Cán bộ không được sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ, ma cũ bắt nạt ma mới

08/01/2019 06:38
Đỗ Thơm
(GDVN) - “Con ông cháu cha vào cơ quan Nhà nước mà không có năng lực thì chắc là chẳng bao giờ hết nói xấu, hết ganh ghét đố kỵ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức nói.

Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.

Đáng chú ý, đề án quy định rõ, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Cùng với đó, cán bộ công chức viên chức không được sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.

Đề án Văn hóa công vụ với rất nhiều quy định chi tiết. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn
Đề án Văn hóa công vụ với rất nhiều quy định chi tiết. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Những chi tiết quy định cụ thể trong Đề án đã chạm đến tâm tư của rất nhiều người đã trải qua cảnh từng vào cơ quan Nhà nước với nụ cười, ra đi trong ức chế.

Chị Trần Thị Huyền – người từng có 5 tháng làm ở một công ty nhà nước chia sẻ. Chị ngán nhất chuyện “ma mới bắt nạt ma cũ” trong khoảng thời gian đó.

“Ma cũ” luôn có vô số trò tinh quái để chào đón  những người chân ướt chân ráo vào công ty.

Những trò bắt nạt này thường diễn ra ngấm ngầm chứ không ồn ào, lộ liễu, nhưng cũng đủ khiến chị Huyền cảm thấy căng thẳng, không muốn gắn bó lâu dài với những đồng nghiệp như vậy.

Chị được những người có kinh nghiệm trong gia đình dặn dò là đến cơ quan phải “kính trên nhường dưới” vì rất có thể làm gì cũng va với “con ông cháu cha”.

Dù chuyên môn là kế toán nhưng suốt ngày chị Huyền bị sai lúc thì đi phô tô hộ đống tài liệu, khi thì lấy hộ chị này, chị kia cốc nước.

Cứ thế, cả ngày chị Huyền bận bịu toàn việc không đâu trong khi “ma cũ” thì vẫn đủng đỉnh lướt web, facebook, xem phim Hàn Quốc...

Có nhiều việc lãnh đạo giao cho phòng nhưng vì các cán bộ cũ kêu không làm được, không xử lý được nên dù biết, chị Huyền cũng im như thóc vì sợ bị các chị tẩy chay.

“Thực sự tôi chịu không nổi. Mỗi sáng thức dậy cứ nghĩ đến cơ quan với tình cảnh như vậy tôi đã không muốn ra khỏi giường.

Rất may, tôi quyết tâm nghỉ việc ở công ty Nhà nước ra làm cho doanh nghiệp liên doanh. Ở công ty mới, ai tuyển vào vị trí nào thì làm đúng chuyên môn.

Người mới, người cũ không có sự khác biệt. Cái khác biệt nếu có là hiệu quả công việc chứ không phải mới vào hay bạn là con, cháu ai?”, chị Huyền nghiệm ra.

Ở góc độ chuyên môn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, cho rằng, những thói xấu kiểu "ma mới bắt nạt ma cũ", ganh ghét, đố kỵ của giới công chức, viên chức đã được nhận diện ở Đề án.

Khi đã ban hành Đề án văn hóa công vụ, có nghĩa là trong những việc của công chức, viên chức hiện giờ đang thực thi công vụ có vấn đề.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức. Ảnh: Mai Thu/Người Đưa Tin
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức. Ảnh: Mai Thu/Người Đưa Tin

Một loạt biểu hiện của công chức liên quan đến ăn mặc, nói năng, ứng xử, thực thi công vụ đang có vấn đề nên cần chấn chỉnh.

“Trước hết, tôi hoan nghênh đề án này. Chính phủ ra được đề án này ít nhất là cũng để đánh động cho giới công chức, viên chức. Họ phải hiểu được rằng họ cần ứng xử như vậy”, Phó Giáo sư Đức nói.

Đi vào một số quy định cụ thể như, đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức hay không ganh ghét, đố kỵ, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng, quy định đưa ra là đầy đủ, rất chi tiết và đúng là phải như thế.

“Nhưng vấn đề, phải tìm xem nguồn gốc, nguyên nhân của việc gây mất đoàn kết, bè phái, ganh ghét, đố kỵ, ma mới bắt nạt ma cũ là gì. Phải giải quyết được cái gốc chứ không chỉ là xử lý phần ngọn.

Không được nói xấu nhau, không được kết bè kết cánh thì đúng rồi, nhưng nguyên nhân của việc này là gì? Nếu bảo là không được kết bè kết phái, không đố kỵ, ganh ghét thì làm thế nào?”, ông Đức đặt câu hỏi.

Ai sẽ kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức? Có tìm ra được nguyên nhân để giải quyết hay không?

Theo ông, những thói xấu này trong giới công chức, viên chức liên quan đến ý thức, đến tư tưởng, liên quan đến lương bổng, cất nhắc đề bạt. Nó liên quan đến việc tuyển người vào cơ quan Nhà nước

“Con ông cháu cha vào cơ quan Nhà nước mà không có năng lực thì chắc là cũng chẳng bao giờ hết nói xấu, hết ganh ghét đố kỵ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy?

Rồi, công việc không được lượng hóa. Anh năng lực kém mà được đề bạt lên cấp trên của anh năng lực tốt thì cấm cũng chẳng hết được việc nói xấu, đố kỵ nhau”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức nói.

Ở góc độ văn hóa truyền thống, ông cho rằng, nền sản xuất nhỏ, tiểu nông của Việt Nam khiến một phần văn hóa của nhiều người luôn có sự đố kỵ nên rất khó để xóa bỏ nó trong văn hóa ứng xử.

Phó Giáo sư Lê Quý Đức phân tích: “Bản thân nhiều cán bộ cũng thích khoe khoang tôi hơn người này hơn người kia.

Nhưng thực chất, họ chưa chắc đã hơn ai cả. Có người khoe khoang sẽ có người đố kỵ, phê phán, nó sẽ gây mất đoàn kết”.

Ông nhấn mạnh là đồng ý, hoan nghênh việc có Đề án Văn hóa công vụ với những mục tiêu, quy ước như trên.

Bởi nếu không có những quy định này thì hóa ra lại thành dung túng cho việc cán bộ nói xấu nhau, kéo bè kéo cánh. Nhưng vấn đề là làm sao giải quyết được gốc rễ vấn đề.

“Vì quy định trên mới chỉ là phần ngọn của vấn đề”, Phó Giáo sư Đức nhấn mạnh.

Đỗ Thơm