Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Cái khó của tân Trưởng ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh

07/01/2013 07:59
Theo Nguyễn Đăng Tấn (Vietnamnet)
Tân Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh có nhiều lợi thế, vốn liếng kinh nghiệm trong tay không phải ít, nhưng đồng thời cũng có cái khó của mình.

Lợi thế

Ông Thanh ở Đà Nẵng giờ đã ra Hà Nội.

Tôi có may mắn được vào Đà Nẵng nhiều lần, trước cả thời ông làm chủ tịch và bí thư. Đến thời ông, khi quay lại tôi đã thấy một Đà Nẵng rất khác, khang trang và sạch đẹp. Tốc độ tăng GDP những năm gần đây bình quân gần 12%. Dư luận có kẻ khen người chê. Có nhà báo cho ông Thanh là Lý Quang Diệu của Đà Nẵng, có báo còn giật tít “ông Thanh đang làm gì ở Đà Nẵng”, đủ thấy sức lan tỏa của những việc ông làm.

Vì thế, việc ông ra Hà Nội được nhiều người kỳ vọng. Họ muốn thấy một Nguyễn Bá Thanh làm như ông từng làm, như ông “trị” những công bộc của dân chỉ hứa mà chưa có giải pháp hay chưa làm được những điều đã hứa trước dân.

Ông nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh Đảng đang tiến hành cuộc vận động chỉnh đốn, trong đó chống tham nhũng, chống suy thoái đạo đức lối sống được coi trọng.

Lập lại Ban Nội chính TƯ, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Thanh có nhiều lợi thế, vốn liếng kinh nghiệm có trong tay không phải ít nhưng đồng thời cũng có cái khó của mình.

Ở Đà Nẵng ông là người thứ nhất vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch HĐND, lời nói của ông là mệnh lệnh, là “gang là thép”. Giám đốc Sở Xây dựng toát mồ hôi khi ông xoay về cách trả lời vòng vo xuân hạ thu đông như lời ông nói trong khi dân chỉ cần biết bao giờ có điện nước. Hay Sở Tài chính thu ngân sách chỉ đạt hơn 30% nhưng chi tiêu đến hơn 50%, ông bảo nếu là tui, tui sẽ vặn tiền lấy đâu ra…

Thật ra “làm vua”, như từ mà dân ta quen dùng cho các vị đứng đầu tỉnh, có cái khó nhưng cũng có cái không hẳn là khó.

Ông Nguyễn Bá Thanh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông Nguyễn Bá Thanh (phải). Ảnh: Lê Anh Dũng

Cái khó vì anh là người đứng đầu phải nắm và chỉ đạo toàn diện. Làm tốt làm dở đều được đo đếm bằng thực tế. Cứ lấy thước đo là chỉ số phát triển và mức độ hài lòng ủng hộ của người dân mà đánh giá. Nói là lãnh đạo tập thể nhưng vai trò cá nhân của người đứng đầu là quan trọng bậc nhất. Có tâm, có tầm thì từ cái khó có thể chuyển thành dễ. Khi trí tuệ biết lo cho cái chung, biết đoàn kết nội bộ, loại bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì tự nó trở thành sức mạnh. Sức mạnh ấy được quần chúng ủng hộ, cấp dưới ủng hộ và được nhân lên.

Nay ông Bá Thanh ra Hà Nội đứng đầu một ban quan trọng. Chức năng được xác định là cơ quan tham mưu của BCH Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.

Không khoan nhượng

Chống tham nhũng là vấn đề cốt tử nhất hiện nay mà dân quan tâm.

Đảng đã xác định tham nhũng là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Suốt các kỳ Đại hội, Đảng đã đưa ra những tư tưởng quan trọng về phòng chống tham nhũng. Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua luật Phòng, chống tham nhũng, thể hiện được những tư tưởng cơ bản và quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Luật đã có, các ban từ Trung ương đến địa phương đã thành lập song từ đó đến nay, chúng ta mới chỉ “đạt kết quả bước đầu” như mỗi lần tổng kết đánh giá. Và nói hình ảnh như Chủ tịch nước, "trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này".

Đủ thấy nhiệm vụ mới mà ông Thanh đảm nhận rất cấp bách, rất quan trọng và vì thế mà người dân đều kỳ vọng.

Nhưng ông Thanh cũng có cái khó của mình.

Ở các nước, người đứng đầu có quyền cách chức những kẻ tham nhũng làm sai. Mà chẳng cần cách chức, họ cũng đã xin từ chức. Thế mà họ còn khó. Cái khó của ông với chức năng tham mưu lại càng khó hơn.

Nhưng với Nguyễn Bá Thanh, tôi tin ông sẽ quyết liệt, không khoan nhượng. Quyết liệt ngay cả chuyện chỉ tên, điểm mặt những “đồng chí chưa bị lộ”.

Ta nói nhiều đến quốc nạn song khi đề cập đến ai, ở đâu thì hình như còn rất khó và công việc xử lý cũng chỉ mới “từ vai trở xuống” như lời nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từng nói.

Công cuộc đấu tranh này không phải ngày một ngày hai mà thành công, tất nhiên cũng không thể kéo dài. Để như vậy thì “còn đâu cái đất nước này nữa”, như Chủ tịch nước đã chia sẻ. Tuy nhiên mọi việc muốn thành công phải bắt đầu xây dựng nền móng, phải bắt đầu có tiền lệ. Đây là kỳ vọng của người dân đối với cương vị mới của ông Nguyễn Bá Thanh.

Theo Nguyễn Đăng Tấn (Vietnamnet)