An toàn vệ sinh lao động khó kiểm soát?

02/12/2014 07:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Nhiều trường hợp người làm thuê phải nhập viện chính từ sự bất cẩn của các chủ công trình, nhà máy, nhưng không được bồi thường thỏa đáng.

Do nhu cầu đô thị hóa nhanh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên việc xây dựng công trình, nhà ở, phát triển sản xuất tại các xí nghiệp tăng mạnh. Nhưng có một điều dễ nhận thấy là các công trình thường trốn tránh các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, và rất khó kiểm soát.

TS Nguyễn Văn Việt – Chuyên gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động cho biết, có tới 70% nguyên nhân các vụ tai nạn được xác định là do chủ công trình không chấp hành đúng các quy định trong an toàn vệ sinh lao động, trong đó công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động tại các doanh nghiệp còn ít, hiệu quả không cao. Số lượng thanh tra viên về an toàn vệ sinh lao động chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp.

“Hình thức xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm an toàn lao động chưa thật sự đủ mạnh, rất ít doanh nghiệp bị xử lý hình sự nên doanh nghiệp xem thường công tác bảo vệ lao động, khiến tai nạn không ngừng gia tăng. Viện từng có khảo sát 1.000 cơ sở sản xuất, kết quả là có tới 68% xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% bị ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm khí độc hại”, TS Việt cho biết.

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là quy định bắt buộc tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là quy định bắt buộc tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong số này có rất nhiều xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ 2 yếu tố trở lên, vì vậy những công nhân trực tiếp làm việc trong môi trường này và cả người dân sinh sống trong vùng chiếm tỷ lệ cao mắc bệnh viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi… tiếp đến là các bệnh đường tiêu hóa, bệnh cơ xương khớp. Nhiều lao động xuất phát từ nông thôn đi làm thuê không được đào tạo cơ bản qua trường lớp, không có hiểu biết về an toàn lao động, không có bảo hiểm lao động, do đó khi xảy ra tai nạn lao động thì bản thân người đó và các gia đình phải gánh chịu.

Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động đến năm 2010” như: Giảm số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người bình quân 5% trong các ngành nghề có nguy cơ cao; giảm 100% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; 80% người lao động tại các cơ sở có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; 100% người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng... nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có mục tiêu nào đạt được.

Một lãnh đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu quan điểm, để chấn chỉnh tình trạng này thì cần tăng cường công tác thanh kiểm tra quy định về an toàn vệ sinh lao động ở tất cả các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là các công trình nhỏ, công trình trọng điểm sử dụng nhiều lao động thời vụ. Yêu cầu chủ sử dụng lao động áp dụng đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã quy định trong mỗi lĩnh vực. Phải xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm và kiên quyết đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân liên quan vi phạm pháp luật để xảy ra tai nạn chết người.

Nguyễn Hoàng