Bài học 9 triệu euro: Chúng tôi chưa lường hết vấn đề!

04/03/2014 15:47
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Đây là câu trả lời của ông Nguyễn Quang Mạnh – Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục Việt Nam.

LTS: Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Thủ đô, bởi việc chậm tiến độ có thể sẽ dẫn tới thiệt hại nhiều tỷ đồng. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Mạnh - Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội.

Dự án ký từ năm 2007, nhưng còn nhiều phần dang dở

- Với vai trò là Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, ông có thể đưa ra đánh giá thật sự khách quan về tiến độ của dự án tuyến số 3 Nhổn-ga Hà Nội

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Nhìn tổng thể tiến độ so với hợp đồng đã ký năm 2007 thì chúng ta không đạt được, nhiều phần việc chưa hoàn thành theo đúng mục tiêu đề ra. Một trong những việc vướng mắc giữa chủ đầu tư với tư vấn, nhất là những người trực tiếp tham gia dự án đều nhìn thấy rằng đó là những việc tồn tại từ trước, có việc đã được tháo gỡ có việc đang được tiếp tục xem xét giải quyết trên tinh thần khách quan. Đây là những việc cần tiếp tục được tháo gỡ của các cấp liên quan từ chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, đến các cơ quan chuyên ngành liên quan  đến dự án thí điểm đường sắt đô thị đầu tiên.

Ví dụ, tại dự án đường sắt này chủ đầu tư và các bên liên quan phải làm theo các qui định của Luật pháp Việt Nam và tuân thủ những điều kiện đã ký với các nhà tài trợ, trong đó có quy định các bên tuân thủ các quy định về quản lý và thực hiện các hơp đồng xây dựng theo quy định của Hiệp hội các nhà thầu quốc tế (FIDIC).

Những cái chưa phù hợp với quy định của Việt Nam thì chủ đầu tư trao đổi với tư vấn, nhà tài trợ, để yêu cầu họ thực hiện theo qui định của Việt Nam. Có việc đối tác làm theo yêu cầu của chúng ta, nhưng có việc đối tác yêu cầu chúng ta phải tuân thủ theo thông lệ quốc tế. Do họ đã có kinh nghiệm hơn trong lĩnh vực này, nên chúng ta cũng cần phải xem xét lại.

Ông Nguyễn Quang Mạnh - Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Quang Mạnh - Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quang.

- Dự án chưa đúng tiến độ, nguyên nhân chính có phải từ giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa giải quyết được rốt ráo, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Việc dự án tuyến số 3 (Nhổn – ga

Ông Nguyễn Quang Mạnh - Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, hợp đồng với Systra hết hạn từ ngày 10/11/2013, với giá trị hợp đồng hơn 22 triệu Euro trong thời gian 68 tháng. Chủ đầu tư cũng phải thương thảo với Systra để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Nhưng tới giờ hai bên chưa đồng thuận, bởi mức giá Systra đưa ra lên tới hơn 43 triệu Euro, tăng thêm 9 triệu Euro so với mức đã được thành phố phê duyệt trước đây.

Hà Nội) chậm không chỉ có nguyên nhân từ GPMB, mà còn có những nguyên nhân khác.

Thí dụ, Tư vấn phải rà soát bổ cập Dự án đầu tư phải mất hơn 1 năm mới được phê duyệt; Nhiều đơn giá đặc biệt chưa có trong hệ thống đơn giá của việt nam cần phải có thời gian để xây dựng đơn giá, trình duyệt mới đủ cơ sở thực hiện…

- Nhưng lẽ ra ngay từ khi triển khai dự án thì chủ đầu tư và các cơ quan chức năng đã phải lường trước khó khăn rồi, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Các cơ quan của Việt Nam đã có  nhiều kinh nghiệm triển khai các dự án sử dụng vốn ODA, nhưng đặc thù của mỗi dự án lại khác nhau. Dự án đường sắt đô thị như thế này thì lần đầu tiên làm tại Việt Nam, cho nên chưa đủ kinh nghiệm lường trước hết các vấn đề.

- Thưa ông, tại cuộc họp bàn triển khai dự án đường sắt đô thị vào ngày 24/2, Chủ tịch TP Hà Nội đã nổi cáu. Như vậy rõ ràng việc dự án bị chậm không chỉ do cơ chế mà còn do chính những con người triển khai trực tiếp dự án này?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Nếu nói với vai trò lãnh đạo khi trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện dự án của những người được giao quản lý dự án này thì câu chuyện nổi cáu hay bức xúc là không tránh khỏi, vì theo tiến độ được xây dựng từ năm 2007 đến nay không thực hiện được thì rõ ràng là có chuyện rồi.

Chủ tịch rất quyết liệt và khắt khe, nhưng lãnh đạo cũng rất thông cảm với những khó khăn của cơ sở. Chúng tôi có trách nhiệm làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Ông nghĩ sao khi Chủ tịch TP.Hà Nội – ông Nguyễn Thế Thảo chỉ rõ là Hà Nội cần học tập TP.HCM trong dự án này?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ với Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM. Chúng tôi cũng đã học tập và rút kinh nghiệm từ thực tiễn của TP.HCM, cũng có những việc họ tham khảo kinh nghiệm của chúng tôi. Chúng tôi có quan niệm cùng nhau thực hiện dự án thí điểm nên sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình để giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới.

Chưa công bố số tiền phát sinh dự án tuyến Nhổn - ga Hà Nội

- Người dân không quan tâm tới thủ tục hành chính mà chỉ quan tâm tới tiến độ và chất lượng thôi, còn việc triển khai thế nào là chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Không những vậy, đây là công trình chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ đã bấm nút khởi công dự án này?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Trong chuyện này, người dân mong mỏi là hoàn toàn chính đáng. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là làm sao để dự án được thực hiện nhanh nhất có thể.

Còn về công tác GPMB, các bên rất quyết liệt, nhưng GPMB lại không đơn thuần như các công tác kỹ thuật khác mà thuộc hệ chế độ chính sách khác và bị ảnh hưởng của quá trình quản lý đất đai từ trước kia.

Thí dụ, cũng là nhà đó, khu vực đó nhưng một nhà được bồi thường vì họ có sổ đỏ, một nhà thì lại xây dựng trên đất không phải đất xây dựng. Khi đưa vào chế độ chính sách thì đã có qui định, nhưng khi áp vào, người dân lại không đồng tình, cho nên cũng bị chậm lại. Chưa kể năm nay một giá, sang năm lại phải điều chỉnh theo giá mới, gần cuối năm định chốt rồi thì có khi lại chờ để đợi giá mới…

- Thưa ông, quá trình thương thảo với đơn vị tư vấn còn những vướng mắc gì?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán để đi đến tiếng nói chung. Ngay cả việc thanh toán gói hợp đồng cũ từ năm 2007 – 2013 cũng có cái vướng cần tiếp tục tháo gỡ.

- Việc ký tiếp hợp đồng với tư vấn hay không có tùy thuộc vào khoản bồi hoàn hay không, thưa ông? Ông có thể nói rõ chi phí mà đơn vị tư vấn yêu cầu tăng thêm để tiếp tục dự án?

Ông Nguyễn Quang Mạnh: Ký tiếp hợp đồng hay không là quyền của hai bên ngang nhau giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn. Chúng ta có quyền lựa chọn, và họ cũng có quyền lựa chọn.

Hiện nay, quá trình thương thảo vẫn đang tiếp tục, vì phía ta chưa có kết quả thẩm tra phê duyệt giá trị chính thức cho nên con số cụ thể thế nào chưa thể thông tin ngay được.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)