Biển Đông: Trung Quốc đang “bẻ từng chiếc đũa” trong ASEAN?

25/01/2013 07:10
Hồng Chính Quang
(GDVN) - “Một trong những phương thức, sách lược mà Trung Quốc đã và đang vận dụng thường được cảnh báo nhiều nhất là chính sách “bẻ từng chiếc đũa trong một bó đũa”…”, TS. Trần Công Trục phân tích tiếp.
LTS: Không chỉ dùng kế “giương Đông, kích Tây”, Trung Quốc còn đồng thời vẫn tăng cường những bước đi mới, hiểm độc nhằm tạo ra cơ hội và tận dung cơ hội đó để thực hiện chủ trương nhất quán của họ: khống chế, tiên tới độc chiếm Biển Đông. Cơ hội mà họ đang tìm cách tạo ra và tận dung nó là gì? TS. Trần Công Trục – Nguyên Trưởng ban Ban biên giới của Chính phủ đã có những nhận định rất sâu sắc về vấn đề này.

Chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN

PV: Nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc ASEAN không thông qua được thông cáo chung cho thấy phải chăng Trung Quốc đã tìm được cách phá vỡ tính bền chặt và gây ảnh hưởng với một quốc gia cụ thể. Trong khi ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò là tấm lá chắn cho sự tự chủ khu vực của Đông Nam Á, cố gắng đóng vai trò lớp bảo vệ để chống lại sự thâm nhập của những đại cường thì nay tấm lá chắn ấy dường như có vết thủng…
TS. Trần Công Trục: Để thực hiện chiến lược khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông, nhiều học giả, chính khách quốc tế đã từng đề cập đến những phương thức, sách lược mà Trung Quốc đã và đang vận dụng.
ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò là tấm lá chắn cho sự tự chủ khu vực của Đông Nam Á.
ASEAN lâu nay vẫn đóng vai trò là tấm lá chắn cho sự tự chủ khu vực của Đông Nam Á.
Một trong những kế sách thường được người ta đề cập và cảnh báo nhiều nhất là chính sách “bẻ từng chiếc đũa trong một bó đũa”; cụ thể là thực hiện chính sách vừa lôi kéo vừa chia rẽ các nước ASEAN, dùng nước này ép nước kia; hạn chế vai trò và ảnh hưởng của các nước lớn như Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ…; tập trung mũi nhọn chĩa vào Việt Nam, cho Việt Nam là đối tượng chính, áp dụng thủ thuật “ngoại giao cấp cao”, “đại cục quan hệ”, “trả đũa mạnh”…
Khi buộc phải ký và tham gia vào DOC, Trung Quốc đã tìm cách đưa những bổ sung nhằm đảm bảo không gây cản trở cho ý đồ “gác tranh chấp cùng khai thác” trong phạm vi đường biên giới “lưỡi bò” của họ; để cản trở trong thực tế quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), họ tìm cách không để ASEAN co cụm lại, tìm cach gạt bỏ chủ đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự ARF… lợi dụng các quan hệ kinh tế như viện trợ, đầu tư, xuất nhập khẩu… để vừa gây sức ép, vừa phân hóa…
PV: Như vậy thì Trung Quốc đã nghiên cứu khá kỹ vấn đề này và đang đánh vào 'điểm yếu' này của một số quốc gia ASEAN?
TS. Trần Công Trục: Trung Quốc cho rằng ASEAN là một nhân tố dễ chia rẽ và hướng nội. Trung quốc cũng cho rằng họ có tầm ảnh hưởng rất lớn bởi sự phụ thuộc về kinh tế, thỏa thuận thương mại tự do và khả năng đổi hướng của ASEAN trong các cuộc thương thuyết là hiện hữu thông qua các nước như Camphuchia, Thailan, Myanma, Lào… mà họ có thể khai thác được. Trung Quốc đã từng nói rõ rằng: “Trên hết, chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương đặc biệt và bác bỏ các nỗ lực của ASEAN thương lượng như một thực thể duy nhất trong bất cứ vấn đề gì, trừ các thỏa thuận kinh tế…”( Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ, phat biểu với lãnh đạo đối ngoại của ĐCS Trung Quốc tháng 8 năm 2010). Vì vậy, có lẽ qua đó, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên tại sao Hội nghị thượng đỉnh ở Phnômpênh không ra được tuyên bố chung hay không đưa vấn đề Biển Đông vào trong chương trình nghị sự…

Nhưng rõ ràng là nếu Trung Quốc thực hiện thành công chủ trương độc chiếm Biển Đông thì không những các quyền, lợi ích trực tiếp của các nước liên quan bị xâm hại mà các nước khác trong khu vực và quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Tôi tin rằng sẽ không có chuyện khi “nhà hàng xóm cháy” mà không “nhảy” vào, vì họ biết chắc chắn rằng ngọn lửa đó sẽ lan sang thiêu cháy cả nhà mình!

Làm thế nào để ngăn cản việc Trung Quốc tuyên truyền sai sự thật về Biển Đông?

PV: Theo ông, các nước bị Trung Quốc lợi dụng quan hệ kinh tế, tạo sức ép kinh tế ứng xử như vừa qua xuất phát từ lý do không hiểu chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông hay họ cố tình không hiểu như vậy?

TS. Trần Công Trục: Cả hai điều này đều có khả năng xảy ra. Chúng ta cũng nên hiểu rằng hiện nay các nước trong khu vực không liên quan trực tiếp thì rõ ràng sự quan tâm của người ta có mức độ, có hạn chế. Đó là lẽ thường tình. Vì vậy thái độ của các nước này không thể mạnh mẽ như các nước có liên quan trực tiếp.

Đảo An Bang (Quần đảo Trường Sa - Việt Nam)
Đảo An Bang (Quần đảo Trường Sa - Việt Nam)

Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ rất phức tạp do sự phát triển của các nước đó. Và Trung Quốc có đủ khả năng để tạo ra những mối quan hệ đó. Và vì lợi ích của đất nước, họ sẽ tính toán các bước đi thích hợp thiết thân, trước mắt của họ. Chúng ta phải làm sao cho các nước hiểu và chia sẻ với chúng ta về những gì mà chúng ta đã từng ứng xử, với động cơ hoàn toàn trong sáng… Điều quan trọng là chúng không đòi hỏi người khác phải hy sinh tất cả để chỉ vì lợi ích của riêng mình, chúng ta đang làm tất cả với sự giúp đỡ, ủng hộ của họ chính là vì cả lợi ích của họ nữa!  
PV: Trước biện pháp Trung Quốc tác động về kinh tế đối với các nước khác thì kế sách của chúng ta là gì, thưa ông?

TS. Trần Công Trục: Việc này rất khó. Về mặt kinh tế, chúng ta đã thấy họ đã  tác động như thế nào đến Philippines khi sự kiện tranh chấp bãi cạn Scarboough xảy ra. Đối với các nước Đông Nam Á nói chung là các nước đang trong quá trình phát triển vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế.

Điều quan trọng ở đây là để giúp các nước tránh đi sự ảnh hưởng từ Trung Quốc thì cộng đồng các nước ASEAN phải có sự đoàn kết, hợp lực với nhau, sử dụng sức mạnh của mình trong sự tác động qua lại trên thị trường. Chúng ta không chỉ biết tồn tại dựa vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng quan hệ và chú trọng hơn tới các trung tâm kinh tế khác trên thế giới. Như vậy các nước ASEAN phải tạo ra được sức mạnh kinh tế cần thiết để giảm thiểu sự ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc.

Đối với việc các nước khác chưa hiểu về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, chúng ta phải thực sự bình tĩnh, khách quan và không nên nghĩ rằng các nước không liên quan phải quan tâm và hiểu hết ngay lập tức các vấn đề tại Biển Đông. Mỗi nước có những chính sách riêng, những quan hệ riêng của mình trong bối cảnh kinh tế, chính trị  phức tạp này.

Chúng ta muốn tranh thủ được người ta, hiểu vấn đề của mình và cùng mình tạo được sức mạnh trong khối này thì chúng ta phải làm nhiều hơn nữa công tác giải thích, tuyên truyền, trao đổi trên phương diện ngoại giao, chính trị…

Việc này cần phải làm rất bài bản thì mới có thể ngăn cản việc Trung Quốc tuyên truyền sai sự thật về Biển Đông.

(còn nữa)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang