Có một Đài chiến thắng trên đất Quảng Trị anh hùng

27/07/2015 07:45
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trên mảnh đất Quảng Trị, quá khứ anh hùng trong chiến tranh giải phóng đã, đang và sẽ mãi mãi tạo nguồn sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

LTS: Quý vị và các bạn đã biết đến Đại tá Đặng Việt Thủy qua nhiều bài viết về chiến tranh vệ quốc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hôm nay, ông có một bài viết mới, về một công trình tưởng nhớ tới đồng đội ông, những người đã hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc...

Quảng Trị - miền quê của gió Lào cát trắng nằm ở đoạn thắt lại trên chiều dài Bắc – Nam, chính giữa khúc ruột miền Trung đất nước. 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Quảng Trị đã anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của đất nước. 

Nơi đây đã xất hiện hàng loạt sự tích anh hùng cùng nhiều địa danh lừng lẫy chiến công, biểu tượng cho chí khí quật cường, quả cảm và niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc ta. 

Chính điều đó đã tạo nên sự phong phú và đồ sộ mang tính đặc thù, độc đáo trong toàn bộ di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh Quảng Trị.

Dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, xanh ngắt hôm nay, thời chiến tranh đã trở thành dòng sông máu, thành nơi yên nghỉ vĩnh viễn của rất nhiều chiến sĩ Thành cổ

Sau ngày đất nước thống nhất, rất nhiều cựu chiến binh và các chiến sĩ Thành cổ năm xưa đã trở về thăm lại Thành cổ Quảng Trị, các anh nghẹn ngào bên bờ sông Thạch Hãn:

"Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm
".

Mảnh đất Thành cổ Quảng Trị hôm nay có thể nói đã thấm đầy máu các chiến sĩ ta và dưới lớp cỏ non của Thành cổ vẫn còn rất nhiều hài cốt của các anh nằm lại đó cho đến nay được xem như đã hòa vào mảnh đất thiêng này. 

Sau chiến tranh, Thành cổ chỉ còn lại những đống gạch vỡ hoang tàn, nhưng những tấm gương anh dũng hy sinh của các anh vẫn sống mãi trong lòng Tổ quốc, đồng bào và đồng đội, sống mãi với thời gian. Tên các anh đã thành tên đất nước!

Trên mảnh đất này, quá khứ anh hùng trong chiến tranh giải phóng đã, đang và sẽ mãi mãi tạo nguồn sức mạnh cho sự nghiệp  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần đây, một công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử  mới được xây dựng trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng. 

Ngày 6/9/2013, công trình Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên đã được cắt băng khánh thành bên bờ bắc sông Thạch Hãn và ở phía tây cầu Thạch Hãn thuộc phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. 

Đây là công trình văn hóa, lịch sử đạt yêu cầu thẩm mỹ cao. Toàn bộ các hạng mục kiến trúc đã được nghiên cứu hết sức tỉ mỉ về nội dung, chất liệu và giải pháp thực hiện để công trình đạt hiệu quả tối đa về nghệ thuật và sức biểu cảm.

Tổng kinh phí đầu tư của công trình trên 25 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Công trình hoàn thành sau 8 tháng thi công xây dựng.

Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên sinh ra và lớn lên trên đất Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Các đơn vị tiền thân của Sư đoàn là chi đội Trần Cao Vân thành lập ở Huế, chi đội Nguyễn Thiện Thuật thành lập ở thị xã Quảng Trị, chi đội Lê Trực thành lập tại Quảng Bình. Đó là những đơn vị Vệ quốc quân đầu tiên của ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. 

Quá trình chiến đấu của các đơn vị đó không ngừng lớn mạnh, là cơ sở để tổ chức thành phân khu Bình Trị Thiên, Mặt trận Bình Trị Thiên - một cái mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển mới của lực lượng chủ lực ở chiến trường sau lưng địch, đồng thời tạo nền tảng cơ sở để phát triển thành Sư đoàn 325.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn đã chịu đựng gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng nhân dân kiên cường đánh địch, lập nên nhiều chiến công nổi bật. 

Đó là chiến thắng Xuân Bồ (Quảng Bình) năm 1950, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên địch, làm thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ. Trận đánh Thanh Hương tại Thừa Thiên ngày 11/3/1951 làm hơn 1.500 tên địch bị loại khỏi vòng chiến, 125 tên bị bắt sống, tiểu đoàn Lê Dương số 4 bị xóa sổ, binh đoàn Bouttine bị tiêu diệt, binh đoàn Sok Kein bị đánh thiệt hại nặng. 

Có một Đài chiến thắng trên đất Quảng Trị anh hùng ảnh 1
Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên ( Ảnh: Trần Lê An)

Với chiến công xuất sắc đó, Mặt trận Bình Thị Thiên vinh dự được tặng Huân chương Quân công hạng 2. Đây cũng là chiến công mở đầu báo hiệu sự ra đời của Đại đoàn 325 trên chiếc nôi Bình - Trị - Thiên. 

Ngày chiến thắng trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên lịch sử (11/3/1951) trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn.

Những năm tiếp sau, đặc biệt là chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn phối hợp với bạn Lào, Cam pu chia giải phóng Hạ Lào và Đông Bắc Cam pu chia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và chia cắt quân địch, phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Sư đoàn đã được tặng cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Hồ Chủ tịch.  

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 325 là một trong những sư đoàn chủ lực cơ động sớm có mặt tại chiến trường miền Nam.

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 ở chiến trường Quảng Trị, Sư đoàn được giao nhiệm vụ chỉ huy các lực lượng chiến đấu bảo vệ thị xã Thành cổ 81 ngày đêm và bảo vệ vùng giải phóng của ta ở bắc sông Thạch Hãn. 

Mùa xuân năm 1975, trong đội hình Quân đoàn 2, Sư đoàn đã cùng với các đơn vị bạn, với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Sư đoàn được giao nhiệm vụ giúp bạn Lào và Cam pu chia, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu và xây dựng, ngày 12/1/1976 Sư đoàn vinh dự được Nhà nước tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 4 trung đoàn, 10 tiểu đoàn, đại đội được tuyên dương “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 11 cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn được tuyên dương “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” là: Lâm Úy, Cao Thế Chiến, Nguyễn Xuân Lực, Đinh Huy Phan, Nguyễn Viết Xuân, Đoàn Khắc Luận, Lục Vĩnh Tưởng, Trần Minh Thiệt, Nguyễn Tiến Lãi, Bùi Ngọc Đủ, Lê Xuân Đĩnh.

Thể theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và công tác ở Sư đoàn qua các thời kỳ, được phép của Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 325 phối hợp với Ủy ban nhân dân Thị xã Quảng Trị triển khai xây dựng Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên để giáo dục cho lớp lớp cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn giữ truyền thống: “Đoàn kết - Kiên cường - Thần tốc - Táo bạo - Quyết thắng”. 

Truyền thống đó đã được xây dựng trong hơn 6 thập kỷ qua và còn nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Địa điểm xây dựng Đài chiến thắng là cũng chính là nơi đã diễn ra trận An Đôn - Nhan Biều, trận chiến đấu phòng ngự xuất sắc của Sư đoàn 325 ngày 2 và 3/11/1972 đánh bại cuộc hành quân “Sóng thần 9” của địch. 

Tại đây, ta đã tiêu diệt gọn 2 đại đội và cơ quan tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội khác của tiểu đoàn 6 thủy quân lục chiến ngụy khi chúng liều lĩnh vượt sông sang đất An Đôn, Nhan Biều hòng chiếm Ái Tử, Đông Hà, đánh bại ý chí tái chiếm những vùng đất đã mất trước 30/3/1972 của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. 

Trận chiến thắng ngày 2 và 3/11/1972 đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện trực tiếp khen ngợi đơn vị.

Công trình Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên được xây dựng trên tổng diện tích hơn 10.000 m2 bao gồm khuôn viên, bồn hoa cây cảnh, hệ thống đường nội bộ, sân hành lễ... Với diện tích xây dựng trên 7.000 m2, bệ chân đài hình vuông diện tích 850m2, cao 5m so với đất nguyên thổ.

Trung tâm là biểu tượng chiến thắng với cột chiến thắng cao 21m trên bệ cong bằng ba nhánh hợp nhất. Gần giữa thân cột là ba mũi tên chụm lại thẳng hướng phía trước tượng trưng cho các mũi tiến công, đồng thời còn mang ý nghĩa đoàn kết chiến đấu của 3 lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. 

Cột chiến thắng và các mũi tên tạo ra thế tung hoành hợp nhất, thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần bách chiến, bách thắng. 

Phần bệ cong dưới chân cột chiến thắng gồm ba nhánh hợp lại là hình tượng của ba chữ Bình - Trị - Thiên tạo thế chân kiềng vững chãi. Từ bệ cong nhô lên ba cụm khối có các cánh cong như những cánh hoa đang nở, lại giống như những cánh tay giương lên với bàn tay vỗ, thể hiện niềm hân hoan và sự tôn vinh với các chiến công. 

Trong tổng thể có hai mảng phù điêu, mỗi phù điêu dài 12m, chỗ cao nhất của phù điêu 4,5m. Hai phù điêu như thế đôi tay vươn bay, tạo sự cân bằng với cột chiến thắng. 

Trên các bức phù điêu được khắc họa những hình tượng nhằm diễn tả chiến thắng An Đôn - Nhan Biều  và quá trình chiến đấu, phát triển của Sư đoàn từ năm 1972 đến 30/4/1975.

Phần bậc đá đi lên đài cũng được sử dụng 21 bậc với 4 lối lên bậc cấp. Toàn bộ công trình được làm bằng chất liệu đá tự nhiên. Cột chiến thắng, các khối cong, một số phần bệ đài, lan can và bậc lên xuống được làm từ đá nguyên khối. 

Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên do Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, Chủ tịch quân quản đầu tiên của thị xã Quảng Trị, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 325, khởi xướng và chỉ đạo xây dựng. 

Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn trên 6 phương án thiết kế mẫu tham gia và nhất trí chọn phương án của họa sĩ, giảng viên Trần Lê An, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, một cựu chiến binh của Sư đoàn đã từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, làm phương án thể hiện. 

Cùng với các di tích như Thành cổ, Tháp chuông, Bến thả hoa, Đài tưởng niệm Mai Quốc Ca… Đài chiến thắng Sư đoàn 325 - Đại đoàn Bình Trị Thiên đã tạo nên một cụm di tích văn hóa, lịch sử bên dòng sông Thạch Hãn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống, thể hiện tình cảm “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ và ghi lại những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.

Đại tá Đặng Việt Thủy