Chủ tịch nước:Không lẽ để vài ngọn gió từ các trang mạng làm lung lay?

25/06/2013 09:01
Theo infonet
(GDVN) - Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 24/6 tại quận 1 và 3, TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thu, trả lời thẳng thắn hàng chục ý kiến chất vấn liên quan đến vấn đề kê khai tài sản và bỏ phiếu tín nhiệm.

Công khai tài sản cán bộ

Về vấn đề kê khai, minh bạch tài sản, cử tri Phạm Quốc Hùng nêu ý kiến, “dù thời gian qua nhiều cán bộ đã thực hiện việc kê khai nhưng chưa hiệu quả, tôi cho rằng kê khai tài sản sẽ góp phần rất lớn vào phòng chống tham nhũng, do đó phải công khai trên báo một cách cụ thể để người dân theo dõi, kiểm tra”. Cũng theo ông, “không chỉ những người đương chức mà cả những người đã về hưu cũng nên phải kê khai tài sản, để tránh trường hợp “hạ cánh an toàn”.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhận ý kiến đóng góp của cử tri sau buổi chất vấn
Chủ tịch Trương Tấn Sang nhận ý kiến đóng góp của cử tri sau buổi chất vấn

Cùng chung ý kiến về vấn đề này, cử tri Lê Hữu Màng đặt câu hỏi, khi Quốc hội đề nghị thông qua việc công bố kiểm kê tài sản tại khu dân cư thì “các đại biểu vỗ tay rất to”, nhưng tới khi trưng cầu ý kiến thì có tới hơn 80% đề nghị không công bố, “phải chăng hơn 80% này là những người thuộc diện kê khai?.

Trong phần trả lời, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết, dù việc công khai, kê khai tài sản đã làm từ lâu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, khắc phục. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch nước cho biết, “bản thân tôi nhiều người cũng nói tôi có tới mấy ngôi nhà, biệt thự to đẹp, nhưng khi người ta đến hỏi thì chủ nhà đã trả lời rõ, “đây là nhà của tôi, không phải nhà ông Sang”. Tôi không hề ngại chuyện công khai tài sản, bà con nào muốn biết có thể tìm lại các số báo trước, ở đó có khá đầy đủ”.

Chủ tịch nước cũng cho biết hiện nay trên mạng có rất nhiều thông tin sai sự thật nên người dân cần phải cảnh giác khi tiếp nhận, “nếu không tỉnh táo sẽ thấy xã hội ta đen như mực, không có ông nào tốt, tuy nhiên đại đa số bà con đều tỉnh táo. Một dân tộc anh hùng không lẽ để một vài ngọn gió từ các trang mạng làm lung lay”. – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Sau bỏ phiếu tín nhiệm là gì?

Tuy đánh giá cao đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa qua nhưng nhiều cử tri vẫn tỏ ra băn khoăn. Ông Lê Thanh Bình cho rằng việc này đã phản ánh được phần nào uy tín của các cán bộ lãnh đạo, và qua đó phải “tiếp tục xem xét vấn đề này”, đồng quan điểm này cử tri Trần Đăng Tâm thẳng thắn: “Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ răn đe quan tham, yếu, kém”.

Nhiều cử tri cho rằng cán bộ lãnh đạo cần công khai tài sản trước dân
Nhiều cử tri cho rằng cán bộ lãnh đạo cần công khai tài sản trước dân

Trong khi đó cử tri Trần Văn Lài động viên: “Lấy phiếu tín nhiệm bước đầu đã thành công, tôi cho rằng điều này sẽ lên dây cót cho những thành viên yếu kém”.

Đề cập đến các mức phiếu tín nhiệm, đa số các cử tri đều cho rằng chỉ nên đưa ra hai mức tín nhiệm. Theo cử tri Nguyễn Tiến Kẻng thì: “Phân chia ra các mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp làm người dân khó theo dõi, do đó chỉ nên có hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm”.

Cùng đề cập đến vấn đề này, theo cử tri Lê Thanh Tùng, “tín nhiệm  thấp chỉ là cách nói cho êm tai”. Tuy nhiên ông Tùng cho rằng nên có ba mức tín nhiệm là cao, thấp, và không tín nhiệm để người bỏ phiếu dễ cân nhắc, và “điều này cũng thể hiện chúng ta đấu tranh có nhân nhượng nhưng kiên quyết”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ những ý kiến của cử tri.

Theo infonet