Chuyện kỳ lạ về ngôi làng 11 năm không có đám cưới ở Hà Tĩnh

22/09/2011 06:10
Thanh Nguyên- Phạm Tường
(GDVN) -Cách thành phố Vinh (Nghệ An) chưa đầy 1 cây số có một ngôi làng mà rất ít người biết đến sự tồn tại của nó.
Làng nằm lạc lõng giữa dòng Lam giang, chơ vơ giữa bốn bề sóng nước và gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là làng Hồng Lam (thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh)
Nếu có một cuốn sách viết về những ngôi làng lỳ lạ nhất Việt Nam thì làng Hồng Lam xứng đáng được xếp đầu, vì mặc dù nằm ở vị trí trung tâm của “tam giác đô thị”: thành phố Vinh - thị trấn Nghi Xuân - thị trấn Xuân An nhưng ngôi làng này lại đang có xu hướng đi ngược lại với guồng quay đô thị hóa. Dân số giảm với mức độ chóng mặt, hơn 10 năm trong làng không có một đám cưới và trường học thì chỉ có vỏn vẹn 31 học sinh... đó là những sự độc đáo đáng lo ngại ở ngôi làng vốn đã tồn tại hàng trăm năm này. 

Để vào làng Hồng Lam, chỉ có phương tiện duy nhất là đò
Để vào làng Hồng Lam, chỉ có phương tiện duy nhất là đò


Hơn 1 thập kỷ không có đám cưới

Nhìn từ cầu Bến Thủy, làng Hồng Lam chẳng khác gì một hoang đảo. Không thấy bóng nhà cửa, chỉ ngút một màu xanh của cây cối, chòng chành theo từng nhịp sóng của dòng sông Lam. Thoạt trông thì gần, ước chừng chỉ cần một cú “khinh công” là có thể “đáp” ngay xuống ngôi làng ốc đảo này, nhưng để đến được Hồng Lam thì chỉ có một cách duy nhất là qua đò.

Mà đò ngang ở đây thì mỗi ngày chỉ có 4 chuyến nên phải mất mấy tiếng đồng hồ chờ đợi chúng tôi mới có thể cập bến vào làng.

Bến Giang Đình - “cửa khẩu” của làng Hồng Lam - gọi là bến nhưng thực ra chỉ là một lạch nước nhỏ, hoang sơ và nhếch nhác. Trông vào nó, dẫu là người giỏi tưởng tượng đến mấy cũng không thể tin nổi rằng chính nơi này, mấy chục năm về trước từng được xem là thương cảng sầm uất bậc nhất nhì vùng Nghệ - Tĩnh, từng đi vào thơ ca như một niềm tự hào của người dân xứ Nghệ: “Ai về bến nước Giang Đình/Nhớ mua vỏ quýt cho mình muối rươi”.

Lớp học chỉ vỏn vẹn... 3 học sinh
Lớp học chỉ vỏn vẹn... 3 học sinh


Theo như lời kể của những người cao tuổi thì “làng nổi” Hồng Lam có cách đây khoảng hơn 300 năm. Hồi đó, có hai anh em họ Hồ vì nhà nghèo, không có chỗ nương thân trong “đất liền” nên đã đưa nhau ra đây lập nghiệp. Thấy có người ở, cây cối, hoa màu quanh năm tươi tốt nên nhiều người đã kéo nhau ra lập làng và làng bắt đầu sinh sôi nảy nở, trở nên đông đúc từ đó.

Trước kia làng được chia làm hai vùng rõ rệt, một bên làm ngư nghiệp với tên gọi Yên Ngọc, một bên làm nông nghiệp với tên Phong Thái, đều thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, làng được cắt về xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh và tên gọi Hồng Lam cũng xuất hiện từ đó...

Trên chuyến đò vào làng Hồng Lam, chúng tôi may mắn được bắt chuyện với ông Nguyễn Văn Lập, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Giang và là người đã có gần 60 năm gắn bó với “ốc đảo”. Theo lời ông Lập thì vào những năm 1980, dân số của làng có thời điểm lên tới con số 2000 nhân khẩu. 
Thế nhưng từ sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào năm 1988 và đặc biệt là thời điểm cầu Bến Thủy được hoàn thành đưa vào hoạt động, việc đi lại bằng tàu thuyền không còn được sôi động như xưa, dân bắt đầu ồ ạt kéo nhau di cư lên “đất liền”, chủ yếu vào các tỉnh phía Nam làm ăn. Chỉ trong vòng 3 năm (1988 đến 1991), dân số làng này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1500 người. 
Người làng cứ lũ lượt kéo nhau đi, đến nay làng chỉ còn 224 hộ với 667 nhân khẩu, so với năm 2010 thì giảm đi 14 hộ và nếu xa hơn so với 10 năm trước thì con số chênh lệch là hơn 300 hộ. 
“Thanh niên lớn lên là chúng thi nhau bỏ làng đi làm ăn xa rồi lấy vợ lấy chồng và lập nghiệp nơi khác. Nhiều gia đình cũng theo con cái chuyển vào Nam sinh sống... Phải đến hơn 10 năm nay, chính xác là kể từ năm 2000 làng chúng tôi không có một đám cưới nào. Cứ đà này thì không lâu nữa làng Hồng Lam sẽ bị xóa sổ mất thôi” - ông Lập nói, giọng buồn rầu và đôi mắt nhìn xa xăm.
Thương binh, liệt sĩ nhiều gấp đôi học sinh tiểu học!

Là ngôi làng có truyền thống lâu đời và trong lịch sử cách mạng, Hồng Lam cũng được biết đến như một vùng đất anh hùng. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, Hồng Lam là một trong những địa phương đầu tiên đứng lên giành được chính quyền về tay người dân. 

Truyền thống kiên cường, bất khuất của ngôi làng này càng được hun đúc khi nhiều người con của làng đã anh dũng hi sinh trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê của Ban chỉ huy quân sự xã Xuân Giang thì làng Hồng Lam có trên 40 liệt sĩ và 26 thương.

Để tri ân truyền thống kiên cường của người dân Hồng Lam và cũng nhằm giảm bớt khó khăn cho học sinh nơi đây, năm 2002, Bộ Công an và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phát động quyên góp, xây dựng lại trường Tiểu học Xuân Giang 2 trong làng thành một tòa nhà hai tầng với 8 phòng học kiên cố. Đây vừa là trường học vừa là nơi trú ngụ của người dân trong những mùa mưa lũ.

Tuy nhiên, do hầu hết thanh niên đua nhau rời làng lập nghiệp nơi khác, nhiều năm không có đám cưới cũng đồng nghĩa với số trẻ được sinh ra ở làng ngày càng giảm, dẫn đến lượng học sinh của trường Tiểu học Xuân Giang 2 ngày càng thưa. Hiện nay, tổng số học sinh của trường chỉ có 31 em (chỉ bằng 1/10 so với năm 1996). Và nếu đem so sánh với số thương binh, liệt sĩ của làng thì con số học sinh tiểu học chưa bằng một nửa. Đây thực sự là một con số đáng báo động!

Đến thăm trường Tiểu học Xuân Giang 2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi lớp đông nhất cũng chỉ có... 8 học sinh. Lớp ít thì chỉ vỏn vẹn có 3 em. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 ngậm ngùi: “Lúc mới ra đây nhận công tác, nhìn lớp học thưa vắng mà không cầm được nước mắt. Thật nghịch lý khi cách nơi đây chưa đầy 1 km người ta phải chen lấn, thậm chí là chạy chọt để con em mình được vào học lớp 1”.

Càng ngạc nhiên và xót xa hơn, khi tôi mang máy ảnh ra chụp thì tất cả học sinh trong lớp đều đứng cả dậy, những cặp mắt ngây thơ nhìn một cách say sưa và lạ lẫm vào chiếc máy chụp ảnh, giống như những đứa trẻ thành phố lần đầu tiên nhìn thấy con trâu!

Đây được xem là “trung tâm thương mại” của làng Hồng Lam.
Đây được xem là “trung tâm thương mại” của làng Hồng Lam.


“Chú thông cảm. Khổ quá, chỉ cách một chuyến đò là có thể đến thành phố, thị trấn nhưng đã có mấy em ở đây được ra khỏi làng đâu. Vậy nên thấy chiếc máy hay vật gì lạ là các em lại tò mò...” - Cô Loan giải thích.

Đến thầy cô giáo cũng phải "phá kỷ lục vượt sông"

Là người có thâm niên công tác lâu nhất trường, cô giáo Nguyễn Thị Lan Minh đã có hơn 29 năm gắn bó với trường Tiểu học Xuân Giang 2. Vì nhà ở “đất liền” nên mỗi ngày cô phải 4 lần “gánh chữ vượt sông” để đến trường. Cô Minh chia sẻ: “Nhà chỉ cách trường chưa tới 2 km nhưng để đến lớp đúng giờ, hàng ngày tôi phải dậy lúc 5 giờ sáng, ra bến đợi đò.

Ngày nắng còn đỡ, những ngày mưa to gió lớn thì vất vả hết chỗ nói, nguy cơ chìm đò lại thường xuyên rình rập. Nếu không vì yêu nghề, thương học sinh thì có lẽ tôi đã bỏ nghề từ lâu rồi... Mong muốn của tôi là có được một cây cầu để cho người dân và những giáo viên như chúng tôi đỡ cơ cực”.

Mỗi ngày phải 4 lượt qua đò để sang sông dạy học, nếu tính tổng cộng trong 29 năm thì số chuyến đò mà cô Minh đã “đáp” xuống làng Hồng Lam phải lên tới con số hàng vạn! Thế mới biết sự vất vả, thiệt thòi của những giáo viên nơi đây là rất lớn và một cây cầu nối “làng nổi” Hồng Lam với thế giới bên ngoài là yêu cầu hết sức cấp thiết.

Nghề chính của người dân Hồng Lam là trồng lạc và trồng đay. Và nhờ đất đai màu mỡ, lại được phù sa bồi đắp thường xuyên nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. Tuy nhiên, do giao thông cách trở nên sản phẩm làm ra không vận chuyển vào “đất liền” bán được.

Ông Nguyễn Thế Linh, một người dân cho biết: “Lạc ở bên kia sông người ta bán 2,4 triệu đồng 1 tạ. Còn chúng tôi thì 2 triệu 1 tạ thương lái cũng không chịu mua. Chở sang bên kia thì tiền đò lại quá lớn nên không thể.

Nếu không có cầu thì vài năm nữa chúng tôi là những người cuối cùng rồi cũng phải bỏ làng đi nơi khác sống thôi”. Vừa nói, ông Linh vừa chỉ tay vào mấy bao tải lạc vẫn nằm chỏng chơ nơi góc nhà với vẻ mặt ngán ngẩm.

Được biết, chính quyền và người dân xã Xuân Giang đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên về việc đầu tư xây dựng cây cầu bắc sang làng Hồng Lam nhưng cho nên nay ước nguyện của họ vẫn chưa được quan tâm giải quyết. Điều đó cũng có nghĩa là những giáo viên trường Tiểu học Xuân Giang 2 hàng ngày vẫn phải tự “phá kỷ lục vượt sông” trong gian truân và nguy hiểm.

Và những đứa trẻ nơi đây thì không biết đến bao giờ mới hết ngơ ngác mỗi khi nhìn thấy máy chụp ảnh? Có lẽ là còn lâu, còn lâu lắm!
Thanh Nguyên- Phạm Tường