Các giải pháp phòng chống hạn mặn cho vựa lúa quốc gia

13/03/2016 15:55
Theo Đài Tiếng nói Việt Nam
(GDVN) - Bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài.

Đúng như dự báo, mới bước vào đầu mùa khô, vựa lúa của quốc gia Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt gay gắt với hạn mặn, khiến 8/13 tỉnh, thành trong vùng phải công bố tình trạng thiên tai để đối phó.

Nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương và nhân dân trong vùng trong thời gian qua và sắp tới là đáng ghi nhận, song ngay từ bây giờ rất cần các giải pháp căn cơ, đồng bộ.

5 triệu người bị ảnh hưởng

Hạn mặn cộng với biến đổi khí hậu mà Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chịu tác động lớn nhất so với cả nước dù đã được cảnh báo từ trước, nhưng đến thời điểm này, sức tấn công mới khốc liệt và gây ra những tác hại khôn lường. Nước mặn đã xâm nhập vào đất liền hơn 90km.

Gần như toàn bộ tỉnh Bến Tre đã bị mặn bủa vây khắp các xã, phường; nước có ở khắp nơi, nhưng toàn bộ là nước mặn không thể sử dụng.

Các vùng cách cửa biển từ 30-40km trải dài từ Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang không thể lấy nước ngọt.

Đồng khô, cỏ cháy, đẩy người dân đối phó với điều kiện sản xuất bất lợi
Đồng khô, cỏ cháy, đẩy người dân đối phó với điều kiện sản xuất bất lợi

Phát biểu tại buổi làm việc với các Bộ, ngành và địa phương bàn về giải pháp phòng chống hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định:

Hiện nay, với 160.000ha bị hạn mặn sẽ có 320.000 hộ trong vùng bị ảnh hưởng và thiệt hại, nguy cơ mất mùa lúa và rơi vào khó khăn, có nơi sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

Nếu mặn xâm nhập kéo dài đến tháng 6/2016, sẽ có 500.000ha lúa vụ hè thu bị ảnh hưởng lớn, tương đương 1 triệu hộ với khoảng 5 triệu người gặp khó; trong đó, có 150.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Hạn mặn không chỉ gây thiệt hại đối với cây lúa, nước sinh hoạt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây ăn trái, thủy sản và là nguy cơ dẫn đến cháy rừng.

Hiện nay, chính quyền, người dân trong vùng xoay trở đủ các biện pháp từ giải pháp công trình như đắp đập, ngăn mặn, trữ ngọt đến thủ công như lu chứa, ao, hồ, đầm lầy để có nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, song xem ra sức người, sức của đổ ra vẫn chưa khống chế được tốc độ lây lan của hạn mặn.

Cũng chính sự tấn công của hạn mặn đã làm bộc lộ những bất cập của nhiều công trình thủy lợi bấy lâu nay được xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Điển hình như ở Sóc Trăng, trong khi ở một số địa phương chỉ có đóng các cửa cống thì mới lấy được nước ngọt để dùng, thì kề sát bên Bạc Liêu buộc phải mở cống để có nước mặn nuôi tôm.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do phân vùng quy hoạch sản xuất của 2 tỉnh khác nhau, nơi trồng lúa, nơi kề bên lại nuôi tôm.

Một nguyên nhân nữa theo nhiều chuyên gia, việc chống ngập lũ cho các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên với hàng loạt kênh thoát lũ ra biển Tây trước đây là hợp lý, thì nay khi nước vùng thượng nguồn Mê Kông bị chặn, lũ gần như không về thì các kênh dẫn dòng vô tình lại đưa nước ngọt trôi nhanh ra biển, các tỉnh thượng nguồn cũng thiếu nước ngọt, trong khi các tỉnh cuối nguồn mặn có điều kiện xâm nhập sâu hơn.

Bên cạnh đó, một thời gian dài, một số tỉnh chủ trương “mặn hóa” để nuôi tôm đã không tập trung cao độ cho các giải pháp công trình kiểm soát cũng là nguyên nhân thúc đẩy nhanh tốc độ mặn xâm nhập.

Trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ý thức về tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất, đời sống cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Đâu là giải pháp?

Rõ ràng bài toán đẩy lùi hạn mặn, giữ đủ nguồn nước ngọt cho vùng ĐBSCL đang đặt ra vừa bức thiết, vừa lâu dài trong điều kiện Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu “tác động kép” là hạn mặn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Những tác động tiêu cực này không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh trước mắt và lâu dài mà còn đe dọa đến đời sống, sức khỏe của người dân trong vùng; gây nguy cơ làm mất ổn định trong vùng.

Do vậy, trước mắt giải pháp đưa ra lúc này là cùng với việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có để đóng cống, đắp đập ngăn mặn giữ ngọt; phát động trong nhân dân thực hiện ngay các biện pháp thủ công sử dụng tích nước bằng lu, bể, ao chứa; thực hiện tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt.

Các nhà máy nước cần chủ động các giải pháp cung cấp nước kịp thời cho các khu dân cư xung yếu; các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trọng điểm khi tình trạng khan hiếm ngọt xảy ra.

Về lâu dài, Chính phủ, các Bộ, ngành khi đầu tư các công trình thủy lợi, hồ đập ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tính tới yếu tố vận hành liên vùng, liên tỉnh; các tỉnh, thành trong vùng cần có liên kết trong phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu, tránh manh mún, cục bộ.

Đặc biệt là phát động trong nhân dân liên kết hình thành các ao, hồ, bể trữ nước ngọt liên hộ, liên khóm, ấp.

Bên cạnh đó, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý phù hợp với điều kiện sản xuất chống hạn mặn, theo phương châm tiết kiệm nước. Ở những vùng bị hạn mặn thường xuyên cần có các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm sản xuất hiệu quả mà bền vững, không gây ảnh hưởng xấu đến các vùng ngọt hóa.

Ở cấp độ quốc tế, cần chủ động khuyến nghị các quốc gia vùng thượng nguồn như Trung Quốc, Lào, Campuchia có chính sách liên kết trong khai thác và sử dụng nguồn nước sông Mê Kông đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các quốc gia dân tộc.

Trong lịch sử khai phá vùng châu thổ Cửu Long rộng lớn, các thế hệ người Việt đã từng bỏ biết bao công sức và trí tuệ để biến một vùng đầm lầy hoang vu, phèn mặn thành những cánh đồng trù phú.

Nhiệm vụ của các thế hệ người dân châu thổ hôm nay và các nhà quản lý các cấp lúc này là phải kiểm soát được hạn mặn và biến đổi khí hậu để Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển bền vững, vươn lên trong hội nhập.

Theo Đài Tiếng nói Việt Nam