Chủ tịch Quốc hội: "IPU - 132 đã thành công tốt đẹp"

02/04/2015 10:26
Ngọc Quang
(GDVN) - Kết quả của IPU - 132 nói lên tiếng nói chung của Nghị viện các nước, góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia.

Trong cuộc họp báo chiều 1/4, với tư cách Chủ tịch IPU-132, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng vui mừng thông báo các hoạt động của IPU-132, từ lễ khai mạc, phiên thảo luận chung, các cuộc họp của Hội đồng điều hành, các Ủy ban thường trực, Diễn đàn nghị sỹ trẻ, Hội nghị nữ Nghị sỹ, đến hội nghị của Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện đã diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, đúng trình tự, đúng thủ tục, trong tinh thần hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và đầy trách nhiệm.

Về chủ đề thảo luận chung của IPU-132, chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” là nội dung hết sức quan trọng, thiết thực nhận được sự nhất trí cao của tất cả Lãnh đạo nghị viện, các nghị sỹ, các khách mời của IPU-132. Các đại biểu đã đóng góp tích cực, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về chủ đề này và cho các văn kiện quan trọng khác của IPU 132.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Đại hội IPU - 132 thông tin với báo chí quốc tế về kết quả hoạt động của IPU - 132. ảnh: Ngọc Quang.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Đại hội IPU - 132 thông tin với báo chí quốc tế về kết quả hoạt động của IPU - 132. ảnh: Ngọc Quang.

Tất cả 4 dự thảo Nghị quyết quan trọng được thông qua. Các Ủy ban thường trực của IPU đã thông qua các Nghị quyết gồm: Chiến tranh mạng –mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế; Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện về vấn đề nước; Nghị quyết về Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người. Về chủ đề khẩn cấp, Đại hội đồng đã chọn, thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về “Hợp tác nghị viện chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boko Haram chống lại dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: "Đây là văn bản quan trọng mang tính tổng kết kết quả thảo luận của IPU-132; phản ánh tầm nhìn, cam kết và hành động của các Nghị viện thành viên IPU vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân, của quốc gia cũng như thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Thành công của Đại hội đồng IPU-132 chứng tỏ sự lớn mạnh, vai trò tích cực, tiếng nói ngày càng mạnh mẽ của IPU mà còn đóng góp cho việc xử lý những thách thức toàn cầu, định hình cho sự phát triển tiếp theo của nhân loại".

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, các hoạt động bên lề IPU 132 như Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị Nữ Nghị sỹ IPU; các chương trình tham quan, biểu diễn nghệ thuật  đã diễn ra tốt đẹp.

Nhân dân, Quốc hội Việt Nam vinh dự là chủ nhà IPU-132; chúng tôi cảm ơn tình cảm và sự ủng hộ của Ngài Chủ tịch IPU, các nghị sỹ, bạn bè quốc tế; cảm ơn nhân dân Hà Nội và cả nước, phóng viên báo chí, tất cả các cơ quan, đơn vị, lực lượng đã đồng hành, góp phần vào thành công của IPU-132.

Nhân danh Chủ tịch IPU-132, tôi cũng gửi tới các nghị sĩ trong cộng đồng IPU và 6,5 tỷ dân số - những người dân mà họ đại diện lời chào mừng, lời chúc sức khỏe và chúc cho cuộc sống của nhân loại tràn đầy đoàn kết, hợp tác hữu nghị và hạnh phúc.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về ý nghĩa kết quả hoạt động của IPU - 132 với các quốc gia thành viên; sự kết nối của IPU với Liên Hợp Quốc... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đại hội đồng IPU 132 diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang chuẩn bị kết thúc 15 năm thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MGDs) để chuyển sang một giai đoạn phát triển bền vững mới. Sau 5 ngày làm việc tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đồng IPU 132 đã thành công tốt đẹp.

Đại hội đồng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của nghị viện, đặc biệt là chủ đề chung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”. Các Ủy ban chuyên trách của Đại hội đồng cũng đã thảo luận và IPU đã ra nghị quyết về các vấn đề quan trọng như chiến tranh mạng, quản trị nước; luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ và nhân quyền.

Các nội dung khác liên quan đến vấn đề của Liên hợp quốc, nghị sỹ trẻ, quyền của phụ nữ, Hiệp hội các Tổng Thư ký Nghị viện, bảo vệ quyền của nghị sỹ, HIV-AIDS, trẻ em, dân chủ trong kỷ nguyên kỹ thuật số, báo cáo nghị viện toàn cầu, loại bỏ nguy cơ về chiến tranh hạt nhân... cũng đã được thảo luận tại các Ủy ban chuyên trách và các diễn dàn của Đại hội đồng.

Đại hội đồng cũng thông qua về chủ đề khẩn cấp về “Vai trò của Nghị viện trong đấu tranh với tất cả các hành động khủng bố của các tổ chức như Đa-ít-sờ, Bô-cô Ha-ram đối với thường dân vô tội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” và đưa ra các khuyến nghị phù hợp.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ: “Chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập Hội nghị nữ nghị sỹ IPU và 20 năm Tuyên bố Bắc Kinh về quyền của Phụ nữ. Những kết quả quan trọng nhất của Đại hội đồng đã được thể hiện qua tuyên bố của Đại hội đồng –Tuyên bố Hà Nội - một văn kiện thể hiện nguyện vọng và cam kết của IPU và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững SDGS mà Liên hợp quốc đang xây dựng cho đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội sẽ được gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 năm nay”.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với kinh nghiệm phong phú, tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực và nhiệt huyết của các vị Chủ tịch và Tổng Thư ký IPU, các vị lãnh đạo nghị viện và các nghị sỹ, với sự hợp tác tích cực và xây dựng của các vị khách mời, Đại hội đồng IPU 132 đã chia sẻ với nhau, phản ánh tiếng nói của người dân tất cả các châu lục về nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới nói chung và của các nghị viện quốc gia nói riêng; đề xuất phương hướng và trách nhiệm của các nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững mới.

Đến nay, chúng ta có thể khẳng định rằng kết quả của Đại hội đồng IPU 132 đã nói lên tiếng nói chung của Nghị viện các nước, góp phần vào việc bảo vệ hòa bình, tăng cường hữu nghị hợp tác giữa các quốc gia, giữa các nghị viện và thúc đẩy bước phát triển mới của cộng đồng quốc tế giai đoạn sau 2015.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: “Thay mặt cho nước chủ nhà, tôi xin chân thành cảm ơn Ngài Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, các vị Phó Chủ tịch IPU, Ngài Tổng Thư ký IPU Mantin Chungong, Ban Chấp hành IPU, các vị Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng đoàn và các nghị sĩ, các vị khách quý, toàn thể các cán bộ trong Ban Thư ký và các cán bộ phục vụ đã góp phần vào thành công Đại hội đồng quan trọng này”.

Các đại biểu tham dự IPU - 132 đánh giá rất cao công tác đón tiếp của nước chủ nhà Việt Nam. ảnh: ipu việt nam.
Các đại biểu tham dự IPU - 132 đánh giá rất cao công tác đón tiếp của nước chủ nhà Việt Nam. ảnh: ipu việt nam.

Trao đổi tại cuộc họp báo, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, Đại hội đồng IPU-132 có sự khác biệt về phương thức tiếp cận vấn đề so với các kỳ Đại hội đồng trước. Các nội dung, vấn đề được nêu ra và bàn thảo tại Đại hội đồng lần này không chỉ được miêu tả, dẫn chứng như những kỳ trước, mà tập trung vào việc xây dựng những giải pháp giải quyết vấn đề với mong muốn biến đổi cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhận định về đóng góp của chủ nhà Việt Nam đối với thành công của Đại hội đồng IPU-132, ngài Saber Chowdhury khẳng định, chủ nhà Việt Nam có vai trò quan trọng trong tất cả các nội dung của Đại hội đồng, từ khâu tổ chức đến việc tích cực đóng góp ý kiến tại các diễn đàn thảo luận.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia một cách đầy đủ, tích cực tại các diễn đàn thảo luận từ chủ đề chính của Đại hội đồng đến các phiên thảo luận chuyên đề, các hoạt động, sự kiện bên lề. Những chia sẻ của Đoàn Việt Nam là bài học, là kinh nghiệm tốt đối với quá trình hoạt động của nghị viện các quốc gia thành viên IPU.

Ngài Saber Chowdhury nhấn mạnh, Tuyên bố Hà Nội - văn kiện quan trọng nhất của Đại hội đồng được thông qua lần này mang ý nghĩa lớn lao và ghi dấu ấn của Quốc hội Việt Nam bởi được chính Quốc hội Việt Nam đề xuất; được thông qua tại Hà Nội và sẽ được Ban Thư ký IPU trình lên Liên hợp quốc để góp ý vào việc xác định các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015. Đây sẽ là di sản lớn; thể hiện sự đóng góp nổi bật của Việt Nam đối với cộng đồng thế giới.

Ngọc Quang