Bắt giam thai phụ ở Phú Thọ: Công an có bao che cho ‘con cháu’ cán bộ?

09/07/2014 07:09
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Đặng Thị Hải Yến, (con của một cán bộ công an tỉnh Phú Thọ) được xác định có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, thế nhưng công an Phú Thọ lại cho rằng Yến là bị hại…

Trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung

Tiếp tục thông tin vụ “bắt giam thai phụ” Cao Thị Thu Hằng xảy ra tại Phú Thọ, trong phiên xét xử sơ thẩm ngày mùng 2 và mùng 3 tháng 7/2014, VKSND tỉnh Phú Thọ đã truy tố bà Hằng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đề nghị mức án từ 12-13 năm tù dành cho bà Hằng.

Tuy nhiên, đến chiều ngày 8/7/2014, sau 5 ngày nghị án, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết định trả lại hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung do còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ.

HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung vụ Cao Thị Thu Hằng
HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung vụ Cao Thị Thu Hằng

Đánh giá về quyết định trên của HĐXX, Luật sư Đoàn Văn Dự, Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và Công Sự - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, là người bảo vệ quyền lợi cho bà Hằng, cho rằng đây là một quyết định rất “thận trọng” của HĐXX.

Lí do mà Luật sư Đoàn Văn Dự đưa ra là vào thời điểm này, trong tất cả hồ sơ liên quan đến vụ án, không có điểm nào chứng minh được Cao Thị Thu Hằng đã Lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

“Do đó, việc trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung là việc làm rất cần thiết của HĐXX”  - Luật sư Đoàn Dự nói.

Liên quan đến những phiên xét xử diễn ra trước đó, vào ngày 19/12/2012, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt bà Hằng 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, vì để xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng cả trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử nên ngày 25/7/2013, TAND Tối cao đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Thọ, yêu cầu điều tra, xét xử lại.

Niềm tin đặt nhầm chỗ… công an

Nhân vật mà được chúng tôi đề cập dưới đây là bà Đặng Thị Hải Yến – từng công tác tại Viện chiến lược và khoa học – Bộ Công an. Bà Yến sinh năm 1987, chưa chồng và là con gái của một cán bộ cấp cao Công an tỉnh Phú Thọ.

Theo bản KLĐT số 05/KLĐT ngày 6-2-2012 của CQĐT CA tỉnh Phú Thọ: Triệu Ngọc Điệp, SN 1989, quê ở TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là sinh viên Học viện cảnh sát nhân dân, giới thiệu Lê Minh Hiền (SN 1982) mợ của mình cho đồng hương Đặng Thị Hải Yến (SN 1987). Hiền  được giới thiệu là nhân viên của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ, có khả năng mua đất dự án. 

Bà Đặng Thị Hải Yến (cán bộ Viện chiến lược Bộ Công an) đã chủ động liên lạc và hẹn gặp Hiền để bàn chuyện làm ăn. Sau khi được Hiền nhận lời giúp, Yến cũng nói lại với nhiều người về việc có quan hệ với cháu của một số lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ nên có khả năng xin được cấp đất làm nhà ở và xin việc làm.

Do biết Yến là cán bộ công an và là con của một cán bộ hàm trưởng phòng của Công an tỉnh nên nhiều người đã tin tưởng, đặt vấn đề nhờ Yến giúp.

Sau đó, Yến đã thu hồ sơ và tiền của nhiều người với tổng số tiền là 9,66 tỉ đồng, nhưng chỉ đưa cho Hiền 8,722 tỉ đồng và giữ lại 938 triệu đồng. Đồng thời, Yến còn nhận 12 hồ sơ xin việc với số tiền hơn 2,3 tỉ đồng và đưa cho Hiền 12 hồ sơ và 2,1 tỉ đồng, còn Yến giữ lại 210 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền Yến chiếm giữ của các bị hại là hơn 1,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, do Yến không mua được đất, không xin được việc như đã thỏa thuận, những người đã đưa tiền cho Yến đã dòi lại tiền và làm đơn tố cáo Yến đến các cơ quan pháp luật tỉnh Phú Thọ, tố cáo hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Yến. Đến nay, Yến chưa trả cho những người nộp tiền mua đất hơn 7,1 tỉ đồng.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Về trường hợp của Yến, trong Văn bản số 19/VKSTC-C6 (P3) ngày 23/5/2012 của CQĐT VKSNDTC đã kiến nghị “Về việc xử lí và phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp”.

Theo CQĐT VKSNDTC, tài liệu trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện, Đặng Thị Hải Yến “không có vai trò, trách nhiệm trong việc xin việc và xin mua đất dự án”. Bản thân Yến đang công tác trong ngành Công an, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có nhận biết về pháp luật nhưng đã trực tiếp nhận tiền, nhận hồ sơ mua đất, hồ sơ xin việc với số tiền đặc biệt lớn của nhiều người chuyển cho Hiền, tạo điều kiện cho Hiền chiếm đoạt tài sản của các công dân. Về phần mình, Yến giữ lại số tiền rất lớn như đã nêu trên.

Bắt giam thai phụ ở Phú Thọ: Công an có bao che cho ‘con cháu’ cán bộ? ảnh 3Người bị oan sai có ít nhất 5 cái mất, 3 cái khổ

(GDVN) - Người ngồi sau song sắt bị oan sai có 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa...

Như vậy, Yến có vai trò tích cực, đứng đầu trong việc nhận hồ sơ, nhận tiền của những người mua đất, xin việc làm và có dấu hiệu chiếm đoạt của họ.

Nhưng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã không khởi tố điều tra, làm rõ vai trò của Yến trong vụ án, mặc dù những người nộp tiền cho Yến đã có đơn tố cáo Yến lừa đảo tiền của họ. Việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ xác định Yến là bị hại là thiếu khách quan, không đúng bản chất của vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trên thực tế, sau kết quả điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ, VKSND tỉnh Phú Thọ đã truy tố Yến về tội sử dụng trái phép tài sản, Tòa án Phú Thọ đã tuyên Yến 6 năm tù. Tuy nhiên, trong phiên phúc thẩm năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng hành vi của Yến không phù hợp với tội sử dụng trái phép tài sản mà là thuộc một tội danh khác. Do đó, Tòa tối cao đã hủy bản án trên và trả hồ sơ để điều tra lại.

Tuy nhiên, đến nay, theo luật sư Đoàn Quốc Dự, Văn phòng Luật sư Nguyễn Bình và Cộng sự, là người bảo vệ quyền lợi cho Cao Thị Thu Hằng thì từ ngày Tòa án nhân dân tối cao trả hồ sơ, chưa có thêm phiên tòa nào xét xử bị cáo Đặng Thị Hải Yến. Đồng thời, cũng chưa có thông tin về kết quả điều tra lại từ phía Công an tỉnh Phú Thọ.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

VIẾT CƯỜNG