Cấm ông Đồ cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu: “Chúng tôi cũng rất khó xử!”

24/01/2014 18:27
Viết Cường
(GDVN) - Trung tá Mã Đức Tố, trưởng công an phường Quốc Tử Giám (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ về chuyện “khó xử” với ông Đồ.

Dịp Tết, "Phố ông Đồ" trên vỉa hè quanh Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm nào cũng tấp nập người mua - bán chữ. Tuy nhiên, do đây là hoạt động tự phát, tổ chức ngoài đường nên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, nó đã nảy sinh một số rắc rối.

hình ảnh đẹp trên "Phố ông Đồ" những năm trước. Cô gái Nhật Bản này cũng là một "bà Đồ" tham gia cho chữ tại đây cứ mỗi dịp Têt đến, Xuân về.
hình ảnh đẹp trên "Phố ông Đồ" những năm trước. Cô gái Nhật Bản này cũng là một "bà Đồ" tham gia cho chữ tại đây cứ mỗi dịp Têt đến, Xuân về.

Tờ VnExpress dẫn lời ông Tiến: "Phố ông Đồ tự phát không đảm bảo an ninh trật tự, gây ách tắc giao thông, chất lượng 'ông đồ' không được kiểm soát, giá cả bị thương mại hóa, việc đóng đinh, căng lều bạt gây mất mỹ quan...".

Để khắc phục tình trạng trên, năm nay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội lần đầu trực tiếp tổ chức "Phố ông Đồ" cùng Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam tại hồ Văn thuộc Văn miếu Quốc Tử Giám.

Hơn 30 nhà khung sắt, mái vải với bàn ghế đẹp được dựng lên để các ông ngồi sáng tác thư pháp. Những người này đều được chọn lọc và cấp thẻ hoạt động. Giá bán chữ cũng được niêm yết rõ ràng, tránh tình trạng "chặt chém", vòi vĩnh khách hàng. Xe của người dân đến "Phố ông Đồ" được đưa vào các điểm trông giữ...

Tuy nhiên, quy định này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi diện tích hồ Văn khá nhỏ chỉ cho phép tối đa 70 ông đồ hoạt động, trong khi mọi năm có trên 150 người viết chữ tại đây.

Mấy ngày gần đây vì đã cận Tết Nguyên đán, số lượng ông đồ chưa “biên chế” xuất hiện khá nhiều tại khu vực quanh Văn Miếu nên lực lượng công an đã phải đến “nhắc nhở”. Một số hình ảnh công an và ông Đồ đang giằng co “chữ thánh hiền” được đưa lên mạng. Nhiều người đánh giá việc làm đó rất phản cảm, đặc biệt là trong dịp Xuân mới đang về.

Chia sẻ với PV Báo Giáo dục Việt Nam về việc này, Trung tá Mã Đức Tố, trưởng Công an phường Quốc Tử Giám tỏ ra ngán ngẩm. Ông Tố cho hay, mới đầu Xuân đã ra giằng co với ông Đồ là chuyện bất đắc dĩ, công an phường không hề mong muốn một chút nào.

“Họ kiêng nhất việc đó nhưng không làm không được” – ông Tố chán nản.

Ông Tố cho biết, để tránh xảy ra việc “giằng co”, trước đó công an phường Quốc Tử Giám cũng đã ra động viên các ông Đồ ngoài “biên chế” nên tự “giải tán”, đừng làm khó khăn cho "anh em".

Theo nhận định của Trung tá Mã Đức Tố, do nhiều ông Đồ đã quen với nếp cũ, ngày Xuân cũng muốn thể hiện mình một chút, âu cũng để đỡ… “ngứa nghề”. Còn tiền nong đối với họ không quá quan trọng.

Bởi những lí do trên nên việc “giải tán” được những ông Đồ không có tên trong danh sách là việc vô cùng khó khăn và tế nhị cho lực lượng chức năng địa phương.

“Để cho “Phố ông Đồ” hoạt động thì không được vì bên trên đã có quy định. Nhưng đuổi, giằng co với ông Đồ cũng là việc không hay. Chúng tôi rất khó xử” – ông Tố chia sẻ.

Viết Cường