Chủ tịch Hà Nội kiểm tra tiến độ dự án nhà máy nước hiện đại nhất Thủ đô

01/03/2018 19:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạo mọi thuận lợi để dự án sớm về đích, để người dân được sử dụng nước sạch tiêu chuẩn của các nước phát triển hàng đầu thế giới.

Sáng 1/3/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cùng các sở ban ngành liên quan đã đến thăm, chúc Tết và động viên cán bộ, công nhân tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Đây là chuyến thị sát đầu tiên của lãnh đạo thành phố đối với công trình dân sinh trọng điểm cấp quốc gia đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm, đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân Thủ đô, bởi đây là dự án sử dụng công nghệ hiện đại mang đến nguồn nước sạch tiêu chuẩn như ở các nước phát triển nhất thế giới.

Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư gần 5000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư gần 5000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới, nhập khẩu từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã thông tin đến đoàn về kết quả thi công những thách thức, khó khăn cũng như đề xuất của đơn vị thi công dự án.

Theo đó, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được khởi công tháng 3/2017 nhưng phải 4 tháng sau mới hoàn thành xong các thủ tục thu nhận mặt bằng và bắt đầu thi công, xây dựng. Toàn bộ công nghệ thiết bị của nhà máy được nhập khẩu từ Cộng hòa Liên Bang Đức, được áp dụng ở nhiều dự án nước sạch trên thế giới.

Đây là dự án mà chủ đầu tư chịu nhiều vất vả hơn so với các dự án khác khi phải thiết kế xây dựng thêm hồ sơ lắng, vì vào mùa mưa nước sông Đuống vẩn đục do phù sa hòa tan trong nước. Chính vì vậy dự án phải xây dựng hai trạm bơm hút một trạm hút nước từ sông Đuống lên hồ sơ lắng, sau đó hút nước từ hồ sơ lắng tiến hành quá trình lọc.

Rút kinh nghiệm nhiều dự án nước gặp sự cố do công nghệ ống nước không đảm bảo, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống sử dụng đường ống nước bằng chất liệu gang dẻo, vừa chịu áp lực nước lớn vừa có sự đàn hồi.

Để kịp thời hỗ trợ đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, ban quản lý dự án đề xuất với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phê duyệt hướng dẫn cơ chế thuê đất để đặt ống dẫn nước sạch, vận động tuyên truyền người dân hai xã Phú Thị và Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho thuê đất thực hiện dự án. Ban quản lý dự án cũng mong huyện Gia Lâm sớm giải phóng mặt bằng tuyến đường Đình Xuyên trước tháng 4/2018. Tạo điều kiện cấp phép cho đơn vị thi công triển khai hạng mục thi công đường ống dẫn nước qua đê.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trực tiếp kiểm tra tiến độ tại công trường và yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng mọi giải pháp, tạo thuận lợi để sớm hoàn thành nhà máy hiện đại nhất Thủ đô.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trực tiếp kiểm tra tiến độ tại công trường và yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng mọi giải pháp, tạo thuận lợi để sớm hoàn thành nhà máy hiện đại nhất Thủ đô.

Lắng nghe và chia sẻ với chủ đầu tư và đơn vị thi công, Chủ tịch Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của công ty cũng như nhà thầu.

Theo ông Nguyễn Đức Chung những năm qua được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Thủ đô, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt đô thị được chỉnh trang. Song do nguồn lực còn hạn hẹp trong việc bố trí nguồn vốn. Vì vậy, hệ thống cấp nước sạch vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho cả khu vực đô thị.

Người đứng đầu thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Để đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng. Trước đề xuất của ban quản lý Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, ngay tại buổi làm việc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành.

Ông Chung chỉ rõ: “Liên quan đến cơ chế thuê đất của dân để thực hiện lắp đặt đường ống, hôm nay có đồng chí giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi đề nghị khẩn trương phối hợp với huyện Gia Lâm để xây dựng sớm trong tuần tới có cơ chế giúp cho huyện để tuyên truyền với người dân, trên cơ sở để có cơ chế, chính sách thuê đất người dân để lắp đặt đường ống, sau khi thi công lắp đường ống xong người dân lại tiếp tục canh tác nông nghiệp phía trên.

Liên quan giải phóng mặt bằng đất tại Bình Xuyên, Phú Thị, Phù Đổng giao cho huyện Gia Lâm tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đồng thuận tạo điều kiện cho ban quản lý dự án thi công lắp đặt đường ống dẫn nước.

Về việc cấp phép thi công hạng mục trên đê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có ý kiến tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư được cấp phép để thi công trước ngày 10/3. Để nhà đầu tư đẩy mạnh tiến độ thi công”.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Thành phố Hà Nội khẳng định, chính quyền Hà Nội luôn quan tâm các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, đầu tư trên địa bàn thành phố nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời, có lòng tin Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống sẽ luôn đồng hành cùng sự phát triển của Thành phố Hà Nội về kinh tế, an sinh xã hội.

“Chúng tôi luôn lắng nghe, sát cánh cùng doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, như đã cam kết với dân là đến năm 2020, toàn dân trên địa bàn thủ đô phải có nước sạch dùng”, ông Chung khẳng định.

Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Nhà máy nước mặt Sông Đuống (đại diện Ban quản lý dự án) nhận quà động viên từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Nhà máy nước mặt Sông Đuống (đại diện Ban quản lý dự án) nhận quà động viên từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.

Đáp lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố Hà Nội, khẳng định sự hỗ trợ của chính quyền trong thời gian qua trên các lĩnh vực là nguồn động viên to lớn đối với doanh nghiệp và mong muốn trong năm 2018 sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực hơn nữa từ các ngành chức năng để doanh nghiệp an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và hoạt động hiệu quả.

Bà Liên phát biểu: “Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống góp phần mở ra một hướng mới về đa dạng hóa các thành phần kinh tế trong sản xuất kinh doanh nước sạch, cùng lúc đáp ứng các mục tiêu phát triển hạ tầng, an sinh cho người dân Thủ đô.

Việc xây dựng một mạng lưới cung cấp đầy đủ nước sạch ra vùng ngoại ô sẽ có tác động tích cực đối với công tác giãn dân đến sinh sống ở các đô thị vệ tinh vùng ven đô, phần nào giải quyết ùn tắc giao thông nội đô.

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu xã hội với tầm nhìn xa, thể hiện được tinh thần Hà Nội vì dân của lãnh đạo thành phố…”.

Nhà máy nước mặt sông Đuống được quy hoạch trên diện tích gần 61.5 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 4.998 tỷ đồng, có vị trí tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm).

Dự kiến cung cấp nước sạch cho khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội (bao gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh, huyện Sóc Sơn, các khu đô thị và công nghiệp trên đường 179); Khu vực phía Nam thành phố Hà Nội (bao gồm quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên), và các vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương…

Theo quy hoạch đến năm 2020, nhà máy dự đạt công suất 300.000 m3/ ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nhà máy với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và Kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nhà máy với công suất 300.000 m3/ ngày đêm.

Quy mô cấp nước của dự án định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000 m3/ ngày đêm và tối đa đến 900.000 m3/ ngày đêm.

Ngọc Quang