Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thu hồi đất không có chuyện "lách luật"

17/06/2013 08:28
Ngọc Quang
(GDVN) - "Tôi lấy thí dụ, nếu Nhà nước thu hồi đất để triển khai các khu kinh tế, khu công nghiệp thì đó là một dự án lớn thuộc vào nhóm phát triển kinh tế xã hội. Nhưng nếu các dự án đơn lẻ như là xây dựng nhà máy chế biến thủy sản hay nông sản không vào khu công nghiệp thì phải tự thỏa thuận về giá với người dân".

Theo dự kiến chương trình làm việc, hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, sau 8 năm áp dụng vào thực tế, Luật đất đai 2003 đã bộc lộ nhiều thiếu sót cần được bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển, đó là lý do Bộ Tài Nguyên và Môi trường xây dựng Luật đất đai sửa đổi 2013, trình Chính phủ thông qua và đã trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khóa 13.

Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến của nhân dân và tiếp tục sửa đổi, như vậy việc đề nghị thông qua Luật Đất đai ở thời điểm này liệu có quá sớm? Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhận định: “Hiến pháp là đạo luật gốc, chỉ quy định những vấn đề chung chứ không đi vào cụ thể chi tiết thu hồi thế nào, giá cả đền bù ra sao…

Tôi đề nghị Quốc hội thông qua dự luật này vì nó đã được sửa đổi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế đất nước ở giai đoạn mới và cũng đề cao quyền lợi chính đáng của người dân trong vấn đề sở hữu đất đai, cũng như quyền của họ trong việc thỏa thuận với doanh nghiệp ở nhiều dự án khác nhau”.

Làm rõ thế nào là dự án do Nhà nước thu hồi phát triển kinh tế xã hội, dự án nào do tư nhân tự thực hiện, nhằm tránh tình trạng lạm quyền ở địa phương, Bộ trưởng Quang nói: “Tôi lấy thí dụ, nếu Nhà nước thu hồi đất để triển khai các khu kinh tế, khu công nghiệp thì đó là một dự án lớn thuộc vào nhóm phát triển kinh tế xã hội.

 Nhưng nếu các dự án đơn lẻ như là xây dựng nhà máy chế biến thủy sản hay nông sản không vào khu công nghiệp thì phải tự thỏa thuận về giá với người dân.

Cũng có những phản hồi từ doanh nghiệp cho rằng, cơ chế như vậy thì doanh nghiệp rất khó triển khai các dự án của họ, tuy nhiên nhìn ở chiều ngược lại thì rõ ràng đa số nhân dân có quyền đối với diện tích đất họ sở hữu và quy định việc doanh nghiệp phải tự thỏa thuận sẽ giúp người dân có được sự chủ động nhiều hơn”.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Nhà nước chỉ thực hiện quyền trưng thu, trưng mua trong những trường hợp thực sự cần thiết, những trường hợp đặc biệt quan trọng có liên quan tới chiến tranh, hoặc dự án quan trọng phục vụ an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, trong thời gian Dự thảo luật đất đai sửa đổi 2013 được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân thì đã có 18 tổ chức đề nghị Quốc hội chưa thông qua, tập trung vào ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, cơ chế Nhà nước thu hồi đất cần được vận hành thống nhất với quy định của Hiến pháp về quyền của Nhà nước đối với việc trưng thu, trưng dụng, trưng mua tài sản của người dân khi pháp luật đã thừa nhận quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình, cá nhân. Vấn đề này còn đang được thảo luận trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Do đó việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) cần được lùi lại chờ Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi để đảm bảo tính hợp hiến.

Thứ hai, sự tham gia của người dân (nơi có đất) là một yếu tố quyết định tính đồng thuận của xã hội, giúp giảm khiếu kiện. Tuy nhiên, dự thảo chưa có những đổi mới tương xứng để khẳng định quyền tham gia của người dân vào các quyết định của Nhà nước về đất đai, vào quá trình quản lý đất đai, giám sát việc thực thi pháp luật đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Thứ ba, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn rất nhiều quy định về các cơ chế quan trọng chưa nhận được ý kiến tán thành của người dân, chưa tiếp thu được các kinh nghiệm hữu ích từ các nước có hoàn cảnh tương tự, chưa tiếp nhận được các kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế về Việt Nam. Các cơ chế đặc biệt cần tiếp tục phải nghiên cứu thấu đáo và tiếp tục điều chỉnh.

Ngọc Quang