Bộ trưởng Bộ Y tế nói về trách nhiệm trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường

19/11/2013 14:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề liên quan đến y đức của ngành y tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là các nguyên nhân ở nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề liên quan đến y đức của ngành y tế trong thời gian vừa qua, đặc biệt nhất là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, dù là các nguyên nhân ở nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp, khách quan hay chủ quan thì Bộ Y tế và người đứng đầu Bộ Y tế đều liên quan ít nhiều đến trách nhiệm.

“Về đạo đức nghề nghiệp thì lĩnh vực nào cũng cần phải có và đạo đức ngành y không thể hình thành trong 6 năm đào tạo và hành nghề mà từ lúc chào đời cho đến lúc xuống nằm hẳn ở thế giới bên kia đều phải có sự giáo dục của gia đình, của xã hội và sự rèn luyện nhân cách của chính bản thân người đó.

Vụ Cát Tường là điển hình, không chỉ đạo đức ngành y mà là mất nhân tính con người và gây ra nỗi đau đớn, bức xúc không chỉ cho nạn nhân mà là đau đớn nhất của cả ngành y, tất cả cán bộ ngành y của chúng tôi đều cảm giác không thể tin đó là sự thật”, bà Tiến nói. 

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ rõ 4 nguyên nhân đạo đức trong ngành y xuống cấp:

Thứ nhất, bản thân con người đó không rèn luyện chính mình, từ xã hội, gia đình và trong quá trình đào tạo.

Thứ hai là một cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta có những mặt tích cực, tuy nhiên cũng có tác động tiêu cực, đó là lợi nhuận, đó là mong muốn kiếm được nhiều tiền, bất chấp và vượt quá khả năng cho phép của mình về nghề nghiệp cũng như trách nhiệm.

Thứ ba, nếu trong công lập vì quá tải bệnh viện nên thái độ, đạo đức không đáp ứng được cả vấn đề về thái độ lẫn trách nhiệm.

Thứ tư, vì quảng cáo, người dân tin vào quảng cáo và tự đi đến những nơi không có cơ sở vật chất đầy đủ để làm dịch vụ y tế.

Ngoài ra, bà Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế đang biên soạn Thông tư về đạo đức ứng xử nghề nghiệp, đây là một vấn đề nhạy cảm.

“Nhiều cán bộ y tế nói với chúng tôi là tại sao ngành khác không có mà ngành này các đồng chí lãnh đạo lại xây dựng là ai cũng phải có đạo đức.  Chúng tôi nói là ngành y đụng chạm đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sai sót của người kỹ sư chỉ hỏng cái máy vi tính, chúng ta mà sai sót là ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, sự tai biến của y khoa đó dập dình không phải là hàng tháng, hàng ngày, hàng giờ mà cả hàng phút, không phải ở nước chúng ta mà kể cả các nước đã phát triển.

Ngay như Hoa Kỳ tỷ lệ tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống cũng là 7/100.000 nhân lên với dân số thì cũng là 1 ngày có mấy bà mẹ và trẻ em tử vong. Người thầy thuốc ngoài trách nhiệm chuyên môn còn có trách nhiệm lương tâm cho nên hết sức căng thẳng, trách nhiệm cao, đòi hòi học suốt đời, vì thế chúng tôi vẫn quyết tâm ban hành thông tư này”, bà Tiến khẳng định.

Ngành y tế cũng đã lập đường dây nóng ở 3 cấp: Bộ, Sở, bệnh viện tỉnh, để người dân phát hiện có thể phản ánh trực tiếp trong đường dây nóng.

Bộ trưởng Tiến cho biết: “Trong thời gian qua chúng tôi nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại trực tiếp, trong đó có 50% phản ánh thái độ không tốt của cán bộ y tế, việc này chúng tôi sẽ chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính, thi đua và tài chính, xử phạt theo Luật công chức và viên chức. Những tắc trách, giải quyết không kịp thời về chuyên môn ở từng bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, không giải quyết được thì đường dây nóng đến Sở y tế và không giải quyết nữa thì đường dây nóng lên Bộ Y tế”.

Người đứng đầu ngành y tế nhận định, đạo đức nghề nghiệp là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ngành y, do đó mong các đại biểu Quốc hội và xã hội cùng giám sát, giúp đỡ, cho dù cũng không thể thay đổi trong một sớm, một chiều.

“Chúng tôi thấy rằng những góp ý vừa rồi của các đại biểu rất thẳng thắn, chân thành, đây là một lần ngành y tế xốc lại đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi cũng mong muốn đường dây nóng này được các đại biểu Quốc hội thường xuyên kiểm tra, phát hiện để chúng tôi xử lý kịp thời. Chúng tôi hy vọng đại biểu và nhân dân nhìn một cách khoan dung và toàn diện, một năm ngành y tế khám, chữa bệnh cho 121 triệu lượt người khám bệnh cho bảo hiểm y tế chưa có dịch vụ và khoảng 400 ngàn không kể ngoài công lập cán bộ y tế ở từ xã cho đến trung ương cho nên với số lượng lớn như thế chắc chắn cũng có những tỷ lệ nhất định, những tai biến và cũng có những cán bộ y tế con sâu làm rầu nồi canh không đảm bảo đạo đức nghề nghiệp cũng như trình độ chuyên môn”, bà Tiến nói.
Ngọc Quang