Bộ trưởng Thăng được mời làm trưởng thôn

13/01/2012 06:45
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - "Về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông của Lào rất đáng để chúng ta học tập. Người ta dành đất cho giao thông từ 20 – 30%, thậm chí lên đến 35%".

Chiều qua, tại trụ sở Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả cả nước, với những nội dung chính tập trung vào việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và cũng không quên nhắc tới ý thức tham gia giao thông.

Tại sao lại thu phí lưu hành phương tiện theo cách cào bằng đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, không phân biệt xe mới, xe cũ… Có phải do năng lực tổ chức yếu kém, điều kiện kỹ thuật hay do thói quen chủ quan, duy ý chí, đơn giản hóa trước các vấn đề nhạy cảm của xã hội?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Chúng tôi đã có tính toán rất kỹ để xây dựng đề án này, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông hiện nay, tình hình thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới… Đối với mức phí lưu hành xe máy, chúng tôi phân làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối mức 500.000 đồng/năm, chia đều thì mỗi tháng chỉ phải nộp khoảng 46 nghìn đồng, tính ra chỉ tương đương khoảng 2 lít xăng. Chúng tôi nghĩ mức này là phù hợp. Với loại xe máy trên 175 phân khối, mức thu là 1 triệu đồng.

Đối với ô tô, chúng tôi cũng phân làm nhiều mức khác nhau: xe dưới 2000 phân khối mức thu đề xuất là 20 triệu đồng/năm, như vậy một tháng cũng chưa đến 2 triệu đồng và cũng đoán là phù hợp với người sử dụng loại phương tiện này. Với xe từ 2000 đến 3000 phân khối, mức thu là 30 triệu đồng và trên đó thì mức phí lại cao hơn, mức chia khác nhau như vậy là để cho phù hợp với từng đối tượng.

Bộ trưởng Thăng cho rằng mức đề xuất thu phí như vậy là công bằng (Ảnh: Ngọc Quang)
Bộ trưởng Thăng cho rằng mức đề xuất thu phí như vậy là công bằng (Ảnh: Ngọc Quang)

Tại sao Bộ GTVT thực hiện quy trình ngược, trình Chính phủ rồi mới hỏi ý kiến người dân?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Để trình đề án thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, chúng tôi có các căn cứ, đó là:

Căn cứ vào báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vừa qua, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ có báo cáo về các giải pháp cấp bách giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông cũng như ùn tắc tại các thành phố lớn.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu và căn cứ vào kết quả trả lời chất vấn, Quốc hội đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung Quốc hội nhất trí thông qua giải pháp của Chính phủ về các giải pháp cấp bách thực hiện giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông, cũng như xử lý ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, tại Hội nghị tổng kết về công tác an toàn giao thông năm 2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có kết luận, giao cho Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng đề án trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung vào Pháp lệnh về phí và lệ phí, trong đó có phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Như vậy, thứ nhất tính pháp lý của đề án là đầy đủ, thứ hai đây không phải là sáng kiến gì mới mẻ của Bộ GTVT. Bộ GTVT với tư cách là cơ quan quản lý về mặt Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, xây dựng đề án, chứ không phải là thực hiện quy trình ngược.

Nếu sau khi người có các phương tiện cá nhân đã nộp đầy đủ phí theo quy định mới theo những đề xuất của Bộ GTVT mà tình hình ùn tắc không được đẩy lùi, thì Bộ trưởng có sẵn sàng đề xuất với Chính phủ trả lại những khoản phí đã đóng, thậm chí là trả lãi suất ngân hàng cho người dân nói chung hay không?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thứ nhất, hiện Chính phủ chưa ban hành Quyết định thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân mà đây mới là đề án của Bộ GTVT trình Thủ tướng. Hiện, Thủ tướng đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông cần các giải pháp đồng bộ, cả giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có việc rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển, quy hoạch sản xuất, quy hoạch lắp ráp, nhập khẩu ô tô... Từ đó, Chính phủ mới đề ra giải pháp, trong đó có giải pháp về kinh tế là thu phí lưu hành phương tiện cá nhân.

Mục tiêu của việc thu phí không chỉ để thực hiện mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, mà còn có mục tiêu tạo ra nguồn thu để đầu tư trở lại hạ tầng, để phục vụ người dân tốt hơn.

Việc thu này đảm bảo công bằng, thực tế, người sử dụng nhiều hạ tầng phải nộp phí nhiều hơn. Người sử dụng xe máy thì nộp phí vừa phải, mang tính tượng trưng là 500.000 đồng/năm, để thể hiện ý thức trách nhiệm sử dụng hạ tầng cho tốt hơn thôi, còn đối với người đi bộ, đi xe đạp thì không phải nộp.

Nói về chuyện bình đẳng hay không khi những người đi ô tô nộp nhiều thuế, nếu thế thì chúng ta cũng phải hỏi ngược lại: Người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới thì họ làm gì để nộp thuế? Nhưng công sức của họ, sương máu của họ hàng ngày bảo vệ biên giới thì tính làm sao bằng tiền được.

Nếu tính về sự đóng góp thì không thể tính được. Anh có thể nộp ngân sách hàng năm bao nhiêu tiền, hàng tháng bao nhiêu tiền, nhưng sự hy sinh của những người nơi biên giới, của người nông dân làm ra hạt gạo… thì chúng ta có tính được không? Cho nên nếu mà hỏi như vậy thì chúng ta phải xem xét lại chính bản thân người hỏi. Người Việt Nam chúng ta có câu “làm ơn thì không bao giờ kể, nhưng chịu ơn thì không bao giờ quên”, những người ở biên giới có bao giờ kể là đóng góp cho Nhà nước nhiều đâu, trong khi về sử dụng hạ tầng giao thông thì họ luôn bị thiệt thòi.

Nếu mình không thu phí này, tạo thêm nguồn thu, chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì tiền đâu ra đầu tư cho giao thông nông thôn, tiền đâu đầu tư cho đường ven biển, tiền đâu đầu tư cho  đường tuần tra biên giới… mà nếu không có những con đường này thì an ninh quốc phòng ai giữ? Tôi nghĩ, nếu nói bình đẳng thì chúng ta phải hiểu một cách đầy đủ như vậy.

Còn chuyện thu phí, có hết ùn tắc hay không, tôi xin nói rằng, đây là nhiệm vụ để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được thì toàn dân được hưởng, người đi ô tô, xe máy, đi bộ đều được hưởng; còn nếu nói hết hẳn thì ở những nước văn minh như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng vẫn còn ùn tắc giao thông chứ đã hết đâu. Cho nên, chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta.

Cuối năm 2011, Bộ trưởng đã có chuyến công tác kéo dài hơn nửa tháng qua các nước... Bộ trưởng đã học hỏi và đúc rút được những kinh nghiệm qu‎ý báu gì trong vấn đề quản l‎ý cũng như điều tiết giao thông từ nước bạn?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cuối năm 2011, tôi có dịp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội thăm Anh và Bỉ. Sau đó, tôi có đi thăm Lào và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giao thông các nước ASEAN định kỳ hàng năm. Về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông của Lào rất đáng để chúng ta học tập.

Người ta dành đất cho giao thông từ 20 – 30%, thậm chí lên đến 35%. Họ làm rất tốt vấn đề tổ chức, quản lý giao thông, quản lý hệ thống phương tiện và tổ chức vận tải công cộng, hệ thống tín hiệu giao thông… Ngay tại Lào, chúng ta cũng phải học tập họ ở ý thức tham gia giao thông. Nếu các bạn có điều kiện sang Lào thì sẽ thấy ô tô của họ rất ít khi bấm còi. Người Hà Nội sử dụng còi hơi nhiều, ngay cả khi so với TPHCM. Ý thức tham gia giao thông của người Lào là tuyệt vời, chúng ta cần phải học tập.

Ngọc Quang (ghi)