Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động

16/12/2014 18:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội.

Nhiều chủ doanh nghiệp phớt lờ quy định đảm bảo an toàn lao động

Thứ trưởng Bộ GTVT - ông Nguyễn Hồng Trường vừa ký Văn bản số 15852/BGTVT-TCCB gửi các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ yêu cầu thực hiện một số công việc hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015.

Công nhân mỏ luôn đối diện với nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động.
Công nhân mỏ luôn đối diện với nhiều nguy cơ bị tai nạn lao động.

Với chủ đề "Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội", Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan đơn vị: Phát động một đợt cao điểm tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức đoàn thể ở các đơn vị để nâng cao nhận thức và trách nhiệm về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc tính mạng, sức khỏe người lao động, tài sản Nhà nươc và tài sản công dân.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN thực hiện theo nội dung tại Công văn số 4280/BCĐTLQG-ATLĐ ngày 30/11/2006 và Công văn số 2652/TB-BCĐTLQG ngày 19/7/2013 của Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN Trung ương. Thời gian tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 21 tháng 3 năm 2015.

Các đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia lần thứ 17 theo thời gian quy định và báo cáo kết quả tổ chức Tuần lễ về Bộ Giao thông vận tải và Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam trước ngày 06/4/2015.

Trong các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia và chương trình hành động ATVSLĐ-PCCN năm 2015, các cơ quan, đơn vị tập trung vào các hoạt động cụ thế, thiết thực như cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền, huấn luyện nâng cao nhận thức ATVSLĐ-PCCN cho người lao động; kiện toàn, bổ sung, hướng dẫn mạng lưới An toàn vệ sinh viên ở các cơ sở lao động để hoạt động có hiệu quả; tổ chức ký cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN.

Tổ chức thăm hỏi động viên, có biện pháp giúp đỡ các gia đình công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát, phát hiện những nguy cơ mất an toàn và xây dựng kế hoạch phòng ngừa ngay tại các doanh nghiệp, công trình, phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người lao động chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN.

Thực hỉện nghiêm túc việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, kết quả thực hiện Tuần lễ quốc gia; Các cơ quan báo chí thuộc Bộ đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức, kỷ luật lao động cho người lao động cũng như nhận thức của người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ.

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, khi thực hiện dự án, công tác đảm bảo an lao động bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Các công nhân, cán bộ phải được tập huấn đầy đủ và phải có thiết bị cảnh báo, những pano, áp phích để hướng dẫn cho người tham gia giao thông và người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư đã phớt lờ quy định này và chỉ tới khi xảy ra sự cố làm chết người thì cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý mới "nháo nhào" vào cuộc.

Tai nạn tiềm ẩn với hàng triệu lao động không chính thức

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có tới 60% là lao động không chính thức, không ký hợp đồng lao động. Thống kê cho thấy, hầu hết trong số đó đều làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao. Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công việc, nhưng nghịch lý là số người tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động còn thấp. Mặt khác, việc giải ngân quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cũng hạn chế do chưa bao quát hết được đối tượng.

Tai nạn lao động có xu thế tăng, số liệu thống kê báo cáo chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, còn rất nhiều trường hợp tai nạn và tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thống kê. Bình quân giai đoạn 1992-2000, mỗi năm xảy ra 3.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 350 người. Giai đoạn sau số vụ tai nạn lao động tăng gấp đôi, làm gần 600 người chết.

Nhiều người lao động tự do hay còn gọi là lao động thời vụ thường phải đối mặt với nguy hiểm.
Nhiều người lao động tự do hay còn gọi là lao động thời vụ thường phải đối mặt với nguy hiểm.

Số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ Lao động. Cụ thể, mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người bị tai nạn lao động phải đến bệnh viện và có khoảng 1.700 người chết. Tình trạng người sử dụng lao động, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh không khai báo, điều tra tai nạn lao động chết người để tìm nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục còn khá phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế.

Theo ông Lê Toàn Khang - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa phát huy tác dụng cao, khiến cho các đơn vị doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận là việc xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để cảnh cáo, răn đe những hành vi vi phạm tương tự.

Trên thực tế, việc đo kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn rất hạn chế. Số vụ tai nạn lao động chết người có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự rất thấp, chỉ khoảng 2%. Vì thế, rất cần có một luật riêng quy định về vấn đề an toàn vệ sinh lao động, trong đó cần đặc biệt quan tâm tới những đối tượng không có quan hệ lao động (không ký kết hợp đồng lao động) - hiện chiếm đến 67%.

Ông Khang thẳng thắn cho biết: "Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn lao động trong thời gian qua chưa được thường xuyên. Tại các đơn vị, doanh nghiệp mới chỉ chủ yếu đi vào việc khắc phục hậu quả sau mỗi đợt kiểm tra hoặc có khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bản thân các đơn vị cũng chưa coi trọng thực hiện các quy định về biển báo, chỉ dẫn hoặc thiết lập các liên hệ để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đơn vị còn chưa tự giác thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, chưa chú trọng tới việc tập huấn đội ngũ kỹ thuật viên an toàn, không bố trí cán bộ chuyên trách nên đã dẫn tới tình trạng mất an toàn lao động tại các công trường".

Nguyễn Hoàng