Chàng SV hừng hực “ngọn lửa” tuyên truyền sức khỏe sinh sản,HIV-AIDS

09/11/2013 10:28
Hồng Phương - Theo Thanh niên
(GDVN) - Duy Anh, 21 tuổi - chàng trai trẻ có dáng người mảnh khảnh nhưng lại ấp ủ một trái tim đầy “lửa”. Luôn nhiệt tình với các hoạt động của câu lạc bộ, chia sẻ tận tình những kiến thức về giới, về HIV, AIDS đến các bạn trẻ, chỉ với một mong muốn đem lại cuộc sống lành mạnh hơn cho mọi người.
Thành viên nam duy nhất nhưng luôn “cháy hết mình” 

Từ một sự tình cờ ban đầu khi nhìn thấy tờ báo của trường giới thiệu về câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, đến nay đã chính thức được hơn 3 năm kể từ ngày tham gia phỏng vấn. Với Duy Anh đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá bởi lẽ kể từ khi là thành viên của câu lạc bộ chàng trai trẻ đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Khác hẳn với một Duy Anh ngây ngô khi mới chập chửng bước vào cổng trường đại học thuở nào: “Tham gia câu lạc bộ không chỉ giúp tôi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế, mà còn được mở rộng ra khi tiếp cận với các bạn sinh viên, từ đó có sự dày dặn hơn về kiến thức chuyên môn. Bên cạnh đó khi tham gia các hoạt động của câu lạc bộ, được tiếp xúc với nhiều người trong xã hội giúp tôi tự tin hơn trong thuyết trình và chia sẻ kiến thức đến các bạn trẻ.”

Duy Anh cùng các thành viên trong câu lạc bộ sức khỏe sinh sản đi thực tế tại nghĩa trang Bến Cốc (Hà Nội)
Duy Anh cùng các thành viên trong câu lạc bộ sức khỏe sinh sản đi thực tế tại nghĩa trang Bến Cốc (Hà Nội)

Vừa là lớp trưởng của Khoa Xã hội học (Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Hà Nội) vừa là trưởng nhóm câu lạc bộ sức khỏe sinh sản (SKSS), và HIV, AIDS, dù là thành viên nam duy nhất ở câu lạc bộ nhưng không vì thế mà Duy Anh có cảm giác lạc lỏng, trái lại chàng sinh viên này luôn tất bật với công việc với tinh thần trách nhiệm cao ở  vai trò là một trưởng nhóm. 

Cứ vào khoảng 6 giờ – 8 giờ tối, thứ 5 hàng tuần câu lạc bộ lại tổ chức họp để triển khai các hoạt động trong tuần với nội dung xoay quanh các vấn đề về sức khỏe sinh sản, về giới hay HIV, AIDS. Một điều đặc biệt của câu lạc bộ là việc tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, HIV, AIDS không dừng lại ở những buổi họp và chia sẻ kiến thức qua những buổi gặp gỡ, trò chuyện mà còn tổ chức trưng bày các hình ảnh, số liệu,liên quan tới việc nạo phá thai, hay lây nhiểm HIV, AIDS, tại trường và một số bảo tàng mà theo Duy Anh “Việc tuyên truyền bằng hình ảnh, số liệu tại các buổi triển lãm, trưng bày sẽ tác động sâu tận đáy lòng của mọi người”.

Nhưng để có thể làm thay đổi nhận thức, thái độ của mọi người về các vấn đề liên quan tới sức khỏe sinh sản, cũng như HIV, AIDS, Duy Anh đã  gặp phải không ít những khó khăn, trở ngại “ Mọi người thường có thái độ khép nép, e ngại hoặc là thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề này mặc dù lứa tuổi sinh viên như chúng ta lúc này lại rất cần nên biết”, Duy Anh chia sẻ.

Khi nhắc tới kinh phí  để duy trì các hoạt động của câu lạc bộ, chàng sinh viên nhìn tôi tỏ vẻ băn khoăn: “Đây cũng là một trong những khó khăn của câu lạc bộ.Chủ yếu là do các thành viên tự nguyện đóng góp. Mặc dù hàng năm vẫn được hội sinh viên của trường giúp đỡ 1 triệu đồng để duy trì hoạt động nhưng để tổ chức được các hoạt động có quy mô lớn thì  nguồn kinh phí này không thể đủ.”

Những khó khăn tưởng chừng như đã kìm hãm bước đi của chàng sinh viên trẻ này thế mà trái lại ở chàng trai bé nhỏ ấy luôn hừng hựt “ngọn lửa” của đam mê. “Ngọn lửa” đó được rải khắp trên những chuyến đi miệt mài để đến với những vùng quê mà sự nghèo đói vẫn còn là một cái bóng vô hình  cứ đeo bám mãi  họ.

Những cuộc hành trình: đi và trải nghiệm

“Những chuyến đi thực tế cho tôi những cảm nhận thật sâu sắc và thấm thía về cuộc sống khó khăn của người dân.Có lần chúng tôi đến xã Cao Răm – Lương Sơn (Hòa Bình) để tặng chăn, phổ cập tin học cho học sinh cấp 2, tuyên truyền về tuổi dậy thì, sức khẻo sinh sản, HIV, AIDS, tặng sách vở cho các em chúng tôi mới thật sự thấm thía cái  nghèo đói của người dân nơi đây”. Chàng sinh viên bùi ngùi nhớ lại những kỉ niệm khó quên sau những lần đi thực tế. 

Sinh viên Duy Anh trong một chuyến đi thực tế tại Nghĩa trang Bến Cốc, Sóc Sơn (Hà Nội)
Sinh viên Duy Anh trong một chuyến đi thực tế tại Nghĩa trang Bến Cốc, Sóc Sơn (Hà Nội)

Nhưng đó vẫn chưa  phải là tất cả những gì mà chàng trai trẻ này muốn chia sẻ bởi lẽ còn có những câu chuyện thật sự đau lòng để khi nghe rồi vẫn còn day dứt mãi không nguôi “ Ở nghĩa trang Bến Cốc (Sóc Sơn, Hà Nội) có tới tận 50 nghìn mộ trẻ em. Những ngôi mộ này là những bào thai nhi đã bị những người mẹ tước đi quyền sống, quyền làm người.Nếu các em được sinh ra chắc chắn các em sẽ được hạnh phúc nhưng vì lí do nào đó mà những đôi nam nữ đã tước đi cái quyền được khóc của các em.” 

Gặp Duy Anh Tại nghĩa trang Bến Cốc thật tình tôi cảm nhận được cái tình ở chàng sinh viên năm 3 này. Đôi bàn tay lau bụi phủ trên các nấm mộ hoàn toàn xa lạ, dọn dẹp những thứ bề bộn xung quanh. Mỗi khi cần xây mộ hay sửa sang lại Duy Anh không ngại đường xá lặn lội xuống tận nơi để giúp đỡ. 

Chính sự nhiệt huyết, đầy trách nhiệm của mình đã khiến cho mọi thành viên trong câu lạc bộ cũng như những người đã tiếp xúc với Duy Anh đều rất quý mến chàng trai trẻ này. Là một thành viên trong nhóm, tham gia câu lạc bộ từ những ngày đầu, bạn Trần Thị Dỏng (Khoa Lịch sử _ ĐHKHXH&NV) không khỏi ngưỡng mộ người trưởng nhóm của mình: “Duy Anh không chỉ nhiệt tình, chuyên nghiệp trong công việc mà còn sống rất tình cảm, luôn biết lắng nghe và chia sẻ kiến thức về các lĩnh vực hoạt động của câu lạc bộ cũng như các vấn đề trong cuộc sống.”

“Các bạn hãy mở lòng mình ra, hãy thoải mái hơn để tiếp thu những kiến thức về sức khỏe sinh sản, HIV, AIDS. Ai cũng có thể có những thắc mắc về vấn đề sức khỏe sinh sản cho nên đừng khép nép hay thờ ơ mà hãy dành cho nó một vị trí xứng đáng” là những gì mà Duy Anh muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ. Quả thật ở nước ta hiện nay thực trạng nạo phá thai quá bừa bãi và kém hiểu biết đang thực sự nhức nhối thì những lời nhắn nhủ của chàng sinh viên này thật không đáng để chúng ta suy ngẫm hay sao?
Hồng Phương - Theo Thanh niên