải treo biển cấm tạm ngừng hoạt động, cấm vận chuyển các loại hàng hóa dễ cháy nổ trong thang dùng chở người.

Thứ sáu, thang máy trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm tra định kỳ và kiểm tra trong quá trình sử dụng. Chu kỳ kiểm định tối thiểu là 2 năm và tối đa nhất là 5 năm.

Dựa vào những nội dung trên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ sớm có tổng kết đánh giá, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành các quy định cần thiết nhằm ngăn chặn tình trạng mất an toàn từ thang máy diễn ra quá nhiều thời gian qua.

Lời khuyên của chuyên gia nhằm lựa chọn sản phẩm thang máy tốt nhưng chưa thể quyết định được moi thứ đều tốt, 1 sản phẩm thang tốt cần hội tụ đủ 3 nhóm yếu tố:

Thứ nhất, đơn vị có đủ 3 bộ phận: cung cấp; lắp đặt; bảo trì thang máy. Hiện nay, phổ biến hiện tượng nhiều đơn vị bán hàng nhưng lại không có bộ phận lắp đặt và bảo trì. Như vậy, cam kết với khách hàng về những vấn đề chất lượng vận hành và sự ổn định của thang không được đảm bảo khi họ không thực sự chủ động.

Thứ hai, năng lực tài chính: Thời gian qua, nhiều khách hàng mất tiền oan vì các công ty thang máy phá sản do năng lực tài chính yếu kém hoặc cố tình lừa đảo. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến thang máy rẻ, tiền tạm ứng ít, …mà không cần biết đến năng lực hoặc yêu cầu có bảo lãnh tạm ứng của ngân hàng. 

Thứ ba, năng lực kỹ thuật: Dù đơn vị lắp đặt có đầy đủ máy móc và thiết bị hiện đại nhưng thái độ làm việc của người thợ kém và hệ thống quản lý không chặt chẽ thì sẽ có một sản phẩm rất tệ cho khách hàng. Do vậy, khi thăm quan cùng một thương hiệu sản phẩm nhưng do hai đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật thì có thể bạn sẽ thấy hai kết quả khác nhau.

Nguyễn Hoàng