Bao cấp cả tư duy lẫn quyền lực, làm gì tư lệnh ngành cũng sẽ phải xin ý kiến

11/04/2016 14:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn trăn trở, đã là tư lệnh ngành thì phải có quyền đủ mạnh để hành động và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Đề cập tới danh sách nội các Chính phủ vừa được Quốc phội bầu và phê chuẩn, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) bày tỏ mong muốn của cá nhân ông và cũng là của toàn thể nhân dân là Chính phủ sẽ hành động mạnh mẽ, quyết liệt đối với nhiều vấn đề gắn với đời sống an sinh của người dân.

Để thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đã đề ra từ Đại hội Đảng XII, xuất phát từ mong mỏi của nhân dân cả nước, theo Đại biểu Sơn mỗi tư lệnh ngành cần phải được trao quyền đủ mạnh để xử lý nhanh, hiệu quả những vấn đề tồn tại của ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một yếu tố khác rất quan trọng, đó là bản thân các tư lệnh ngành phải thể hiện trách nhiệm, quyết tâm trong việc giải quyết những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình.

Ông Sơn chia sẻ: “Đề cập chuyện này để khẳng định, có chuyện tư lệnh ngành nói không được toàn quyền, nhưng cũng có chuyện tư lệnh ngành không dám quyết mà cái gì cũng cũng chờ Chính phủ quyết hay cho phép. Tư lệnh ngành có quyền quyết thì phải sử dụng quyền của mình trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Quan điểm của tôi là ủng hộ làm sao các tư lệnh ngành có nhiều quyền hạn hơn, dần dần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu: bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực. Họ phải có quyền và chịu trách nhiệm cũng như phải vươn lên để đủ khả năng quyết đáp những gì thuộc trách nhiệm của mình mà không phải xin ý kiến”.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhận định, cần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu: bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhận định, cần phải bỏ quan niệm gần như cố hữu: bao cấp cả tư duy, bao cấp cả quyền lực. ảnh: Ngọc Quang.

Theo ông Sơn, những gì thuộc về đường lối chủ trương của Đảng thì đương nhiên phải chấp hành, nhưng đồng thời đã được trao quyền thì phải được tạo mọi điều kiện để phát huy tốt nhất quyền ấy.

“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ có nhiều tư lệnh chiến trường giỏi, quyết đoán, nếu như lúc đó dừng lại xin ý kiến từ trên là mất cơ hội. Chuyện điều hành kinh tế cũng phải quyết đoán như vậy”, ông Sơn so sánh.

Đánh giá về danh sách các Bộ trưởng và trưởng ngành đã được Quốc hội thông qua ngày 9/4 theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhận định, đánh giá của đại biểu Quốc hội với thành viên mới là khá là phù hợp.

Tỷ lệ phiếu đối với từng vị trí có khác nhau, cho thấy đánh giá của Đại biểu Quốc hội về từng đồng chí cũng rất khác nhau, căn cứ trên thời gian công tác, kết quả cống hiến và một số yếu tố khác.

Bao cấp cả tư duy lẫn quyền lực, làm gì tư lệnh ngành cũng sẽ phải xin ý kiến ảnh 2

Những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay ngày đầu nhậm chức

Ông Sơn chỉ rõ: “Tỷ lệ bỏ phiếu ở Quốc hội không phải như xưa, có những kỳ đều trên 90% thì nay sự đánh giá đã sát hơn.

Bỏ phiếu phê chuẩn các thành viên Chính phủ vào cuối nhiệm kỳ cũng có cái hay vì các Đại biểu Quốc hội sau 5 năm đã có kinh nghiệm hoạt động trên nghị trường, có điều kiện đánh giá, cảm nhận đầy đủ các nhân sự được đề xuất.

Sau 5 năm ngồi nghị trường quan sát các lĩnh vực, ngành, Đại biểu Quốc hội rút ra được đồng chí ở ngành ấy, lĩnh vực ấy như thế nào nên bỏ phiếu phê chuẩn khá sát thực tiễn”.

Đối với một số chức danh có tỷ lệ phiếu không tán thành nhiều (nhất là những đồng chí trẻ tuổi), Đại biểu Nguyễn Anh Sơn bình luận: “Trong thành phần nội các mới có một số đồng chí trẻ tuổi, nhưng tôi nghĩ như vậy chưa phải là trẻ so với nhiều  nước.

Những trường hợp trẻ các Đại biểu Quốc hội cũng rất cân nhắc khi bỏ phiếu. Với đồng chí trước kia chưa hoạt động sâu trong lĩnh vực được phân công mà được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo thì các Đại biểu Quốc hội cũng rất cân nhắc, nên lá phiếu có người đồng ý, có người không đồng ý.

Theo tôi, tỷ lệ đó rất tốt cho những đồng chí được phê chuẩn, phải cố gắng rất nhiều. Phiếu cao ngất ngưởng có khi lại không tốt.

Cử tri mong muốn, lĩnh vực nào cũng tìm được đồng chí xuất sắc nhất. Lá phiếu của Đại biểu Quốc hội không phải một chiều mà có sự đánh giá, cân nhắc để có kết quả cuối cùng này. Tôi nghĩ rằng, người dân thấy thế là phù hợp”.

Ngọc Quang