Chưa tìm thấy 5 người mắc kẹt vụ sạt lở kinh hoàng ở Thái Nguyên

16/04/2012 06:13
Ngọc Khánh
(GDVN) - Đây là lần thứ 3 xảy ra sạt lở ở bãi thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lần sạt lở này là nghiêm trọng hơn cả.
Sự cố sạt lở đất kinh hoàng xảy ra khoảng 4h sáng qua ở bãi thải số 3, mỏ than Phấn Mễ (Công ty Gang thép Thái Nguyên) trên địa phận xóm Khuân 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã gây hậu quả nặng nề. 12 nóc nhà bị chôn vùi lúc tinh mơ làm 1 người chết là cụ Vũ Thị Hồng (sinh năm 1927). Chồng cụ Hồng là cụ Hà Văn Xuân (sinh năm 1922) bị thương nặng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên.

Trong tổng số 5 người bị mất tích, ngoài bà Trịnh Thị Thiện (sinh năm 1959) thì 4 người còn lại đều trong một gia đình gồm: Bà Nguyễn Thị Hoàn (sinh năm 1962); ông Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1968, là em trai bà Hoàn); anh Nguyễn Văn Quốc (sinh năm 1991, là con trai đầu của bà Hoàn) và anh Nguyễn Văn Quân (sinh năm 1995, là con trai thứ 2 của bà Hoàn).

Lực lượng tìm kiếm nạn nhân làm việc cả ngày với không khí khẩn trương, quyết tâm. Ảnh: Ngọc Khánh.
Lực lượng tìm kiếm nạn nhân làm việc cả ngày với không khí khẩn trương, quyết tâm. Ảnh: Ngọc Khánh.

Ngoài những nạn nhân trên, 9 hộ gia đình khác rơi vào cảnh màn trời chiếu đất trong tích tắc. Trong số ấy có 7 hộ gia đình là con, cháu của cụ Hồng và cụ Xuân là các ông Hà Văn Chín, Hà Văn Hùng, Hà Văn Thắng, Hà Văn Phi, Hoàng Văn Long (con rể), Hoàng Văn Sơn và Hoàng Văn Trường (con trai ông Long). 2 gia đình khác là ông Lại Văn Cường, ông Trịnh Văn (em trai bà Trịnh Thị Thiện).

BẤM VÀO ĐÂY XEM TOÀN CẢNH HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI THÁI NGUYÊN

Có mặt tại đây lúc 2h30’, ngày 16/4, phóng viên báo GDVN nhận thấy toàn bộ hiện trường giống như một công trường với không khí làm việc khẩn trương. Tiếng máy xúc, máy ủi ầm vang, đèn pha rọi sáng và xe cộ ra vào liên tục. Mặc dù vậy, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa xác định được vị trí mắc kẹt của 5 nạn nhân xấu số trên.

Theo quan sát, hàng chục đèn pha được giăng xung quanh nơi xảy ra sạt lở, lực lượng công an, quân đội cũng có mặt để giữ gìn an ninh, phục vụ công tác tìm kiếm. Trao đổi với phóng viên tại hiện trường, ông Đặng Viết Thuần – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết “Ngay buổi sáng ngày hôm qua, chúng tôi đã điều động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị liên quan cùng vào cuộc thực hiện công tác tìm kiếm. Một máy xúc được điều tới đào bới nhưng lượng đất đá sạt xuống hàng vạn khối nên đầu giờ chiều cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã đưa thêm 3 máy tới.  Trong sáng nay, 6 con chó nghiệp vụ được đưa tới để phát hiện vị trí nạn nhân mắc kẹt. Chúng tôi đang cố gắng, tích cực tìm kiếm 5 nạn nhân còn lại”.

Mặc dù đã khuya nhưng người thân của những nạn nhân vẫn ngóng đợi tin từ lực lượng tìm kiếm. Ảnh: Ngọc Khánh.
Mặc dù đã khuya nhưng người thân của những nạn nhân vẫn ngóng đợi tin từ lực lượng tìm kiếm. Ảnh: Ngọc Khánh.

Được biết, khu vực sạt lở sâu chừng 10m, rộng khoảng hơn 100m nên không thể xác định được vị trí của nhà cửa và nạn nhân. Vì vậy, 4 chiếc máy xúc, máy ủi phải làm việc không ngừng nghỉ, tiếp cận từ bề mặt đống đổ nát để bới dần đất đá tìm những vết tích cọc tre, tường nhà, từ đó thuận lợi cho việc xác định vị trí các nạn nhân.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực sạt lở có nhiều vết nứt, thậm chí có những chỗ vết nứt “ngoác” ra khoảng 5 - 7cm. Hơn nữa, mưa phùn xuất hiện ở Thái Nguyên vào chiều qua, làm cho đất đá thấm nước, dễ lở hơn khiến cho công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

BẤM VÀO ĐÂY XEM TOÀN CẢNH HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI THÁI NGUYÊN

Nhiều người dân phản ánh, đây là lần thứ 3 xảy ra sạt lở ở bãi thải số 3 trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lần sạt lở này là nghiêm trọng hơn cả. Có mặt ở xóm Khuân 1 từ năm 2006, bãi thải số 3 - mỏ than Phấn Mễ không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng. Phần lớn những hộ gia đình có nhà cửa bị chôn vùi đều nằm sát chân bãi thải, một vài nhà cách xa nhất vào khoảng 15 - 20m. Trước nguy cơ núi đất đá đổ sập xuống bất cứ lúc nào, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên Công ty Gang thép Thái Nguyên và chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết dứt điểm.  
Sáng nay, thi hài của cụ Vũ Thị Hồng được an táng. Ảnh: Ngọc Khánh
Sáng nay, thi hài của cụ Vũ Thị Hồng được an táng. Ảnh: Ngọc Khánh

Theo ông Đặng Viết Thuần, khu vực bị sạt lở từng được thông qua phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa thực hiện việc đền bù, di chuyển thì xảy ra việc đáng buồn này. UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát lại tất cả các mỏ trên địa bàn, di dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Nếu gia đình nào không thực hiện việc di chuyển sẽ kiên quyết cưỡng chế để tránh gây hậu quả nặng nề.
 
Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo chính quyền tỉnh Thái Nguyên và đại diện mỏ than Phấn Mễ đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi hộ dân bị mất nhà, 2 triệu đồng cho gia đình có người chết. Mỏ than Phấn Mễ đã hỗ trợ 40 triệu đồng cho gia đình lo an táng cụ Vũ Thị Hồng và mỗi hộ dân bị ảnh hưởng được hỗ trợ 2 triệu đồng. Hiện tại, những hộ gia đình mất nhà đều được dựng lều bạt dã chiến tại sân nhà văn hóa để ở tạm thời.

Sáng nay, đám tang cụ Hồng được gia đình, dòng tộc đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong không gian âm u, mưa bụi nơi vùng quê nghèo Phục Linh, tiếng kèn, trống đám hiếu và tiếng than khóc ỉ ôi quyện vào nhau đến não lòng. Phía hiện trường, những chiếc máy xúc, máy ủi vẫn cào xới từng khối đất đá với mong muốn sớm tìm kiếm được các nạn nhân. 

Báo GDVN tiếp tục cập nhật thông tin về sự cố này.BẤM VÀO ĐÂY XEM TOÀN CẢNH HIỆN TRƯỜNG VỤ SẠT LỞ KINH HOÀNG TẠI THÁI NGUYÊNMời bạn đọc theo dõi clip về "công trường" tìm kiếm nạn nhân trong đêm.
Ngọc Khánh