Xung quanh vụ việc các chủ cửa hàng phố Cổ bị 'tố' kỳ thị người Việt:

"Chủ cửa hàng phố Cổ giao tiếp với khách Tây bằng ngôn ngữ cử chỉ"

23/03/2013 07:24
Nguyễn Huệ (Thực hiện)
(GDVN) - Cố Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc từng nói: Có lẽ người ta chỉ tìm thấy những nét Hà Nội “chính hiệu” còn vương lại đâu đây trên các khu phố cổ. Nhưng những ngày này khi dạo quanh phố cổ, có một sự thật khiến người ta ngỡ ngàng là đi đâu cũng thấy “tràn ngập các biển hiệu quảng cáo "pha" ngoại hoặc "đặc" ngoại 100%”.

Phố cổ Việt Nam sẽ xa lạ với chính người Việt Nam

Xung quanh vụ việc mới xảy ra ở khu phố Cổ (Hà Nội) có nhiều phản ánh cho rằng các cửa hàng trên khu vụ đó "kỳ thị" người Việt và hầu hết những cửa hàng mặt phố đều treo biển quảng cáo tiếng nước ngoài nên đã mất đi nét đặc trưng riêng của Hà Nội.

Trước thực tế ấy, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) về vấn đề “Tràn ngập biển quảng cáo Tây giữa phố cổ Hà Nội”.

PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)
PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh)

Phóng viên (PV): Thưa PGS, hiện nay, nhiều nơi trên phố cổ đang xẩy ra hiện tượng “tràn ngập các biển hiệu quảng cáo "pha" ngoại hoặc "đặc" ngoại 100%”, PGS có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS. TS Lê Quý Đức: Luật Quảng cáo của nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam có nêu rõ: “Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt”. Nhưng hiện nay lại xẩy ra thực trạng, “tràn ngập các biển hiệu quảng cáo "pha" ngoại hoặc "đặc" ngoại 100%” như tiếng Anh, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo tôi, đây là do xuất phát từ cá nhân những người kinh doanh. Xét về mặt văn hóa là thiếu sự tự trọng, tự tôn dân tộc. Thứ hai, rất dễ làm cho khách nước ngoài hiểu rằng: đây là phố dành riêng cho họ. Còn với nhiều người Việt Nam lại cảm thấy phố cổ xa lạ với họ bởi thứ tiếng không phải nhìn vào ai cũng đọc và hiểu được.

Như chúng ta đã biết, phố cổ đã gắn với chiều sâu của dân tộc. Nhưng việc làm này của nhiều hộ kinh doanh trên phố cổ lại đang đưa vào một cái mới hơi nghịch lý. Lẽ ra, sống trong lòng phố cổ, chúng ta phải làm cái gì đó tôn được chiều sâu văn hóa nơi đây thì họ lại đưa vào một thứ văn hóa mới mà cụ thể ở đây là chữ nước ngoài được “phô” trên các biển hiệu quảng cáo. Rõ ràng những nét tinh túy của phố cổ đang dần mất đi.

Những tấm biển quảng cáo được viết bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung,... được treo hoành tráng, bắt mắt. Đi giữa phố cổ của Hà Nội - Việt Nam mà ngỡ đang lạc vào một phố ở nước ngoài.
Những tấm biển quảng cáo được viết bằng tiếng Hàn Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung,... được treo hoành tráng, bắt mắt. Đi giữa phố cổ của Hà Nội - Việt Nam mà ngỡ đang lạc vào một phố ở nước ngoài.

PV: Lâu nay, không ít người chủ, làm biển quảng cáo vẫn tồn tại tâm lý rằng, viết "chữ Tây" chẳng "chết người" mà lại "ấn tượng". PGS bình luận như thế nào về tâm lý này?

PGS. TS Lê Quý Đức: Theo tôi, đó là xuất phát từ cá nhân của họ chứ không xuất phát từ lợi ích chung của đất nước, của nền văn hóa dân tộc. Lấy ví dụ, một người ăn xin cứ bám lấy khách Tây mà xin tiền, bản thân người ăn xin đó không thấy xấu hổ mà cảm thấy xấu hổ lại chính chúng ta, những người Việt Nam.

Nhiều người kinh doanh ở phố cổ cũng thế, họ trưng chữ nước ngoài thay cho tiếng Việt để quảng cáo là cho oai, để câu khách. Bản thân họ cũng không thiệt gì. Nhưng ẩn sâu bên trong lại thiệt cho nền văn hóa dân tộc.

Ở đây đặt ra vấn đề là nếu chúng ta làm ăn, sinh sống trên một khu phố lịch lãm như phố cổ Hà Nội, nơi là Tràng An văn minh, nét đẹp kinh kì của một đất nước văn hiến, nhưng lại có những tâm lý đó thì nếu là người có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc sẽ phải cảm thấy xấu hổ vì điều này.


Người phố cổ cũng dùng ngôn ngữ cử chỉ

PV: Theo PGS, điều này có phải là biểu hiện của sự tự ti trong hội nhập quốc tế của người Việt?

PGS. TS Lê Quý Đức: Việc “tràn ngập các biển hiệu quảng cáo "pha" ngoại hoặc "đặc" ngoại 100%” không phải là sự tự ti dân tộc mà chẳng qua là sự chạy theo. Theo tôi quan sát ở nhiều cửa hàng trên phố cổ, họ giao tiếp với người nước ngoài chủ yếu bằng ngôn ngữ cử chỉ.

PV: Giữa phố cổ đông đúc, ồn ào, lại tràn ngập biển quảng cáo bằng tiếng nước ngoài, theo PGS, một biển hiệu “thuần Việt” “xuất hiện” giữa đó thì có phải là sự “lạc lõng”?

PGS. TS Lê Quý Đức: “Lạc lõng” hay không là tùy vào đánh giá của mỗi người. Tôi có thể lấy ví dụ khác, nhiều người mặc váy đi lễ hội, nhưng hôm đó lại xuất hiện một người mặc áo dài. Nhiều người sẽ nghĩ, trong hoàn cảnh này, mặc áo dài là “lạc lõng”, là “lạc hậu”. Nhưng người mặc áo dài lại nói, họ mặc như thế không có gì lạc hậu mà là đang đi theo những nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Quay trở lại sự việc trên phố cổ cũng thế, nếu người ta sính chạy theo Tây thì họ nghĩ biển tiếng Việt là “lạc lõng”. Còn người mà kiên trì theo cái gọi là đề cao văn hóa dân tộc thì họ lại thấy đó là điều bình thường. Vì vậy, quan niệm này còn tùy thuộc vào dư luận, có khi là tùy thuộc vào đám đông.

Ngay cả cái bảng ghi đơn giá, giới thiệu các mặt hàng cũng toàn tiếng Anh.
Ngay cả cái bảng ghi đơn giá, giới thiệu các mặt hàng cũng toàn tiếng Anh.

PV: Theo PGS, việc “tràn ngập các biển hiệu quảng cáo "pha" ngoại hoặc "đặc" ngoại 100%” có vô hình trung tạo cho người nước ngoài nghĩ khác về Việt Nam không?

PGS. TS Lê Quý Đức: Theo tôi, người nước ngoài tới du lịch ở Việt Nam, họ bắt gặp những hình ảnh như thế tràn lan trên phố cổ, họ sẽ nghĩ khác về dân tộc Việt Nam. Vì chính người Việt còn thấy biểu hiện trong đó sự thiếu đi lòng tự tôn văn hóa dân tộc thì người nước ngoài họ sẽ nghĩ “văn hóa thuộc địa” vẫn còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. Đó là chiều sâu thuộc về các nhà văn hóa và nhà quản lý.

Gọi là phố cổ nhưng chất cổ không còn bao nhiêu kể cả trong suy nghĩ, nếp sống của con người.

Cảm ơn PGS!

Nguyễn Huệ (Thực hiện)