Bi hài đến "rơi nước mắt" vì tắc đường tại Việt Nam

06/10/2011 05:27
Hải Hà tổng hợp
(GDVN) - Tình trạng giao thông hỗn loạn, ách tắc trong nhiều giờ liền, người đi đường dở khóc dở cười, mâu thuẫn thậm chí giết người chỉ vì chuyện tắc đường
Thời gian này, dù cố đi làm từ sớm, hay muộn… thì khung giờ nào người dân cũng phải khổ sở đối mặt với cảnh tắc đường. Tình trạng giao thông hỗn loạn, ách tắc trong nhiều giờ liền, người đi đường dở khóc dở cười, họ chờ đến khi trời... tối, mà đường vẫn tắc.

Dở khóc, dở cười vì tắc đường

Cũng vì chuyện tắc đường mà bữa cơm tối của nhiều gia đình thường diễn ra ở… quán cơm gần nhà. Vẫn tan sở như thông lệ, nhưng chị Hạnh không thể về tới nhà sớm vì đường kẹt cứng. Chen chân vào được chợ thì cũng đã muộn, thực phẩm cũng chỉ còn lèo tèo vài hàng. Nên cả nhà thường xuyên phải mua đồ ăn sẵn hoặc ăn cơm ngoài quán. “Bỏ việc về sớm chút cho đỡ tắc đường thì không được, mà về  đúng giờ thì chắc chắn chỉ đứng chịu trận với chiếc xe. Ở thêm ở công ty cho qua giờ tắc thì nhấp nhổm việc gia đình cũng không yên”, chị Hạnh tâm sự trên Afamily.
Lượng xe quá đông khiến người tham gia giao thông chỉ có thể nhích từng tý một
Lượng xe quá đông khiến người tham gia giao thông chỉ có thể nhích từng tý một
Cũng vì chen lấn để nhích được chiếc xe, mà có nhiều lúc người đi đường gặp một vài tai nạn nho nhỏ: “Vốn tay lái không vững, đi trong dòng người đông đúc, lại phải căng mắt ra để tránh đụng vào xe người này, người kia nên chuyện bị xe sau “húc” phải chân, kẹp tay lái là chuyện bình thường. Cũng đau lắm nhưng biết kêu ai, cảnh chung cả mà”.

Vợ chồng hục hặc chỉ vì…tắc đường
 
Vợ chồng giận nhau, cãi cọ vì trăm ngàn lý do, nhưng thủ phạm gây ra chiến tranh lạnh của các gia đình vì tắc đường thì cũng không phải hiếm.

Đưa con đi học, trên đường đến cơ quan chị H tranh thủ chạy qua chợ mua ít đồ gửi nhờ bếp ăn cơ quan để chiều về còn kịp giờ đón con. Hôm nào cũng vội vội vàng vàng, nhưng không ít lần chị đến muộn bị sếp nhắc nhở, thậm chí là trừ lương thưởng, cắt  thi đua.

Thời gian với chị quý từng giây, công việc thì nhiều nên hôm nào chị cũng phải ôm về nhà làm, không ở lại làm thêm được. Đường thì đông, người xe thúc nhau trong tiếng còi inh ỏi, khiến hai mẹ con chị về đến nhà mệt bã người nhưng điều khiến chị mệt hơn là cảnh ông xã đang ung dung nằm trên giường vắt chân chữ ngũ, đọc báo, xem ti vi chờ vợ về …nấu cơm.

Mấy lần nhắc khéo anh về việc đặt hộ vợ nồi cơm, anh thủng thẳng bảo: Việc đó là việc của phụ nữ, mà bữa cơm thì có nặng nhọc gì đâu. Chị ức chế nhưng cũng không muốn đôi co thêm câu nào. Chị nghĩ thầm, anh ngày nào cũng xe đưa, xe đón, có phải ngày hai buổi hành xác như vợ đâu mà hiểu hết mọi nỗi của chị.

Một câu chuyện khác được đăng tải trên diễn đàn phụ nữ: Từ hồi yêu nhau đến cưới nhau, đi đâu chị Tuyết và anh Hòa cũng như đôi sam gắn bó không rời nửa bước. Nhà thì tận bên Long Biên, chị làm ngay trên đường Lê Thánh Tông còn anh tít Đại học Kiến trúc dưới Hà Đông, thế nhưng sáng nào hai vợ chồng cũng sáng đưa đi, tối đón về.

Hồi yêu nhau, thi thoảng anh cũng bỏ chị ở nhà đi bù khú với bạn bè. Cưới nhau rồi, cái tật ham nhậu của anh phát huy hết mức tối đa, nhiều khi anh ham chén chú chén anh mà quên cả giờ đón vợ. Đứa con đầu lòng ra đời khiến quỹ thời gian của hai vợ chồng càng eo hẹp, lúc nào chị cũng chỉ muốn nhanh chóng về với con trong khi anh còn muốn giao tế với bạn bè.

Đoạn đường đi làm và về nhà bỗng như dài ra hơn bởi sự bực bội vì đường qua cầu đông đúc và sự ức chế mỗi khi anh đón muộn. Lần thi đường đông không thể đi nhanh, lần thì do bạn mời ”hai, ba” cốc nên trễ giờ. Nhưng đúng là đoạn đường anh đi từ cơ quan mình về cơ quan chị hôm nào cũng mất gần 1 tiếng đồng hồ vì giờ cao điểm nên không thể đi nhanh được. Vì xót con nhỏ ở nhà nên mỗi lần anh đến lần nào chị cũng cằn nhằn, bất kể lý do anh đưa ra đúng hay sai.

Giết người vì không chịu nhường đường

Ngày 8/4/2011, TAND TP HCM đã mở phiên tòa xét xử lưu động tại Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đình Hiếu (24 tuổi, ngụ quận 9, TP HCM) mức án 20 năm tù về tội "Giết người".

Theo nội dung vụ án, khoảng 19h30' ngày 30/1/2010, Hiếu điều khiển xe gắn máy chở bạn gái do đông người nên xe máy của Hiếu chắn ngay đầu xe của anh Phạm Hoàng Vinh. Anh Vinh liền bảo Hiếu cho xe qua đường để đi nhưng do lưu lượng xe quá đông nên Hiếu trả lời không qua được.

Hai bên cãi nhau dẫn đến đánh nhau. Trong lúc đánh nhau, anh Vinh dùng chân đạp Hiếu té gần sạp trái cây gần đó. Lúc này, Hiếu nhìn thấy con dao Thái Lan của người bán trái cây trong tầm tay với liền chụp lấy đâm anh Vinh 2 nhát vào ngực và lưng khiến nạn nhân gục chết ngay tại chỗ.

Chết tức tưởi vì xe cứu thương...kẹt xe

Lực lượng cứu thương dù chuyên nghiệp đến mấy cũng phải lắc đầu chào thua, không cứu nổi ca bệnh hiểm nghèo, khi sinh mạng được tính bằng phút. Nguyên nhân là xuất phát từ việc kẹt xe, tắc đường ngày càng phổ biến.

Theo thông tin từ Vietnamnet: Khi nhắc lại chuyện này, ê kíp cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn và Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thanh Bình không thể quên được cảnh tượng ngay giữa trung tâm TP, một người phụ nữ vô gia cư nằm sinh con trên đường phố, cách bệnh viện chỉ một đoạn đường.

Khi ê kíp cấp cứu hối hả chạy đến thì…người phụ nữ ấy đã chuyển dạ sinh con. Cảnh tượng đau lòng mà họ chứng kiến là người mẹ nằm bất động, còn đứa bé thì đã ngưng thở từ khi nào.

Một ca cấp cứu như vậy, nhiều nhất là 10 phút đến tới hiện trường, thế những họ phải mất tới 30 phút mới có mặt tại nơi cần đến. Tuy nhiên tất cả đã quá muộn. Người mẹ do băng huyết, mất máu nhiều nên ngất đi, còn đứa bé bị dây rốn quấn cổ đã tắt thở.

Bác sĩ Võ Quang Huy, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM chia sẻ trên Vietnamnet cảm giác bất lực vì không kịp cứu bệnh nhân cũng vì lý do "lãng xẹt": kẹt xe.

Là người cống hiến lâu năm trong công tác cấp cứu ngoại viện, bác sĩ Huy nói rất trăn trở với bài toán "cấp cứu - ùn tắc giao thông". Nhiều bác sĩ gọi đây là cuộc chạy đua có tính..."hên- xui", bởi lúc này thời gian là yếu tố quan trọng nhất, chỉ cần đến chậm trễ vài phút, tính mạng người bệnh khó được bảo toàn.

Bác sĩ Huy kể lại, từng chứng kiến cảnh sản phụ sinh em bé trước khi xe cứu thương tới, hoặc sanh ngay trên xe cứu thương, thậm chí là…đẻ rơi. “Nhiều lần, chúng tôi vận chuyển bệnh nhân đang hấp hối, phải đặt nội khí quản. Người bệnh có thể ngưng tim bất cứ lúc nào, trong khi đường xá thì ùn tắc, nhiều người dân nghe tiếng còi hú cấp cứu nhưng không né nhường đường, mặc cho tài xế và bác sĩ cật lực xin đường bằng tay và…miệng.” - bác sĩ Huy cho biết.
 
Hải Hà tổng hợp