Biển Đông: Việc Philippines kiện đã phá vỡ thế chiến lược của TQ

29/01/2013 11:56
TS. Nguyễn Toàn Thắng
(GDVN) - Việc Phillippines quyết định giải quyết tranh chấp bằng con đường tài phán quốc tế là bước đi tích cực, thể hiện thái độ kiên quyết trong việc giải quyết mọi xung đột, mâu thuẫn theo quy định của luật quốc tế.
Ngày 22/1/2013, Philippines chính thức triệu tập và gửi thông báo cho Đại sứ quán Trung Quốc về quyết định đưa tranh chấp trên biển với Trung Quốc ra giải quyết tại Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo quy định của Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS). 
Sau đây chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bài phân tích của TS. Nguyễn Toàn Thắng – Giảng viên Khoa Luật quốc tế - Trường Đại học Luật Hà Nội về vấn đề này.

TS. Nguyễn Toàn Thắng - ĐH Luật Hà Nội
TS. Nguyễn Toàn Thắng - ĐH Luật Hà Nội

Trên cơ sở những cố gắng không thành về chính trị, ngoại giao, Philippines mong muốn tìm kiếm một giải pháp pháp lý bền vững nhằm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS mà cả Philippines và Trung Quốc đều là thành viên; trong khi đó Trung Quốc luôn khẳng định không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế. Vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS có thể được áp dụng và vụ việc trên mang lại ý nghĩa gì trong bối cảnh tranh chấp phức tạp trên biển Đông?

Cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Giải quyết các tranh chấp biển bằng biện pháp hoà bình là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia. Điều 280 của UNCLOS quy định: các quốc gia có quyền thỏa thuận, lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận và theo yêu cầu của một bên tranh chấp, các bên phải lựa chọn, theo hình thức tuyên bố bằng văn bản, một trong bốn khả năng của thủ tục bắt buộc dẫn đến quyết định bắt buộc là: 

Thứ nhất là Tòa án luật biển quốc tế được thành lập theo đúng Phụ lục VI; Thứ hai là Tòa công lý quốc tế; Thứ ba là một tòa trọng tài được thành lập theo đúng Phụ lục VII và thứ tư là một tòa trọng tài đặc biệt được thành lập theo đúng Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều loại tranh chấp đã được qui định rõ trong đó. Nếu các quốc gia không đưa ra tuyên bố lựa chọn thì được xác định là chấp nhận thẩm quyền của Tòa án trọng tài thành lập theo phụ lục VII (điều 287, khoản 1,3).


Tuy nhiên, Công ước đồng thời quy định một số trường hợp ngoại lệ, cho phép các quốc gia không áp dụng thủ tục bắt buộc nói trên, bao gồm các loại tranh chấp: Các tranh chấp về việc giải thích hay áp dụng các Điều 15, 74 và 83 của Công ước liên quan đến việc hoạch định ranh giới các vùng biển hoặc tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử hay danh nghĩa lịch sử (điều 298, khoản 1, a); Các tranh chấp liên quan đến các hoạt động quân sự (điều 298, khoản 1, b). Các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng các quy định của Công ước về nghiên cứu khoa học biển và đánh bắt hải sản (điều 298, khoản 1, b) và các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (điều 298, khoản 1, c).

Nếu tranh chấp phát sinh thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ nêu trên, tranh chấp chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan.


Xung đột pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc

Ngày 25/8/2006, Trung Quốc đưa ra tuyên bố về việc áp dụng các ngoại lệ nêu trên, với nội dung cụ thể như sau "Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào quy định tại Mục 2, Phần XV của Công ước liên quan đến các tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) (c), điều 298 của Công ước". Như vậy, đối với những tranh chấp quy định tại khoản 1 (a) (b) (c) điều 298 của UNCLOS, Trung Quốc không bắt buộc phải áp dụng thủ tục bắt buộc trong cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Trong đơn kiện Trung Quốc, Philippines đã nêu cụ thể những vấn đề yêu cầu Tòa trọng tài xem xét giải quyết, tập trung chủ yếu vào một số nội dung: Thứ nhất là việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập đường "đứt khúc 9 đoạn" là hành vi vi phạm UNCLOS; Thứ hai là một số cấu trúc địa chất trên biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp không có quy chế pháp lý của đảo (khoản 1 điều 121 UNCLOS), mà chỉ được xác định là đảo đá (khoản 3 điều 121 UNCLOS), bãi cạn lúc chìm lúc nổi và thậm chí là bãi ngầm chìm ngập dưới mực nước biển ngay cả khi thủy triều xuống thấp nhất; Thứ ba là Trung Quốc đã thực hiện các hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines được UNCLOS ghi nhận tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Những nội dung trong yêu cầu của Philippines có liên quan và thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ mà Trung Quốc tuyên bố hay không? Tòa trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS, trừ những trường hợp ngoại lệ nêu trên. Trong giai đoạn sắp tới, cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc tập trung vào vấn đề này; và đây là điểm quyết định cho những bước tiếp theo của vụ việc.

Khả năng tiến triển của vụ việc

Vào thời điểm hiện tại, chưa thể đưa ra những kết luận cụ thể, chắc chắn về điểm mạnh và yếu trong lập luận của Philippin và Trung Quốc, với 2 lý do là trong đơn kiện, Philippines mới chỉ đề cập khái quát cơ sở pháp lý cho yêu cầu của mình và Trung Quốc cũng chỉ mới tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền của Tòa mà chưa đưa ra lập lập phản biện yêu cầu của Philippines. 
Tuy nhiên, trên cơ sở nội dung đơn kiện của Philippines, có thể lưu ý thấy đối với yêu sách đường "đứt khúc chín đoạn" của Trung Quốc, Philippines chỉ yêu cầu Tòa giải quyết tranh chấp liên quan đến việc Trung Quốc thiết lập đường "đứt khúc chín đoạn" và tuyên bố "quyền chủ quyền và quyền tài phán" đối với vùng biển trong phạm vi đường "đứt khúc chín đoạn" có phù hợp với các quy định của UNCLOS, đặc biệt là các điều liên quan đến lãnh hải (điều 13-14), vùng đặc quyền kinh tế (điều 55-57), thềm lục địa (điều 76) và quy chế pháp lý của đảo (điều 121).



Trung Quốc chưa chính thức tuyên bố những khả năng quốc gia này sử dụng lập luận về quyền lịch sử hay vùng nước lịch sử để từ chối thẩm quyền của Tòa trọng tài là rất lớn. Đây sẽ là một trong những điểm "cam go' của cuộc chiến pháp lý vì điều 298 của UNCLOS không hề giải thích khái niệm "quyền lịch sử". Liệu Trung Quốc có đầy đủ bằng chứng để thuyết phục Tòa về việc thực hiện "quyền lịch sử" theo đúng quy định tại điều 298 của UNCLOS? Trung Quốc sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn khi muốn làm điều đó.
Về quy chế pháp lý của các cấu trúc địa chất trên biển, Philippines không yêu cầu Tòa trọng tài xác định chủ quyền đối với những cấu trúc đó (vấn đề chủ quyền sẽ thuộc một trong các trường hợp ngoại lệ Trung Quốc tuyên bố; do vậy sẽ không thuộc thẩm quyền của Tòa trọng tài). Philippines chỉ yêu cầu Tòa áp dụng các quy định của UNCLOS, bao gồm điều 121 về đảo, để chỉ rõ từng cấu trúc địa chất là đảo, đảo đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi hay bãi ngầm và liệu những cấu trúc này có khả năng có vùng biển rộng vượt quá 12 hải lý.

Đây là điểm mạnh trong lập luận của Philippines và sẽ không thuộc các trường hợp ngoại lệ mà Trung Quốc tuyên bố. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, các cấu trúc địa chất được Philippines đề cập bao gồm nhiều cấu trúc địa chất của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Kiện Trung Quốc là bước đi chiến lược của Philippines

Về tổng quan, việc Philippines quyết định đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa trọng tài quốc tế là bước đi chiến lược, phù hợp với quy định của luật quốc tế. Các quốc gia có nghĩa vụ hòa bình giải quyết tranh chấp nhưng có quyền lựa chọn các biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp tài phán quốc tế. Sự lựa chọn của Philippin không làm "phức tạp hóa" tình hình biển Đông; ngược lại thể hiện mong muốn tìm kiếm một giải pháp bền vững, không sử dụng vũ lực mà giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các quy định của luật quốc tế.

Việc giải quyết tranh chấp về biên gới, lãnh thổ thông qua con đường tài phán quốc tế là sự lựa chọn tương đối "mới" của các quốc gia ASEAN. Cùng với một số nước như Malaysia, Indonesia và Singapore, Philippines tiếp bước, tạo ra tiền lệ cho việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tài phán. Có thể đánh giá đây là bước đi mang tính tích cực, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các quốc gia mong muốn áp dụng biện pháp này khi không thể đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, ổn định, giải quyết triệt những xung đột, mâu thuẫn phát sinh. 

Bước đi "mạnh dạn" của Philippines đã phá vỡ "thế chiến lược" của Trung Quốc. Trên thực tế, Trung Quốc luôn áp dụng chiến lược vừa "xoa dịu", vừa "đe dọa" đối với từng quốc gia Đông Nam Á để thực hiện tham vọng tại biển Đông. Dựa trên sức mạnh quân sự, Trung Quốc tiến hành vừa "đàm phán" vừa "đe dọa sử dụng vũ lực", đồng thời kiểm soát thực địa để buộc các quốc gia trong khu vực phải chấp nhận "nền hòa bình lệ thuộc" và chịu sự áp đặt theo cách của Trung Quốc.

Đây là lý do Trung Quốc luôn chủ trương đàm phán song phương và "không quốc tế hóa" tranh chấp tại biển Đông. Với bước đi trên, Philippines đã phát huy được thế mạnh của mình – lấy pháp luật để chống lại sức mạnh quân sự. Đó là công cụ pháp lý hữu hiệu cho phép Phillipines nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và hạn chế sức mạnh của Trung Quốc, tránh những cuộc đối đầu quân sự bởi trong cuộc đối đầu đó, lợi thế luôn thuộc về Trung Quốc; đồng thời chuyển thế chiến lược, biến "đối đầu quân sự" thành cuộc đối đầu giữa các luật sư.

Trong trận chiến này, các quốc gia liên quan sẽ bình đẳng và buộc phải bộc lộ quan điểm pháp lý của mình – điều mà Trung Quốc không mong muốn khi thực hiện chiến lược vừa đàm, vừa lấn; sử dụng sức mạnh quân sự để lấn lướt trên thực địa. Với vụ kiện này, Philippines đã tạo ra tiền lệ có ý nghĩa tích cực đối với việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Bên cạnh đó, yêu cầu của Philippines có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm sáng tỏ yêu sách mập mờ của Trung Quốc về đường "đứt khúc chín đoạn". Dù muốn hay không, Trung Quốc buộc phải đưa ra cơ sở pháp lý cho tuyên bố của mình. Đó là điều các quốc gia Đông Nam Á đã yêu cầu Trung Quốc khi quốc gia này yêu sách về đường "đứt khúc chín đoạn".

Ngoài ra, việc xác định quy chế pháp lý của các cấu trúc địa chất trên biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để giải quyết những xung đột, mâu thuẫn phát sinh. Nếu điều này được thực hiện, khu vực tranh chấp sẽ được xác định rõ ràng, từ đó các bên có thể ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm các biện pháp quản lý xung đột, tiến tới giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền.
Khả năng tham gia của Việt Nam

Việc Tòa trọng tài thụ lý giải quyết tranh chấp giữa Phillipines và Trung Quốc sẽ có tác động trực tiếp đến Việt Nam. Đặc biệt, các cấu trúc địa chất được Phillippin yêu cầu Tòa xác định quy chế pháp lý nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời bày tỏ quan điểm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế.

Tóm lại, việc Phillippines quyết định giải quyết tranh chấp bằng con đường tài phán quốc tế là bước đi tích cực, thể hiện thái độ kiên quyết trong việc giải quyết mọi xung đột, mâu thuẫn theo quy định của luật quốc tế. Điều này cho thấy, luật quốc tế nói chung, UNCLOS nói riêng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng, là cơ sở pháp lý để các quốc gia giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
TS. Nguyễn Toàn Thắng