Bát cơm của trẻ khuyết tật và 'đại cục' của GĐ Sở LĐTBXH Hà Giang

12/12/2013 10:12
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Trẻ em thuộc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Hà Giang đáng lẽ sẽ có cơm để ăn thay vì ăn cháo nếu những người lớn - Giám đốc Trung tâm và một số thuộc cấp thân tín không ăn bớt hàng trăm triệu đồng. Nhưng hành vi 'ăn bẩn' của Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật này được ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Giang đề nghị không khởi tố hình sự vì ... đại cục.
Trẻ em nghèo ở Hà Giang (Ảnh minh họa từ internet)
Trẻ em nghèo ở Hà Giang (Ảnh minh họa từ internet)

“Tốt khoe, xấu che” – câu nói trên quá phù hợp với hoàn cảnh dưới đây tại một tỉnh nghèo vào bậc nhất cả nước – tỉnh Hà Giang.

Chuyện được Báo Nhân dân viết như sau:

Qua xác minh đơn tố cáo công dân, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ công an tỉnh Hà Giang phát hiện trong hai năm 2012, 2013, các đối tượng Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hà Giang cùng hai "cộng sự" Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán; Trịnh Thu Hương, thủ quỹ đã "ăn bớt" của trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng.

Cụ thể tại hồ sơ, cơ quan điều tra đã làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng như, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trịnh Thu Hương không phát hết số tiền hỗ trợ cho trẻ khuyết tật đến khám sàng lọc năm 2012, 2013 và giữ lại số tiền gần 151 triệu đồng. Tiếp đó, đã chỉ đạo những người liên quan lập chứng từ khống để quyết toán chiếm hưởng số tiền nói trên.

Cạnh đó, trong hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế năm 2012 từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, ông Thành đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh nâng khống giá trị các trang thiết bị để hưởng chênh lệnh với số tiền hơn 31 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Thành, bà Nguyễn Thị Lan Anh đã sử dụng tiêu xài vào mục đích cá nhân.

Với số hồ sơ đã được làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hà Giang xác định: "Đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản", gồm các tình tiết tăng nặng như "phạm tội có tổ chức", "số tiền chi sai và chiếm hưởng với số lượng lớn lên đến 181.950.000 đồng".

Hồ sơ đã được củng cố và chờ ngày xử lý thì bất ngờ ngày 4.10.2013, ông Lý Quang Thái - Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Giang lại có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh đề nghị "không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm liên quan và chuyển hồ sơ để Sở LĐ-TB và XH xử lý cán bộ theo thẩm quyền".

Giải thích về quyết định này, Báo Nhân Dân, Báo Một thế giới đã trích dẫn lại lời của ông Lý Quang Thái như sau: “Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa".

Theo lí giải của ông Thái thì "những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì...đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị”.

Chưa dừng lại ở đó, ông Thái còn “đe dọa” người tố cáo tiêu cực:

“Đây là một cán bộ từng công tác tại Trung tâm này, nhưng sau đã được chuyển sang làm phó ở một đơn vị khác. Người này gửi đơn tố cáo đến công an, thanh tra tỉnh chứ không gửi qua Sở. Nếu gửi qua Sở, chúng tôi đã xử lý chứ không để đến mức thế này.

Sau khi xử lý ba cán bộ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý cô này vì vi phạm điều Đảng viên không được làm (!?)".

Như vậy theo lời ông Thái, sẽ có 4 người bị xử lí vì liên quan đến vụ việc. 3 người là “quan tham” còn một là người đã tố cáo 3 “quan tham” trên.

Nhưng có lẽ trong vụ việc này, cac cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm liên quan của một người nữa – là ông Thái.

Ông Thái là người đứng đầu ngành - Sở LĐ-TB và XH. Cấp dưới làm sai, đầu tiên trách nhiệm thuộc về ông Thái. Nhưng đã quản lí yếu kém, để cấp dưới “ăn bẩn”, “bớt xén” của trẻ khuyết tật, ông Thái không phối hợp với cơ quan điều tra để xử lí nghiêm mà còn cố tình bao che, bưng bít cho hành vi này.

Thêm một lí do nữa để cần phải xem xét lại trách nhiệm của ông Thái vì có lời lẽ “đe dọa” với người đã đứng ra tố cáo tiêu cực mà theo lời ông, “cô này đã vi phạm điều Đảng viên không được làm”.

Không rõ, điều Đảng viên không được làm ở đây cụ thể là điều gì? Có phải ý ông Thái, Đảng viên thì không được tố cáo tiêu cực, không được chống tham nhũng?

Tuy nhiên ông Thái cho rằng, nên giấu việc "chẳng lấy gì làm đẹp đẽ đó" vì “đại cục” cũng có ý đúng. Ông lo các tổ chức, cá nhân biết chuyện sẽ không hỗ trợ cho nữa. Rồi như vậy, các trẻ em khuyết tật cuộc sống sẽ rất khó khăn.

Liệu có đúng ông Thái lo cho các cháu khuyết tật hay không, điều đó khó mà suy đoán. Nhưng có một thực tế, nếu không có hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức nữa thì “đám đàn em” của ông Thái sẽ lấy đâu ra tiền để mà “đút túi”?

Có lẽ đấy mới là “đại cục”(!?)

VIẾT CƯỜNG