Bão bắt đầu đổ bộ gây thiệt hại

30/09/2011 13:21
Theo M.QUANG - X.LONG - LÂM HOÀI/Tuổi trẻ
Trưa nay 30-9, bão số 5 (Nesat) đã bắt đầu đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đếm Nam Định.
Sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11-12. Đã có những thiệt hại đầu tiên.

Quảng Ninh: Nhiều nhà tốc mái

Rạng sáng nay (30-9), huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5. Từ 3g sáng 30-9 gió trên đảo mạnh cấp 9-10, đến khoảng từ 6-8g sáng nay gió mạnh lên cấp 10, giật cấp 12, sóng dâng cao đánh dữ dội.

Thống kê thiệt hại ban đầu trên đảo cho biết, đã có 32 ngôi nhà bị tốc mái, gãy đổ một cột viễn thông và rất nhiều cây cối.

Nghiêm trọng hơn, dù đã được neo chằng từ chiều 29-9, tuy nhiên do sóng đánh mạnh, gió lớn đã khiến 3 chiếc tàu cá bị đứt neo trôi ra xa, 5 tàu khác bị sóng đánh đắm. Rất may hệ thống đê bao xung yếu đã được lực lượng của huyện phối hợp với bộ đội gia cố chắc chắn từ chiều 29-9 nên hiện tại vẫn đảm bảo an toàn.

Tại huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) sáng nay gió mạnh cấp 8, cấp 9, các lực lượng chức năng vẫn đang tích cực hỗ trợ người dân chống chọi với bão. Ông Chu Văn Tuyển - giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh - cho biết đang trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, đôn đốc công tác chống bão tại đây.

Tại huyện đảo Cát Hải, đến 9g sáng 30-9 giómạnh cấp 5, cấp 6. Trong sáng 30-9, hơn 4.900 người dân tại các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Đồng Bài đã được sơ tán về các địa điểm an toàn tại các xã Trân Châu, Xuân Đám, Hiền Hào. Trước đó toàn bộ 1.000 khách du lịch ra đảo Cát Bà cũng đã được thông báo trở về đất liền.

Tại TP Hạ Long, bắt đầu từ 9g sáng nay, Sở GTVT Quảng Ninh thông báo cấm người đi bộ, xe máy và xe thô sơ lưu thông trên cầu Bãi Cháy. Sở GTVT đã bố trí phương tiện chuyên chở người dân qua cầu trong thời gian cấm.

Đường đi và vị trí cơn bão - Ảnh: Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương
Đường đi và vị trí cơn bão - Ảnh: Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương
Các lực lượng bộ đội, công an của tỉnh Nam Định luôn túc trực đối phó bão - Ảnh: Cù Zap

Các lực lượng bộ đội, công an của tỉnh Nam Định luôn túc trực đối phó bão - Ảnh: Cù Zap

Nam Định: trực chiến bảo vệ đê

Trên đê Hải Triều, huyện Hải Hậu, tuyến đê biển xung yếu nhất của tỉnh Nam Định, hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng túc trực sẵn sàng hộ đê khi bão đổ bộ.

Theo chỉ đạo từ Ban chỉ huy PCLB Trung ương, ngày từ chiều tối 29-9, tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu các huyện ven biển lên phương án và thực hiện di dân. Tại huyện Nghĩa Hưng, hơn 1.000 dân sinh sống và sản xuất nuôi ngao ngoài khu vực bãi bồi Ngọc Lâm được nhanh chóng di dời vào trong đê chính nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Công, chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, cho biết việc di dời nhân dân tại bãi bồi Ngọc Lâm được hoàn tất vào 23g ngày 29-9, đảm bảo tuyệt đối không còn người bám trụ tại các trại nuôi ngao. Đồng thời, huyện được sự hỗ trợ lực lượng và vật tư cùa tỉnh đã tập trung gia cố đê Cồn Xanh, tuyến đê biển có nguy cơ cao trên địa bàn huyện.

Đến 7g ngày 30-9, dù dự báo tâm bão không đổ bộ vào Nam Định nhưng tất cả các lực lượng đều được huy động lên đê Cồn Xanh sẵn sàng trực chiến.

Cấc thuyền bè của các ngư dân được kéo về triền đê tránh bão - Ảnh: Cù Zap

Cấc thuyền bè của các ngư dân được kéo về triền đê tránh bão - Ảnh: Cù Zap

Không khí khẩn trương túc trực đối phó bão - Ảnh: Cù Zap

Không khí khẩn trương túc trực đối phó bão - Ảnh: Cù Zap

Trong khi đó, tại đê Hải Triều, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đức Long đã tới thị sát. Vì vậy, chỉ đạo ứng cứu cho tuyến đê xung yếu này.

8g, các lực lượng cảnh sát cơ động, bộ đội địa phương và hàng chục thanh niên được huy động, tập trung tại trụ sở UBND xã Hải Triều chờ đón bão. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, tuyến đê này hiện chưa được bê tông hóa nên có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào nếu thủy triều lên và sóng lớn ập vào. Hàng nghìn bao tải cát, vải chống tràn, rọ đá và cừ tràm được tập kết tại chân đê sẵn sàng triển khai hộ đê.

Ngay trên triền đê phía biển, hàng chục thuyền của ngư dân được kéo lên, chằng néo vào các trụ sắt trong đê để tránh bão.

Người dân thôn Việt Tiến, xã Hải Triều, Nam Định chằng nhà chống bão - Ảnh: X.Long

Người dân thôn Việt Tiến, xã Hải Triều, Nam Định chằng nhà chống bão - Ảnh: X.Long

Các vật tư chuẩn bị tại xã Hải Triều, Nam Định - Ảnh: X.Long

Các vật tư chuẩn bị tại xã Hải Triều, Nam Định - Ảnh: X.Long

Người dân kiểm tra việc neo thuyền tránh bão tại xã Hải Triều, Nam Định - Ảnh: X.Long

Người dân kiểm tra việc neo thuyền tránh bão tại xã Hải Triều, Nam Định - Ảnh: X.Long

Trong đê, toàn bộ nhà cấp 4 đã được chằng néo, chặn bao cát lên mái nhà và có thể chịu đựng được gió to cấp 7-8, tránh thiệt hại khi bão về.

Theo ông Bùi Đức Long, đến sáng cùng ngày, toàn tỉnh có trên 8.000 dân phải di chuyển ra khỏi các vùng nguy hiểm bãi bồi và các tuyến đê xung yếu. Đến 9g, tất cả số dân này đều được thông báo và chuyển đến nơi an toàn. Đến thời điểm này, tỉnh Nam Định đã sẵn sàng đón bão.

Theo M.QUANG - X.LONG - LÂM HOÀI/Tuổi trẻ