Chưa quyết định Trưởng Ban phòng chống khủng bố

12/06/2013 11:38
Mai Nguyễn
(GDVN) - Trước ý kiến đề xuất Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố, UBTVQH không quyết định và giao cho chính phủ quy định người đứng đầu và các thành viên ban chỉ đạo phòng chống khủng bố cho phù hợp.

Sáng 12/6, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa đã có giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Sau đó Quốc hội đã biểu quyết và thông qua điều 12 (ban chỉ đạo), điều 30 (biện pháp phòng chống khủng bố) và toàn bộ dự thảo Luật Phòng chống khủng bố với tỷ lệ tán thành đạt 89,76%.

Đối với Ban chỉ đạo, tại các phiên thảo luận trước đó đa số các ý kiến đều tỏ ra đồng tình với quy định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố (PCKB) quốc gia và cấp tỉnh. Cũng trong phiên thảo luận trước đó đã có ý kiến đề nghị giao Thủ tướng Chính phủ đứng đầu Ban chỉ đạo PCKB quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công an làm Phó Trưởng Ban thường trực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Phó Trưởng Ban, ở cấp tỉnh cơ cấu tương tự.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị quy định Bộ Công an và Công an tỉnh làm cơ quan thường trực; đề nghị ở cấp tỉnh chỉ là “bộ phận” hoặc “đơn vị” tham mưu giúp việc cho Ban chỉ đạo PCKB để không hình thành thêm tổ chức. Ngoài ra cũng có ý kiến khác đề nghị không thành lập Ban chỉ đạo PCKB mà giao nhiệm vụ này cho Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ...

Đối với Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố, Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh Nguyễn Kimh Khoa cho biết, vấn đề này UBTVQH đã có báo cáo giải trình cụ thể. Riên đối với việc quyết định người đứng đầu và thành viên của Ban chỉ đạo PCKB sẽ do Chính phủ quy định để bảo đảm sự phù hợp với thực tế đấu tranh PCKB.

“Khi các vụ khủng bố xảy ra, tùy theo tính chất, mức độ, quy mô mà quyết định phân công người chỉ huy và các lực lượng chống khủng bố cho phù hợp. Hiện nay đã có một số quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm quyền chỉ đạo, chỉ huy giải quyết các tình huống phức tạp về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo các cấp độ, quy mô khác nhau.

Trong Luật này không quy định cụ thể người có thẩm quyền quyết định phân công người chỉ huy chống khủng bố mà giao Chính phủ quy định, hướng dẫn để bảo đảm đầy đủ, cụ thể và phù hợp với các quy định hiện hành” – báo cáo giải trình tiếp thu cho chủ nhiệm Khoa trình bày nêu rõ.

Về điều 30 – biện pháp chống khủng bố, có ý kiến đề nghị không nên quy định các biện pháp chống khủng bố cụ thể trong Luật, nhất là biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”; có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng”; có ý kiến đề nghị quy định bổ sung biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố hoặc có nguy cơ xảy ra khủng bố....

Cho ý kiến về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, các biện pháp khẩn cấp chống khủng bố liên quan đến quốc phòng, an ninh, quyền cơ bản của công dân nên phải được quy định trong Luật. Biện pháp “thương thuyết với đối tượng khủng bố”, “phá, dỡ nhà, công trình xây dựng” là 2 biện pháp đã được đúc rút kinh nghiệm trong thực tế xử lý tình huống khủng bố ở nước ta và kinh nghiệm của quốc tế, vì vậy đề nghị quy định 2 biện pháp này trong dự thảo Luật.

Còn biện pháp tạm thời đình chỉ các hoạt động công cộng, đông người ở khu vực xảy ra khủng bố được xác định là một biện pháp chống khủng bố, đã được quy định tại khoản 1 Điều 30, nhưng không phải là một biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay.

Mai Nguyễn