Chính sách hưu trí bảo hiểm xã hội chính là “cái lưới” bảo vệ người lao động

07/04/2017 15:19
Mai Anh
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về những quy định chế độ hưu trí trong Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Khắc phục hạn chế tồn tại

Theo ông Bùi Sỹ Lợi sau khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76, 77 quy định chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí cho cán bộ công nhân viên. 

Đến năm 1961, Nghị định 218/CP ngày 27/12/1961 về ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội tạm thời đối với cán bộ công nhân viên có quy định 6 chế độ và quy định quỹ bảo hiểm xã hội nằm trong ngân sách nhà nước, do các cơ quan, đơn vị đóng góp; đồng thời, mức hưởng cũng được xác định trước.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Bộ luật Lao động năm 1995 đã dành một chương về bảo hiểm xã hội, trong đó quy định đối tượng được mở rộng, hình thành quỹ bảo hiểm xã hội độc lập với ngân sách nhà nước do sự đóng góp của người lao động, chủ sử dụng lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Đặc biệt, trước khi Bộ luật Lao động 1995 ban hành, thì chế độ bảo hiểm hưu trí chỉ có người sử dụng lao động đóng 1%, còn người lao động làm công hưởng lương không phải đóng và hệ quả là hiện nay ngân sách nhà nước đang phải chi trả bảo hiểm xã hội cho toàn bộ người về nghỉ hưu, mất sức trước năm 1995. 

Ông Lợi cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội nói chung, chính sách hưu trí nói riêng từ lâu đã phải “gánh vác” thay hoặc là một biện pháp bổ sung thực hiện nhiều chính sách, chế độ khác, dẫn đến bản thân chính sách này chưa tuân thủ nguyên tắc “đóng- hưởng” cho đến bây giờ.

Chỉ tính riêng chế độ hưu trí, để phục vụ mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 1985- 1991, Nhà nước đã có nhiều văn bản cho người lao động giảm tuổi đời để nghỉ hưu. 

Thậm chí, người lao động còn được cộng thêm thời gian công tác để được nghỉ hưu (Điều 1 Nghị định số 236-HĐBT ngày 18/9/1985 cho phép tính 1 năm công tác thành 1 năm 2 tháng; hoặc 1 năm 4 tháng; 1 năm 6 tháng tuỳ điều kiện lao động và chiến đấu trước đó). 

Sau đó, Quyết định 176/HĐBT ngày 9/10/1989 lại tiếp tục cho áp dụng biện pháp này để sắp xếp lại lao động trong các đơn vị kinh tế quốc doanh. 

Và đến năm 1991, biện pháp này tiếp tục được áp dụng nhằm sắp xếp lại biên chế của khu vực hành chính, sự nghiệp thông qua Quyết định 111/HĐBT ngày 12/4/1991.

“Cũng phải khẳng định, chỉ có ở Việt Nam mới lấy mức lương cao nhất hoặc mức lương ở thời điểm làm việc cuối cùng của người lao động “làm nền” để tính mức lương hưu cho người nghỉ hưu. 

Trước năm 1995 lấy mức lương cuối cùng để tính mức lương hưu được hưởng, nên tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa đến 75%, thậm chí có nhiều trường hợp hưởng tới 95%. Từ 1995 đến nay, mức lương hưu tính trung bình của 5 năm cuối (phần lớn tỉ lệ hưởng ở mức 65%-75%)”, ông Lợi đánh giá.

Theo ông Lợi dù cách làm trên là bất hợp lý, nhưng vì khi tại chức lương đã thấp, khi nghỉ hưu lại càng thấp hơn, nên Nhà nước phải duy trì để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu. 

Ông Lợi cho biết, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 ra đời vẫn chưa bình đẳng giữa người nghỉ hưu trong khu vực nhà nước với khu vực ngoài nhà nước như: Trong khu vực nhà nước, lương hưu tính bình quân một số năm cuối khi nghỉ hưu; nhưng ở khu vực ngoài nhà nước lại tính cả quá trình (từ năm bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội đến năm nghỉ hưu).

Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi 2014 đang hướng đến xử lý bất cập đó, nhưng không thể xử lý ngay mà phải có lộ trình. 

Tức là, tất cả những người trong khu vực nhà nước trước khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, vẫn được tính lương hưu bình quân một số năm cuối như theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. 

Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội - ảnh nguồn Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Còn khi Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, sẽ được thực hiện theo lộ trình: Nếu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2016 đến năm 2020, khi nghỉ hưu thì lương hưu sẽ tính bình quân bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối; người tham gia từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2024, khi nghỉ hưu thì lương hưu sẽ tính bình quân bằng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối; người tham gia từ 1/1/2025 trở đi thì khi nghỉ hưu sẽ tính lương hưu bình quân của cả quá trình công tác.

Tham gia để có “của để dành”

Có ý kiến cho rằng, bảo hiểm xã hội cũng là tiết kiệm vậy người lao động có thể “tự đi gửi tiết kiệm” thay cho việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này ông Lợi cho rằng, bản chất của bảo hiểm xã hội là “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật, nhằm tạo cơ hội để người lao động khi về hưu có thu nhập, đảm bảo được cuộc sống và giảm bớt gánh nặng đối với xã hội. 

Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi tuổi thọ ngày càng tăng, người già ngày càng đông, nếu không tự lo được cuộc sống cho mình từ tiền lương hưu, thì gánh nặng đó sẽ “đổ” vào gia đình, xã hội.

Chính sách hưu trí bảo hiểm xã hội chính là “cái lưới” bảo vệ người lao động ảnh 3

Triển khai thu Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu điện

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội sẽ đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất. 

Nhà nước bắt buộc người sử dụng lao động phải đóng góp để đảm bảo tương lai cho người lao động khi họ hết tuổi lao động hoặc không may gặp phải biến cố bất lợi. 

“Đây chính là lợi ích không chỉ cho người lao động, mà còn cho xã hội. Tuy nhiên, nếu không tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động cũng không được lấy khoản phí đóng của doanh nghiệp cho vào túi của mình, còn doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trên tổng số tiền này.

Còn nếu doanh nghiệp đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, thì khoản này sẽ được tính vào chi phí quản lý của doanh nghiệp”, ông Lợi nêu lên những lợi ích khi người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo ông Lợi trong những năm qua, mức lương hưu đã nhiều lần được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng lương tối thiểu cũng như xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý, bảo đảm cuộc sống cho hàng triệu người. 

Ngoài ra, khi về hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh. 

Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết; thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng.

Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời. 

Đặc biệt, trong lương hưu, chính sách bảo hiểm y tế cho người già mới là chính sách quan trọng, vì chi phí cho chăm sóc sức khoẻ người già lớn hơn rất nhiều so với chi phí ăn, ở, mặc và đi lại.

“Cũng cùng là tiết kiệm, nhưng bản chất của đóng góp vào hệ thống bảo hiểm xã hội rất nhân văn. Còn người lao động gửi tiền tiết kiệm, thoạt nhìn có thể sinh lời hơn tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng khi đồng tiền mất giá thì sẽ không được Nhà nước bù đắp… Như vậy, rõ ràng không thể so sánh giữa việc gửi tiết kiệm với tham gia vào chính sách bảo hiểm xã hội”, ông Lợi nói.

Mai Anh