Chưa có căn cứ để giảm biên chế 100.000 công chức

12/02/2014 14:40
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: "Tuyển công chức và tinh giản biên chế ở ta đang làm ngược...".

LTS: Câu chuyện tinh giản biên chế với con số 100.000 công chức từ nay tới 2020 đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. Để có thêm những góc nhìn đa chiều về sự kiện này, Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Vẫn chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá công chức

PV: Thưa ông Nguyễn Sỹ Cương, không phải cho đến bây giờ vấn đề tinh giản biên chế mới được đặt ra, tuy nhiên con số 8000 tỷ đồng mà Bộ Nội vụ nêu lên cho chương trình này đã khiến nhiều người đặt ra một câu hỏi: Trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị địa phương thế nào trong tuyển dụng, để rồi gây lãng phí ngân sách?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Con số rất đáng quan tâm ở đây là giảm biên chế 100.000 công chức. Không có căn cứ, không có cơ sở nào để định ra con số ấy cả, chỉ là cảm tính thôi. Ngay trong dự thảo tờ trình Chính phủ của Bộ Nội vụ cũng không nêu ra bất cứ một căn cứ nào của việc giảm 100.000 biên chế. Khi con số ấy chưa có cơ sở thì cũng có nghĩa là 8000 tỷ đồng dự kiến chi cho kế hoạch này cũng không có cơ sở.

Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là phải tính toán ở góc độ hiệu quả, đó mới là mấu chốt của vấn đề, chứ không phải bao nhiêu nghìn tỷ sẽ phải chi ra. Từ đó quay trở lại với con số 100.000 người sẽ thuộc diện tinh giản mà Bộ Nội vụ đưa ra, thực tế những người có lương cao, thâm niên công tác cao sẽ được hưởng mức trợ cấp cao; còn những công chức mới, mức lương thấp và làm việc không hiệu quả thì đương nhiên mức trợ cấp thấp. Như vậy, đâu là căn cứ để đánh giá cụ thể điều này? Tôi thấy chưa có tiêu chí cụ thể, rõ ràng.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Vietnamnet.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ảnh: Vietnamnet.

PV: Như vậy, theo ông phải có đánh giá tổng thể từ các ngành, các địa phương, sau đó phải có kiểm tra và đưa ra một con số tương đối chính xác?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Phải có đánh giá tổng thể và phải làm một cách bài bản, quyết liệt. Bây giờ cứ tạm lấy con số 2,8 triệu công chức, con số đó phải được phân tích cụ thể: Có bao nhiêu người ở độ tuổi sắp nghỉ hưu? Có bao nhiêu người còn đang ở độ tuổi làm việc dài hạn? Có bao nhiêu người đáp ứng tiêu chuẩn ngạch mà người ta đang giữ và có bao nhiêu người không đủ tiêu chuẩn? Có bao nhiêu người đủ năng lực và không đủ năng lực? Có bao nhiêu người đủ sức khỏe và không đủ sức khỏe?... khi có được con số cụ thể như thế thì mới đề ra được số người phải tinh giản là bao nhiêu.

Đó là chưa kể: Hầu hết công chức đều đáp ứng tiêu chuẩn ngạch đang giữ, nhưng bên cạnh đó vẫn nhiều người không đáp ứng được tiêu chuẩn ngạch hoặc nợ tiêu chuẩn ngạch. Trong số những người đáp ứng được tiêu chuẩn chủ yếu là trên cơ sở bằng cấp, nhưng năng lực thực tế khi làm việc thì lại không.

Như vậy là có rất nhiều vấn đề phải đặt ra để xem xét, đánh giá, mà quản lý cán bộ công chức thì phải đánh giá được ở các góc độ như thế, đó là đánh giá khoa học để có được con số cụ thể cần phải tinh giản và cũng tránh được chuyện thiên nhiều về bằng cấp mà không xét đến trình độ năng lực thực tế.

“Chúng ta đang làm ngược”

PV: Thưa ông, chúng ta đã nói tới bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ năng lực của cán bộ công chức, có lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhắc các bộ ngành liên quan phải quyết liệt thực hiện, nhưng dường như tới nay mọi chuyện chưa rõ ràng?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Vừa rồi thì chúng ta đã nói tới bộ tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ công chức, nhưng trước đó trong Nghị định 132/2007/NĐ-CP cũng đã đưa đối tượng 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ vào diện tinh giản. Tuy nhiên, rất tiếc là số này chẳng tinh giản được bao nhiêu. Sau hơn 4 năm thực hiện Luật CBCC rồi mà chưa chưa cơ quan, tổ chức nào hoàn thành việc xác định được vị trí việc làm và cũng chưa loại được ai ra khỏi bộ máy do 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ. Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy nhưng việc đánh giá CBCC thì vẫn chẳng có gì đổi mới. Cứ xem kết quả đánh giá CBCC năm 2013 thì biết.

PV: Theo ông thì vì sao chưa thực hiện được?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Chưa thực hiện được là vì làm chưa đến nơi đến chốn, hướng dẫn không đầy đủ, không cụ thể nên rất khó thực hiện. Và khó nhất là chúng ta đang làm ngược quy trình.

Ở các nước khác thì khi lập ra một tổ chức, họ có kế hoạch rất cụ thể là tổ chức ấy cần bao nhiêu vị trí, tiêu chuẩn của từng vị trí thì đòi hỏi trình độ, năng lực thế nào? Người ta còn có miêu tả của từng vị trí công việc, chức trách nhiệm vụ là gì, công việc hàng ngày, kết quả công việc ra sao… trên những cơ sở đó người ta mới bắt đầu tuyển người. Nhưng ở ta thì tuyển vào bao nhiêu người rồi mới ngồi để xác định vị trí việc làm cho họ, gần như hợp lý hóa vị trí cho nhựng người đã tuyển vào bộ máy. Hơn nữa, ở ta việc tuyển dụng lâu nay không nghiêm túc, không được xem xét kỹ rồi bây giờ mới đánh giá lại mới thấy dư thừa và chất lượng không bảo đảm. Rõ ràng là ngay cả khi chúng ta tinh giản được một con số nào đó thì nhà nước vẫn mất đi một khoản ngân sách không nhỏ cho những người thuộc diện tinh giản

PV: Cách đây 10 năm, TP.HCM có thử nghiệm khoán biên chế. Vậy có nên theo cách này không thưa ông, vì như vậy sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi có biết câu chuyện khoán biên chế, nhưng cho tới bây giờ thì cũng chưa có đánh giá chính xác về hiệu quả của phương pháp này. Nhìn ở một góc độ nào đó thì nó có tính tích cực, vì người đứng đầu ở các cơ quan, tổ chức sẽ phải cân nhắc rất cẩn trọng khi tuyển dụng nhân sự, trình độ năng lực thế nào và cần bao nhiêu người để đạt được hiệu quả. Nhưng nhìn ở một góc độ khác thì bây giờ cũng có những cơ quan, tổ chức không muốn tuyển dụng thêm, để giúp nâng cao đời sống cho anh em cán bộ ở những cơ quan ấy. Tuy nhiên, người ta cũng chỉ mới hướng tới chuyện nâng cao thu nhập thôi, chứ hiệu quả công việc tới đâu thì vẫn còn chưa rõ ràng.

PV: Thưa ông, trở lại với câu chuyện cách đây mấy tháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình có đưa ra con số các địa phương báo cáo là chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên Bộ Nội vụ lại chưa kiểm tra được con số ấy có xác thực hay không, trong khi dư luận thì lại cho rằng con số phải lớn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Trước đây, có người hỏi tôi là nếu Bộ trưởng Bộ Nội vụ mà đi vi hành thì có kiểm tra được việc này không, tôi đã trả lời là không giải quyết được gì, vì đánh giá mỗi cán bộ là do Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, chứ làm sao Bộ trưởng đánh giá được.

Đã có một thời gian chúng ta không siết chặt khi tuyển dụng công chức, thành ra nhiều người họ chỉ cần xin vào cơ quan nhà nước cho có danh vậy thôi rồi đi làm việc khác, và tôi cũng tin rằng trong bộ máy công chức của ta có nhiều người trình độ yếu kém, điều đó khiến cho công tác cải cách hành chính gặp nhiều khó khăn.

Tôi nghĩ chủ trương tinh giản biên chế là đúng, nhưng lại chưa có đánh giá kết quả và hiệu quả của việc thực hiện Nghị định 132, từ đó chỉ ra những khó khăn vướng mắc và hạn chế phải khắc phục trong quá trình thực hiện làm cơ sở cho việc xây dựng Nghị định mới. Bộ Nội vụ mới chỉ dựa vào kết quả báo cáo của các ngành và địa phương, đó là điều rất đáng tiếc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)