Chọn cán bộ có năng lực hay chọn người dựa vào bằng cấp?

30/11/2017 07:14
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Các Bộ ngành, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, năng lực thực sự của cán bộ để lựa chọn họ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý cho phù hợp".

Không nên coi bằng cấp là nhân tố quyết định khi bổ nhiệm

Việc tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định chỉ cán bộ có bằng tốt nghiệp đại học chính quy sinh sau 1975 mới được bổ nhiệm chức danh trưởng, phó phòng... nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận thời gian gần đây.

Không thể phủ nhận mặt tích cực từ chủ trương trên của tỉnh Quảng Ngãi khi lãnh đạo địa phương muốn hướng đến việc lựa chọn người tốt nghiệp đại học chính quy để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh sau này.

Và cũng bởi về lâu dài việc làm này đáp ứng được yêu cầu hội nhập, trước mắt là đáp ứng được đề án cải cách hành chính của Chính phủ…

Chọn cán bộ có năng lực hay chọn người dựa vào bằng cấp? ảnh 1Có người lận lưng 4 đến 5 tấm bằng "xịn" nhưng giao việc gì thì hỏng việc đó

Trong khi tỉnh này đưa ra nhiều lý do để bảo lưu quan điểm trên của mình, thì một số chuyên gia cho rằng, đây là quy định có phần chưa phù hợp với thực tiễn quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, quy định trên nặng tính cực đoan.

Bình luận về sự việc nói trên, hôm 28/11, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Đức Thụ, Phó trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ nên căn cứ vào tình hình thực tiễn, năng lực của cán bộ trong quá trình làm việc.

Vị đại biểu phân tích: "Luật quy định rõ việc lựa chọn cán bộ đối với từng cấp, từng ngành. Căn cứ vào đó, các đơn vị sẽ đưa ra yêu cầu khi thực hiện bổ nhiệm (trình độ chuyên môn, đạo đức phẩm chất, sức khỏe, tuổi…).

Trung ương chỉ quy định nguyên tắc chung khi thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa theo phân cấp quản lý cán bộ, để việc bổ nhiệm đảm bảo, phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ, ngành, địa phương mình.

Hiện nay trình độ dân trí được nâng cao, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tương nhiều, cán bộ có bằng cấp chuyên môn cao tương đối lớn.

Do vậy, điều kiện cần và đủ để bổ nhiệm cán bộ cũng phải được nâng lên theo tình hình thực tế.

Tuy nhiên, trong việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, ngoài tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, tuổi, bằng cấp, sức khỏe… thì tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là năng lực cán bộ.

Bằng cấp chỉ là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực cán bộ thôi”, Đại biểu Bùi Đức Thụ nói.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ. Ảnh: quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cũng cho biết, trên thực tế, có những trường hợp không có bằng cấp theo quy chuẩn, nhưng có năng lực thực tiễn thì cần phải xem xét, bổ nhiệm.

“Trước đây có những nơi quy định hồ sơ dự thi, bổ nhiệm phải là người tốt nghiệp đại học chính quy.

Nhưng sau này, xuất phát từ yêu cầu sử dụng cán bộ (chọn những người có tài/năng lực, có đức…), có những trường hợp không có bằng cấp nhưng có năng lực vượt trội, vẫn được sử dụng, không những trong lĩnh vực quản lý nhà nước, mà ngay cả trong những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.

Gần đây chúng ta thấy có những người lao động học hành chưa tới nơi tới chốn, nhưng họ vẫn chế tạo ra những sản phẩm công nghệ tốt như máy tút lúa, máy cấy, thậm chí là thử nghiệm tàu ngầm hoặc máy bay...

Điều đó khẳng định rằng, bằng cấp chỉ là thứ để phản ánh một phần năng lực người học, người lao động, và nó chỉ đúng mang tính phổ biến chứ không đúng trong mọi trường hợp.

Do vậy, tôi cho rằng, khi bổ nhiệm cán bộ, các Bộ ngành, địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tiễn, năng lực thực sự của cán bộ để lựa chọn họ vào các cương vị lãnh đạo, quản lý cho phù hợp.

Theo nguyên tắc, người có tài, có đức có khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì phải được bổ nhiệm”, ông Thụ nói.

Thi tuyển để chọn cán bộ tốt

Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, để lựa chọn cán bộ tốt thì hình thức thi tuyển sẽ là giải pháp tối ưu nhất.

"Trước đây, một số đơn vị khi thực hiện bổ nhiệm cán bộ thường căn cứ vào việc lấy phiếu tín nhiệm.

Thực tế, nhiều khi cán bộ giỏi, có năng lực, có chính kiến, nhưng khi lấy phiếu tín nhiệm thì không cao.

Ngược lại, có những người ít năng lực nhưng quan hệ tốt có khi lại cao phiếu.

Chọn cán bộ có năng lực hay chọn người dựa vào bằng cấp? ảnh 3Cực đoan mới không cho người chưa có bằng chính quy vào quy hoạch

Để khắc phục tình trạng trên, gần đây một số Bộ, ngành, địa phương đã sử dụng hình thức thi cử để tuyển để chọn, bổ nhiệm cán bộ.

Tôi cho rằng, đây là một trong những giải pháp tối ưu để lựa chọn được cán bộ tốt trên cơ sở người đó phải đảm bảo đầy đủ những điều kiện cần và đủ theo quy định (bằng cấp, năng lực)", Đại biểu Bùi Đức Thụ cho biết.

Vị Đại biểu đề nghị: "Trung ương cần có tổng kết, rút kinh nghiệm từ việc một số Bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm thi tuyển để chọn, bổ nhiệm cán bộ, nhằm đưa ra những quy định, hướng dẫn để việc thực hiện được phổ biến hơn”, Đại biểu Bùi Đức Thụ nói.

XUÂN QUANG