Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Thế này thì chỉ chết dân thôi...”

22/02/2014 15:32
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng rất bức xúc khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật xây dựng diễn ra vào chiều 21/2.

Nói về điều kiện cấp phép xây dựng và thủ tục hành chính trong cấp phép xây dựng nhà ở, Chủ tịch Quốc hội đã bức xúc khi chỉ rõ: Bắt người dân chạy 15, 20 cái giấy mới đủ. Luật này có cải cách hành chính không?

Có lẽ, chỉ nhìn những thủ tục như thế này thôi, không một người dân nào không cảm thấy bức xúc. Nhưng họ không có cơ hội để bày tỏ nỗi bức xúc ấy với cơ quan quản lý. Thật may vì chiều qua Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đích danh những thủ tục hành chính trở thành nỗi khiếp sợ của nhân dân.

Còn nhớ tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, rất nhiều ĐBQH đã lên tiếng chỉ ra những điểm bất cập trong dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi.

ĐBQH Phạm Thị Mỹ Lệ (tỉnh Bình Phước) rất thẳng thắn nói rằng, quy định thiết kế xây dựng công trình gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ, thiết kế thi công và các bước thiết kế khác theo thông lệ quốc tế. Trong khi nhiều công trình xây dựng dân dụng nhà ở nhỏ lẻ do người dân đầu tư xây dựng, công trình thiết kế phải đầy đủ, thiết kế bản vẽ như đã nêu trên... với nội dung dự thảo như trên là không thực tế, không có tính khả thi, chỉ gây khó khăn cho người dân.

Chủ tịch Quốc hội bức xúc vì thủ tục xây dựng gây phiền hà cho nhân dân. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Chủ tịch Quốc hội bức xúc vì thủ tục xây dựng gây phiền hà cho nhân dân. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Bà Lệ cũng chỉ ra quy trình cấp phép xây dựng trong dự thảo luật này gây khó khăn, tốn kém cho người dân khi đòi hỏi điều kiện cấp giấy phép xây dựng là có thiết kế xây dựng được duyệt theo quy định, bảo đảm chất lượng và an toàn có nhà thầu thi công xây dựng đủ điều kiện năng lực theo quy định. Thực chất quy định này chỉ phù hợp khi áp dụng với những công trình lớn, bắt  buộc phải đảm bảo các quy tắc kỹ thuật. Không những vậy dự thảo luật còn quy định điều kiện cấp phép xây dựng là phải có nhà thầu thi công là hết sức vô lý, bởi vì chưa có giấy phép xây dựng thì cơ sở nào thuê nhà thầu thi công.

Xin được nhắc lại những chi tiết này để thấy rằng sự chuẩn bị cho dự thảo luật Xây dựng sửa đổi là khá sơ sài.

Và ngay tại kỳ họp này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã thể hiện quyết tâm không gây phiền hà cho dân: “Điều kiện cấp phép là bắt buộc, tuy nhiên, bắt buộc như vậy nhưng không được phiền hà, phải đảm bảo cho người dân được tiếp cận nếu họ đủ điều kiện thì phải được cấp phép. Trong luật này phải giải quyết được những vấn đề như vậy”.

Nhưng chẳng hiểu vì sao, đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ kỳ họp thứ 6, lần trình ra Ủy ban TVQH ngày hôm qua, dự thảo luật này vẫn có những điều kiện “như trên trời”, đánh đố người dân. Chủ tịch Quốc hội phải nói thẳng: “Thế này chỉ chết dân thôi… lẽ ra phải đưa cuộc sống vào luật để quản lý, đằng này đưa vào luật những thứ trên trời thì ai mà làm được”.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội chốt lại yêu cầu là cơ quan soạn thảo phải xem xét lại, bỏ đi những thủ tục hành chính không cần thiết, không thể để dân phải chịu cảnh mỗi cửa xin phép là mỗi cửa cơ hàn.

Vấn đề cải cách thủ tục hành chính ở nước ta vẫn đang là câu chuyện chưa có hồi kết, và trong một buổi trò chuyện với tôi cách đây ít lâu, ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ tâm sự, ngay từ Đại hội VII (năm 1991) đã có một sức “công phá” lớn, tiến hành cải cách cơ bản bộ máy nhà nước một cách cơ bản, sau đó là cải cách hành chính là trọng điểm.

Nhưng rất tiếc là những chuyển biến của chúng ta vẫn còn chậm. Thí dụ như trong cải cách hành chính thì có một điều hết sức quan trọng là điều chỉnh các chức năng cửa bộ máy hành chính cho phù hợp với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chuyển từ chức năng “cai trị - quản trị” (cũ) sang chức năng mới là “quản lý - phục vụ phát triển”, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Tức là chuyển từ cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ, đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu chính đáng của người dân, của doanh nghiệp. Đó là một bước chuyển mang tính đột phá, là đòn bẩy đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Chúng ta đang chuyển biến đấy, nhưng vẫn còn rất chậm chạp, do dự, chưa nhất quán, đó là điều hết sức đáng tiếc. Chính vì vậy ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển tăng tốc.

Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống chính trị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yều cầu đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước. Hệ thống hiện thời vẫn còn đang có nhiều vướng mắc, có những điều vì lý do khách quan, nhưng cũng có những điều còn tồn tại do sự quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.

Vì vậy, thật dễ hiểu khi người dân thấy “sướng” như thế nào khi Chủ tịch Quốc hội chỉ đích danh những thủ tục hành dân, bởi luật phải phù hợp với đời sống.

Ngọc Quang