"Chúng ta không có chứng cứ để xác định đấy là Đàn Xã Tắc"

26/04/2013 12:42
Tiểu Phương
(GDVN) - Nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà báo Giang Quân – người đã đã viết hơn 30 đầu sách về thủ đô Hà Nội lên tiếng ủng hộ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. Theo ông, bảo tồn di tích là cần thiết, tuy nhiên, “đừng làm gì thái quá!”.
"Chúng ta không có chứng cứ để xác định đấy là Đàn Xã Tắc"

“Mỗi lần đi qua Ô Chợ Dừa, tôi thấy giao thông khổ sở quá. Các chuyên gia lịch sử thì giữ vững quan điểm bảo vệ khu di tích nhưng hiện tại, tôi thấy chúng ta không có chứng cứ để xác định đấy là Đàn Xã Tắc. Vì cuộc khai quật trước đây chưa tìm ra vật chứng gì giá trị và không tìm ra cái nền của đàn Xã Tắc” - nhà nghiên cứu văn hóa, đồng thời là nhà thơ, nhà viết kịch, nhà văn, nhà báo Giang Quân – người được coi là “cuốn từ điển sống” về Hà Nội, nhận xét.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân ủng hộ việc xây cầu qua Đàn Xã Tắc.
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân ủng hộ việc xây cầu qua Đàn Xã Tắc.

Cũng vì lý do trên, ông ủng hộ việc xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc. “Đứng giữa bảo tồn và phát triển, chúng ta cần cân nhắc xem bảo tồn cái gì, phát triển cái gì. Tôi nghĩ, bây giờ cứ đào móng, nếu thấy có cổ vật gì thì chúng ta lại tính tiếp, xoay chuyển hoặc dịch ra một chút. Còn nếu đào móng không thấy gì thì công trình vẫn tiếp tục tiến hành” – ông Giang Quân nói.

Ông Quân cũng kể: Trước đây, ông đã từng phản đối kịch liệt việc phá đất đào xưa hay còn gọi“dinh” đào Nhật Tân – niềm tự hào của người Hà Nội, để nhường đất cho khu đô thị mới Nam Thăng Long. Ông lo lắng về sự mai một của nghề trồng đào Nhật Tân. Nhưng chỉ sau đó không lâu, cây đào đã tìm được một sức sống mới trên vùng bãi ven sông Hồng. Và mấy năm sau, một "dinh" đào mới đã hình thành và phát triển.
“Sau này, suy nghĩ lại, tôi thấy: những người dân đưa đào Nhật Tân ra vùng bãi vẫn phát triển được, không mất đào mà Hà Nội lại có thêm những công trình khác. Vậy tại sao chúng ta không làm?” – ông Quân nhấn mạnh.
Ông cũng kể: Ông đã tham gia xây dựng vùng kinh tế mới Lâm Đồng, thời kỳ đầu, tết đến, bà con phải gửi đào bằng máy bay từ Bắc vào nhưng 10 năm sau thì họ trồng đào. Bây giờ, thị trấn ở đó bán đầy rẫy đào, có tới 5 – 6 dinh đào. Họ không chỉ chơi đào cho dân Hà Nội mà trở thành cây thương mại đem về Sài Gòn bán trong dịp Tết. 
Kể ra chuyện này, ông Quân muốn khẳng định một điều rằng: “Tất cả đều phụ thuộc vào ý chí của con người. Cho nên giữa bảo tồn và phát triển, theo ông Quân “không nên làm gì thái quá”!.

Tranh luận nảy lửa


Trước đó, dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực có Di tích Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) đã gây nhiều tranh cãi, tạo ra dư luận trái chiều (xem chi tiết tại đây).
Nhà sử học Dương Trung Quốc luôn giữ vững quan điểm của mình, cho rằng: Đàn Xã Tắc là di tích rất quan trọng, những ai cổ súy cho chuyện phá di tích này không những vi phạm luật pháp mà còn xúc phạm cả người dân nữa. Bởi trong Luật Di sản đã nói rất rõ, UBND các tỉnh phải xây dựng được quy hoạch khảo cổ học, cái gì tránh được thì tránh, nếu không tránh được thì phải tiến hành theo luật định.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân thì việc có tổ tiên hay mồ của vị Quốc vương nào đó hay không thì chưa xác định được. 
Bên cạnh đó, xét về các mặt kỹ thuật, không gian kiến trúc, cảnh quan, giải phóng mặt bằng và bảo tồn di sản, mới đây, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã lên tiếng đồng tình phương án kiến trúc cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa do Ban quản lý dự án trọng điểm giao thông đô thị (đại diện chủ đầu tư) đệ trình, được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thẩm định.
Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố vẫn yêu cầu đại diện chủ đầu tư tổ chức hội thảo giới thiệu và làm rõ phương án kiến trúc cây cầu, lấy ý kiến các chuyên gia văn hóa, lịch sử để hoàn thiện dự án.
“Đàn Xã Tắc thực chất chỉ là nơi cầu mưa, cầu gió của người dân thời đó. Tôi nghĩ có một cái biển đề ở đó là được rồi! Giờ giữ lại, xây Đàn Xã Tắc thì ai tế?” – nhà Hà Nội học Giang Quân nhấn mạnh.
Nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là nhà thơ, nhà văn, nhà báo Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương -  nguyên Trưởng phòng Biên tập thông tin triển lãm (Sở Văn hóa Thông tin HN).
Với gia tài gồm 30 cuốn sách về Hà Nội (in riêng), chỉ riêng trong dịp Đại lễ 1.000 năm vừa qua, ông đã cho ra 8 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn đã được tái bản nhiều lần. Riêng 2 cuốn "Ký sự địa chí Hà Nội" và "Từ điển đường phố Hà Nội", đã đưa tên tuổi ông trở thành một định danh trong giới nghiên cứu về Hà Nội. 
Cùng với nhạc sỹ Phạm Tuyên, nhà văn Tô Hoài, ông được vinh danh là “công dân thủ đô ưu tú” năm 2011. Ông cũng là người còn sót lại trong những người nổi tiếng như Nguyễn Vinh Phúc, Băng Sơn, Vũ Ngọc Khánh,…
Nhà thơ Trần Đồng Quang trong một lần đến thăm tác giả của hơn 100 đầu sách, trong đó có nhiều cuốn không thể không nhắc đến trong tủ sách Hà Nội nghìn năm văn hiến này đã bày tỏ: "Một người người quân tử đứng bên sông/ Soạn sách làm thơ trải tấm lòng/ Đẹp tựa vàng mười xanh thế kỷ/ Tiếng cười từ điển đất Thăng Long”.
Tiểu Phương