Bức thư đẫm nước mắt và nỗi lòng của người 10 năm ngồi tù oan

07/11/2013 13:43
Đỗ Tuyết (tổng hợp)
(GDVN) - "Bản thân cháu còn không biết cháu và công an đã làm như thế nào để cô Hoan chết. Chết như thế nào cháu đâu có biết. Vì cháu không làm việc đó được. Cháu không giết được người đâu ông ạ…”.dòng tâm sự của ông Chấn trong 3 năm đầu ở tù.

Bức thư đẫm nước mắt của người bị tù oan

Liên quan đến vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn, người  phải ngồi tù oan trong suốt 10 năm qua đã gây chấn động dư luận. Không giết người, nhưng bị ép cung bị đe dọa bắt phải nhận tội. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng ở tù, những oan ức và nỗi khổ tâm đã dày vò khiến ông không lúc nào nhẹ nhõm.

Sau gần 3 năm đầu trong trại giam, ông Nguyễn Thanh Chấn đã viết một bức thư kể hết những nỗi oan khiên, đau đớn của mình cho một người bà con. Lần theo quãng thời gian đầy oan khiên của ông Chấn. Lá thư khá sạch sẽ, kín những dòng chữ nhỏ xiêu vẹo, đề ngày 30/4/2006, địa điểm viết thư tại Đội 25, Trại giam Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc.

Ông Chấn như đang trải lòng với một người tâm giao: “Cháu thật ra không giết người mà cũng không hiểu biết gì về pháp luật mấy. Bên cạnh đó, sao lại có những cán bộ công an điều tra tỉnh Bắc Giang như T.N.L, N.H.T, N.Đ.D, N.V.D, N.T.T, kiểm sát viên Đ.T.V...

Vì bị giam giữ, bị tra tấn nhục hình quá oan ức bắt nhanh chóng phải nhận tội, cháu chờ ngày ra tòa để minh oan. Nhưng cháu không ngờ ngày ra tòa lại là những ngày thất vọng để với bản thân cháu và đau khổ với gia đình, làm tai tiếng cho cả dân làng ta ông ạ…”.

Ông Chấn cũng tự vấn một phần lỗi là do mình: “Những khi cháu tỉnh táo và tĩnh tâm lại được sự việc đã xảy ra rồi, chỉ biết ngậm ngùi buồn ôm một nỗi oan ức tày đình này (...).

Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 3 từ trái sang) trở về trong vòng tay của người thân sau 10 năm ngồi tù vì bị xử oan
Ông Nguyễn Thanh Chấn (thứ 3 từ trái sang) trở về trong vòng tay của người thân sau 10 năm ngồi tù vì bị xử oan

Cháu rất muốn chết mà chả được chết(...). Ông trời không cho cháu chết, ông, bà, bố cháu không muốn cho cháu chết nữa vì còn một mẹ già, một vợ và những đứa con ngoan vẫn đang đợi chờ một sự thật, lẽ phải, chân lý sẽ trở về đúng nghĩa của nó(…).

Bản thân cháu còn không biết cháu và công an đã làm như thế nào để cô Hoan chết. Chết như thế nào cháu đâu có biết. Vì cháu không làm việc đó được. Cháu không giết được người đâu ông ạ…”.

Bức thư của ông Chấn cách đây 7 năm vẫn tin vào tương lai tươi sáng. Đoạn cuối thư viết: “Ông ơi, ông bảo tất cả những ai hiểu về cháu và mẹ, vợ, con cháu tìm mọi cách làm đơn gửi lên đúng nơi, đúng chỗ không phải nhờ vả ai cả, tự mình tìm đến đúng nơi mà kêu.

Một ngày không được thì hai, một tháng không được thì hai, một năm không được thì hai… cho dù hết đời cháu nếu có mệnh hệ gì đời cháu đỡ tủi. Bảo với mẹ cháu phải kiên trì mới có kết quả ông ạ. Còn ông trời sẽ không phụ công người tốt, ắt có người sẽ giúp đỡ ông nhỉ? Cháu chỉ biết ngậm ngùi chờ đợi mà thôi…”.

Từ vụ 10 năm oan sai: Chặn ngay hành vi bức cung!

Một công dân chỉ là nghi can, điều tra viên đã nghĩ đó là tội phạm. Xưng hô như chợ búa, quát nạt mày tao rất thiếu văn hóa. Rồi bức cung, ép cung, gây áp lực tâm lý, khống chế tinh thần để bị can hoảng loạn mà nhận tội. Hình ảnh của điều tra viên đó sao? 

Những người có chức trách điều tra tội phạm đã tìm ra tội phạm bằng cách như vậy đó. Những người chấp pháp lại coi thường pháp luật. Coi thường pháp luật là coi thường sinh mạng của công dân và án chung thân của Nguyễn Thanh Chấn chỉ là một ví dụ. Còn bao nhiêu Nguyễn Thanh Chấn sau song sắt các nhà tù, đó là một câu hỏi day dứt tâm can của bất cứ ai còn có lương tâm.

Phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can các cá nhân có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ngay lập tức để trả lại sự công bằng, công lý, để chấn chỉnh kỷ cương phép nước. 

Không thể chần chừ được nữa. 

Nếu công tâm, điều tra nghiêm túc, sẽ tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong vụ án này. Nhưng vấn đề không chỉ xử lý những cá nhân, tập thể gây ra oan sai, mà phải hạn chế được oan sai để không còn những bản án kết tội cho người vô tội. 

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, phạm nhân Ernesto Miranda ở bang Arizona (Mỹ)  đã đưa ra cảnh báo về “Quyền im lặng”, và “sáng kiến” rất văn minh của phạm nhân này trở thành một quy định mang tính pháp lý, đó là người bị bắt giữ, trước khi bị thẩm vấn phải được thông báo một cách rõ ràng rằng họ có quyền giữ im lặng và phải được thông báo rõ ràng người đó có quyền tư vấn luật sư hoặc có luật sư bên cạnh khi bị điều tra, thẩm vấn. 

Một bị can chỉ đối diện với cán bộ điều tra trong quá trình điều tra thì sẽ bị bất lợi về mặt pháp lý. Tình trạng bức cung, xâm phạm hoạt động tư pháp cũng từ sự “độc quyền” khai thác nghi phạm mà ra. 

Con người có nhiều quyền, im lặng cũng là quyền. Không ai có thể nhân danh quyền lực để bức ép người khác nói ra điều bất lợi cho họ, đưa ra những bằng chứng chống lại họ./.

Đỗ Tuyết (tổng hợp)