Chúng ta đang thực hiện tạm giam, tạm giữ trong điều kiện không đúng pháp luật

09/11/2015 16:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Vấn đề này được đặt ra trong khi Quốc hội đã có nghị quyết giám sát nhưng nghi can vẫn bị chết khi tạm giam, điều đó thuộc trách nhiệm của ngành công an.

Làm gì để khắc phục tình trạng tử vong khi tạm giam? 

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nói rằng,  thực tế trong thời gian vừa qua những người tự sát hoặc chết vì các nguyên nhân khác trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam khá nhiều.

“Thậm chí tôi có cảm giác là tỷ lệ chết so với những người thi hành án ở các trại giam là cao hơn với rất nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trong đó, có nguyên nhân chính từ những người bị tạm giữ, tạm giam, những người này là những người bị tạm giữ, tạm giam, tâm lý lo sợ, hoang mang, xấu hổ nên có hành động bộc phát.

Có lý do khách quan do những việc làm chưa đúng của cán bộ công an, các quy định hiện hành của chúng ta chưa thuận lợi, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên buộc phải tạm giữ, tạm giam trong những điều kiện không phù hợp", ông Sơn nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định). ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định). ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại biểu Lê Anh Sơn cho biết, ông có trong tay báo cáo của Bộ Công an, hiện nay số chỗ tạm giữ mới có 19.000 chỗ so với nhu cầu 43.072 chỗ, rất thiếu, chỗ tạm giam mới có 10.316 chỗ so với nhu cầu là 46.880 chỗ, thiếu tới 36.564 chỗ so với Bộ Công an phê duyệt.

Từ đó, ông Sơn đề nghị: "Chúng ta phải thực hiện việc tạm giữ, tạm giam trong những điều kiện không đúng quy định của pháp luật.

Ví dụ, các đối tượng thì phải đưa riêng ra, các cháu vị thành niên phải đưa riêng ra, nhưng cuối cùng không có chỗ nên phải đưa vào các buồng giam mà ở đấy không may có một vài đại bàng dẫn đến các cháu bị đánh, thậm chí bị tử vong”.

Đại biểu Sơn cho rằng, trong luật đã có rất nhiều quy định để cố gắng khắc phục tình trạng này, nhưng vẫn chưa giải quyết hết được.

“Tôi đề nghị nghiên cứu quy định một cách thông thoáng hơn những điều kiện đối với người tạm giữ, tạm giam, chế độ đối với người tạm giữ, tạm giam để họ có thể hạn chế được hiện tượng tự sát trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam.

Tôi đề nghị điều kiện để cho người tạm giữ, tạm giam được gặp người thân và gặp luật sư thuận lợi hơn, với thời gian nhiều hơn”, ông Sơn nói.

Chúng ta đang thực hiện tạm giam, tạm giữ trong điều kiện không đúng pháp luật ảnh 2

Xót xa, tự ái dân tộc vì năm 2069 Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan

Cùng quan tâm về vấn đề này, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định, dù trại tạm giam ở các cơ quan cấp tỉnh do cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, công an cấp tỉnh quản lý cơ bản đã được tách khỏi cơ quan điều tra cùng cấp.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vẫn trực thuộc và chịu sự quản lý của công an cấp tỉnh, trực tiếp là lãnh đạo công an cấp tỉnh bao gồm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh.

Do vậy, tính minh bạch, tách bạch khỏi hệ thống và tính khách quan trong mối quan hệ giữa cơ quan này với cơ quan điều tra cùng cấp là chưa đủ khách quan.

Tương tự, đối với hệ thống nhà tạm giữ tại công an cấp huyện cũng chỉ có một sự tách bạch khỏi hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp về mặt mô hình, còn thực tế lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại nhà tạm giữ công an cấp huyện vẫn thuộc cơ quan công an cấp huyện quản lý.

Từ thực tiễn như vậy, không ít vụ việc bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Mặc dù việc bức cung, nhục hình vẫn xảy ra không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam nơi cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý.

Vì vậy, dù vô ý hay cố ý thì đó cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam.

Xét về bộ máy thì cơ bản mô hình hiện nay đã tách biệt giữa hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp với các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng vẫn do công an cấp huyện, tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy, ngay cả việc điều động, bổ nhiệm nhân sự cũng bị phụ thuộc thiếu khách quan.

“Trong thực trạng như vậy thì câu hỏi đặt ra là độ tin cậy về tính minh bạch trong mối quan hệ và sự tách bạch khỏi hệ thống giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp có đủ khách quan hay không?

Do vậy, cần thiết phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, huyện để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam, giữ.

Tôi đề nghị tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc giao công tác tổ chức quản lý giam giữ cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Tổng cục VIII thuộc Bộ Công an quản lý và chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại tạm giam hiện nay để đảm bảo tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra xác minh”, ông Vinh nêu quan điểm.

Chết rồi thì làm sao minh oan?

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đặt vấn đề: “Trong luật pháp và đặc biệt theo tinh thần Hiến pháp mới chúng ta khẳng định chỉ có những người bị tuyên bằng một bản án thì họ mới là người có tội.

Đang trong quá trình tạm giữ, tạm giam họ chết thì họ là như thế nào? Họ chết mà bị oan thì cũng không thể tự mình minh oan được.

Lâu nay, họ chết thì chúng ta chấm dứt, luật pháp chấm dứt. Chấm dứt rồi thì làm sao đây. Rõ ràng, họ chưa có tội vì họ chưa được tuyên bởi một bản án.

Thứ hai, nếu như trong trường hợp đó họ là những người bị oan, vì chúng ta chưa kết thúc điều tra, chúng ta chưa chứng minh được thì chúng ta giải quyết câu chuyện này như thế nào?”.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cũng bày tỏ lo lắng, trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị đánh chết trong nhà tạm giữ, tạm giam.

Điều này xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tháng 6/2015 qua kết quả giám sát oan sai Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 96 phòng chống oan sai trong tố tụng hình sự, yêu cầu Bộ Công an không để xảy ra chết do tự sát, chết do can phạm đánh nhau tại cơ sở giam giữ và làm rõ trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý và người đứng đầu cơ sở này.

Nhưng người bị tạm giữ, tạm giam vẫn bị đánh chết hoặc tự sát vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền con người.

Vì vậy, luật cần tách riêng quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ và quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giam, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ phải khác, không bị hạn chế so với quyền của người bị tạm giam, vì đây là hai đối tượng khác nhau.

Chúng ta đang thực hiện tạm giam, tạm giữ trong điều kiện không đúng pháp luật ảnh 3

"Nhiều cơ quan báo chí đang là gánh nặng cho ngân sách nhà nước"

Theo dự thảo luật, người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Người bị tạm giam bao gồm bị can, bị cáo, người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án, người bị tạm giam để dẫn độ, theo đó để đảm bảo quyền con người, luật cần quy định không được giam chung bị can, bị cáo với những đối tượng đã bị kết án phạt tù, bị kết án chung thân, tử hình dù bản án chưa có hiệu lực hoặc đang chờ thi hành án.

“Tôi kiến nghị Quốc hội khi xem xét thông qua Bộ luật tố tụng hình sự cần có quy định về việc minh oan cho người bị buộc tội chết trong giai đoạn điều tra.

Như chúng ta đã biết minh oan cho những nước bị oan đang bị tạm giam đã gian khó, minh oan cho người đã chết còn gian khó hơn nhiều vì cơ chế minh oan còn nhiều bất cập, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vì vậy, pháp luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể để giải oan cho người bị buộc tội oan cho người đã mất phần nào vơi đi đau khổ cho thân nhân của họ cũng như đời sống tâm linh của gia đình họ”.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa). ảnh: Tuổi trẻ.
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa). ảnh: Tuổi trẻ.

Đại biểu Hiền chỉ rõ, Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành và dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự mới còn thiếu quy định minh oan cho người chết trong giai đoạn điều tra truy tố.

Khi người bị buộc tội oan đã chết do bị bệnh, do tự sát, luật hiện hành chỉ nêu trường hợp đình chỉ vụ án với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết mà không tiếp tục điều tra để kết luận người bị buộc tội đó có bị oan hay không, để giải quyết bồi thường thiệt hại, oan sai trong tố tụng cho thân nhân người đã chết.

“Dẫu biết rằng minh oan cho những người bị oan đang bị tạm giam đã vô cùng gian khó, minh oan cho người bị tội đã chết trong giai đoạn điều tra còn gian khó hơn rất nhiều, nhưng nhà nước cần phải có quy định về việc minh oan cho họ để bảo vệ quyền con người, quyền công dân”, Đại biểu Hiền nhấn mạnh.

Ngọc Quang