Chiến tranh hay hòa bình là do ý thức chính trị của các quốc gia

18/10/2014 07:14
Ngọc Quang
(GDVN) - Bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia.

Ngày 17/10, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Milan (Italia), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 10 (ASEM 10) đã bàn về “Tăng cường đối thoại và hợp tác Á - Âu và tương lai ASEM”, tập trung thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt các vấn đề liên quan hòa bình, an ninh, chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, buôn bán người, an ninh hàng hải, cướp biển… Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và Hoa Đông.

Do đó, hội nghị nhất trí về nhu cầu cấp thiết cần tăng cường hợp tác nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, đề cao nguyên tắc kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong năm 2014 bất ổn chính trị, xung đột cục bộ, các hành động khủng bố và tranh chấp lãnh thổ… diễn biến rất phức tạp và quy mô lan rộng. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn. Lòng tin giữa nhiều quốc gia bị suy giảm. Các nước vừa và nhỏ đang đứng trước thách thức lớn về an ninh và phát triển. Nhu cầu hợp tác để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10. Ảnh: VGP.

Thủ tướng nêu rõ, đúng 100 năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và gần 70 sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, bài học xương máu là chiến tranh hay hòa bình hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia. Để duy trì hòa bình, thực tiễn đã khẳng định, cần kiên trì xây dựng lòng tin chiến lược - sự tin cậy lẫn nhau bền vững, lâu dài - trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và tăng cường đối thoại về các khác biệt, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

Thủ tướng nêu bật thực tế châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển năng động, khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, môi trường hòa bình, an ninh và phát triển đang đứng trước nhiều nguy cơ bất ổn. Việt Nam đặc biệt quan ngại về những diễn biến nghiêm trọng, vi phạm luật pháp quốc tế gần đây tại Biển Đông mà thế giới đều biết. Trước tình hình này, Việt Nam luôn kiên định, nhất quán cùng các thành viên ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM, thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Vấn đề quyết định là phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và cùng nhau xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Là một dân tộc chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh ngoại xâm, Việt Nam nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục cùng các thành viên ASEM đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Đông Nam Á cũng như ở hai châu lục Á - Âu và trên toàn thế giới.

Trước đó vào ngày 16/10, bên lề Hội nghị cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc - ông Lý Khắc Cường.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam quý trọng giữ gìn và mong muốn củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống và tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước phát triển lành mạnh, ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên duy trì gặp gỡ và tiếp xúc cấp cao để tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, đồng thời kịp thời chỉ đạo giải quyết thỏa đáng các vấn đề nảy sinh trong quan hệ hai nước; sớm tổ chức Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

Hai bên nhất trí triển khai thực chất 3 nhóm công tác hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác về tiền tệ và bàn bạc hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ hai nước.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đề nghị hai bên kiểm soát tốt tình hình trên biển, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy các cơ chế đàm phán tiến triển, nghiêm túc thực hiện thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc; tôn trọng Luật pháp quốc tế, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định, Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam, luôn mong muốn xử lý thỏa đáng các vấn đề khó khăn phát sinh trong quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển lành mạnh, ổn định. 

Ngọc Quang