Bé 8 tuổi chưa biết cả nhà bị giết trong vụ cướp tiệm vàng

31/08/2011 06:25
Tuệ Minh
(GDVN) - "Cháu Bích luôn nói nhớ nhà và nhớ đồ ăn mẹ nấu và "đòi" các y bác sĩ nấu cho cháu. Chúng tôi luôn cố gắng để Bích vơi đi cảm giác nhớ nhà"...
Đã một tuần trôi qua sau vụ thảm sát cướp vàng đêm ngày 23/8. Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam chiều hôm nay ngày 30/8, BS. Lê Hữu Thanh (Phòng kế hoạch tổng hợp - BV Việt Đức) cho biết: “Hiện nay sức khỏe của cháu Bích đã ổn định và cần phải theo dõi thêm.

Cháu nhập viện trong tình trạng bị chấn thương nặng, phần chấn thương nặng nhất là cổ tay của cháu Bích, sau ca phẫu thuật, đã hồng và ấm lên, cử động được. Lúc này cháu đã tỉnh táo.

Do bị chấn thương cả ở trán và dọc sống mũi thuộc phần đầu nên các bác sỹ vẫn đang theo dõi chấn thương sọ não. Hiện chưa phát hiện ra máu tụ ở vùng sọ não".

Sau 1 tuần được điều trị tích cực, cháu Bích đã có thể chuẩn bị ra viện (Ảnh: NLD Online)
Sau 1 tuần được điều trị tích cực, cháu Bích đã có thể chuẩn bị ra viện (Ảnh: NLD Online)

Một cán bộ tại bệnh viện xót xa kể lại: "Kể từ thời điểm cháu Bích tỉnh lại, các y bác sĩ được phân công điều trị, theo dõi sức khỏe của cháu luôn cố gắng tranh thủ thời gian để gần gũi, vui đùa cùng cháu bé. Tôi còn nhớ rất rõ, khi Bích vừa tỉnh lại, tôi có hỏi: Cháu học lớp mấy rồi?. Bích đáp lại một cách khó nhọc: "Dạ, cháu học lớp 3". "Cháu học có giỏi không?". "Dạ không, cũng bình thường".

Một cán bộ khác nhớ lại: "Vì sợ cháu có thể bị hoảng loạn khi biết chuyện về gia đình mình nên tôi không nói với cháu về việc bố mẹ và em cháu đã mất. Điều này cũng được thống nhất với toàn bộ những cá nhân có điều kiện gần gũi cháu trong thời gian này".

"Có lẽ, do chưa được biết chuyện cha mẹ và em gái đã bị giết hại nên đến thời điểm này, cháu không còn dấu hiệu bị hoảng loạn", cán bộ này nói. "Hàng ngày, cháu bé lại nói cháu nhớ nhà và nhớ đồ ăn mẹ nấu và "đòi" các y bác sĩ nấu cho cháu. Chúng tôi luôn cố gắng để Bích không có thời gian trống, giúp cháu vơi đi cảm giác nhớ nhà và bồi đắp phần nào cho cháu cảm giác hơi ấm gia đình. Trong khi những ngày này, người thân của cháu cũng không được tiếp xúc".

Xác nhận thông tin này, BS. Nguyễn Tiến Quyết – Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết thêm: “Sức khỏe của cháu hiện nay đã ổn định và chúng tôi chuẩn bị cho cháu ra viện trong ít ngày tới. Trong quá trình cháu điều trị tại bệnh viện, người thân của cháu cũng không được tiếp xúc với cháu".

Đến chiều 30/8, nạn nhân Bích vẫn đang nằm trong phòng hồi sức tích cực và được lực lượng công an bảo vệ rất nghiêm ngặt bởi đây là nhân chứng sống duy nhất còn lại trong vụ thảm sát.

Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tình hình sức khỏe của cháu bé trong các bài viết tới.

Chuyên gia tâm lý chia sẻ cách giúp cháu Bích

Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng khám Tâm lý trẻ em & gia đình (TP. Hồ Chí Minh) để chia sẻ những kinh nghiệm giúp cháu Bích có thể vượt qua nỗi đau mất mát to lớn trong đêm kinh hoàng ấy:

“Dưới góc độ tâm lý, việc nói cho cháu Bích biết việc bố mẹ, và em của cháu đã bị sát hại sẽ đến lúc chúng ta phải đối mặt và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của cháu. Đó là một cú sốc. Tuy nhiên, sự sốc của trẻ khác với sự sốc của người lớn.

Cái sốc của người lớn khi mất đi người thân là thấy được tương lai, viễn cảnh, mường tượng được hậu quả sẽ xảy ra là cái gì, được cái này, mất cái kia… Tổn thương đối với người lớn nặng hơn trẻ con. 

Còn trẻ con sốc thì chỉ nghĩ là sẽ không gặp lại thôi. Vì thế cho nên những đứa trẻ sau khi bị tổn thương, cụ thể là từ một vụ tai nạn của gia đình thì nó rất cần người tư vấn để có thể nói chuyện với nó. 

Nhưng vấn đề truyện trò với nó như thế nào thì người tư vấn có kỹ thuật tùy theo điều kiện, nhận thức của đứa trẻ để đưa ra những đòi hỏi thích hợp. Nhìn chung, mình sẽ phải cho cháu Bích biết sự thật về gia đình cháu. Nhưng cách nói lại là rất quan trọng: không nặng nề… đó là kỹ thuật của người tư vấn. Ví dụ như; bố mẹ cháu sống rất tốt nhưng đã bị cướp vào, trong lúc đó đã bảo vệ cháu. Bố mẹ cháu sẽ yên tâm hơn khi cháu cố gắng học hành giỏi…

Chúng ta phải nói những cái tốt trước. Khi trẻ thấy được những cái tốt thì những điều xấu đi sau sẽ làm giảm đau khổ. Khi đó trẻ có cảm giác như được an ủi hơn. Đó là cách để mình tiếp xúc với trẻ em nói chung và cháu Bích trong trường hợp này nói riêng. 

Đây là nhân chứng sống cuối cùng trong vụ án nên việc các chiến sỹ công công an tiếp xúc với cháu bé và lấy lời khai của cháu bé là điều chắc chắn. 

Và ít nhiều điều này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của cháu bởi trong đầu cháu sẽ sống lại những hình ảnh, thời điểm bị tấn công trong đêm kinh hoàng đó. 

Ví như cơ quan công an chưa xác định được thủ phạm thì cần phải có nhân chứng, cần phải có miêu tả hình dáng. Đương nhiên cơ quan công án sẽ coi cháu bé là nhân chứng vô cùng quan trọng góp phần vào việc phá án và sẽ hỏi: “cháu thấy hung thủ hình dạng như thế nào?...”. Khi đó những hình ảnh, âm thanh sẽ hiện về trong đầu cháu dẫn đến việc cháu hoảng sợ và căng thẳng. 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tôi theo dõi thấy vụ án này đã rõ hơn rồi: xác định được hung thủ và đang trên đường truy nã không còn có gì mơ hồ cần phải làm rõ hơn đối với một nhân chứng. 

Tôi nghĩ việc đối chất với cháu Bích là không cần thiết. Và nếu có thì cũng chỉ là hỏi thêm một số thông tin về thời gian hoặc những điều khác xung quanh để rõ vụ án chứ không cần phải đưa cháu Bích trở lại thời điểm mà nó bị tổn thương như vậy. 

Nhưng tôi tin là cơ quan công an có nghiệp vụ. Và đương nhiên, họ sẽ ứng xử với đứa bé khác với tội phạm. Nếu chẳng may họ không biết về tâm lý trẻ em mà nói một điều gì đó thẳng thắn quá: ví dụ những điều mà nên quên đi như hôm dó, tên hung thủ đã làm như thế nào với cháu? tấn công cháu như thế nào? tấn công bố mẹ cháu như thế nào?... thì sẽ gây chấn thương tâm lý cho cháu Bích.

Tôi tin theo thời gian cháu Bích sẽ vượt qua được nỗi đau này. Sau đó nếu cháu Bích có được sự quan tâm, những sự hỗ trợ tiếp theo thì sẽ tốt hơn.

Phóng viên đặt câu hỏi: "Điều đáng nói, sau khi vụ án kết thúc cháu trở về sống với những người thân còn lại trong dòng họ. Làm thế nào để vụ việc này không trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cháu?".

Ông Khanh cho rằng, nếu cháu Bích được tạo điều kiện, hòa nhập tốt thì vết thương này sẽ không còn là một vết thương lớn. Theo ý tôi nên cho cháu vào một nhà tình thương… vì ở đó có tính cộng đồng. Những người xung quanh không biết gì về gia đình cháu, người thân của cháu và về vụ án kinh hoàng này. Điều này sẽ giúp cháu Bích xóa bớt những kỷ niệm buồn này đi. Khi lớn lên, cháu nó sẽ chấp nhận sự việc này coi như một đau buồn trong quá khứ.

Tuy nhiên, trong điều kiện này tôi nghĩ cháu không nên về với gia đình, ít nhất là trong một thời gian. Về với người thân thì việc chăm sóc sẽ đỡ hơn. Nhưng về mặt tâm lý thì sẽ không tốt. Vì là người thân, rất hiểu hoàn cảnh của cháu nên mỗi khi nhìn thấy cháu như vậy có thể lại khóc lóc và kể lể: “Tội quá! Giá mà bố mẹ cháu còn sống…” thì vô hình dung, những câu than thở do lại “lôi” cháu về với những kí ức kinh hoàng mà cháu đã trải qua. Thậm chí là khắc sâu chuyện này vào trong tâm trí cháu để rồi khi lớn lên hậu quả sẽ khó lường. 

Trong trường hợp đó, những người chăm sóc cháu đừng nên nhắc đến chuyện này trong thời gian càng dài càng tốt, chỉ hướng cháu đến tương lai và khuyên nhủ cháu: cháu cố gắng học tập để thở thành người tài không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ… Mục đích là để ít nhất cháu quên giai đoạn này đi không còn nhớ tới. sau này khi cháu Bích đã lớn lên và hồi tưởng về quá khứ thì hồi tưởng dó cũng nhẹ nhàng hơn.

Còn mọi người xung quanh, có thể thời gian đầu họ rất hay quan tâm đến cháu dưới góc độ hỏi han tình hình và điều này cũng có thể gây chấn thương tâm lý cho cháu.Tôi cũng mong mọi người trong làng xóm đừng nhắc đến chuyện đó trước mặt cháu để cho cháu đỡ tưởng nhớ đến quá khứ.

Lúc này, cách cư xử khéo léo và thời gian có lẽ là liều thuốc tốt nhất để cho cháu Bích có thể nguôi ngoai về đem kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của bố mẹ và em gái mình.

Một điều đau đớn: cháu Bích bị thương ở mặt và dọc sống mũi. Nhưng vết thương này có thể để lại sẹo dài trên khuôn mặt một cô gái khi đã trưởng thành. Mỗi khi ngồi trước gương, nhìn thấy vết sẹo dài có lẽ trong tâm trí cháu lại hiện lên những hình ảnh về đêm kinh hoàng kia. Và điều này có thể gây tổn thương tâm lý. 

Tuy nhiên trong điều kiện này, đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ, hi vọng sau này lớn lên có lẽ sẽ mặc cảm về vết sẹo để lại trên khuôn mặt một người con gái hơn là vết thương tâm lý vào thời điểm đó”.

Tuệ Minh