Có việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất an toàn thực phẩm

20/04/2018 10:11
Như Hải
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam hiện nay là một nước xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng hàng đầu thế giới như: Gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu..

Ngày 18/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững” với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), một số chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực này từ Văn phòng WB Việt Nam tại Hà Nội.

Bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch WB phụ trách Phát triển bền vững, đại diện Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề liên quan tới an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

Nhiều đại biểu nhận định những sự cố về an toàn thực phẩm là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khỏe trên toàn cầu, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững”. ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Những đổi mới trong an toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững”. ảnh: VGP

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến việc có đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam hiện nay là một nước xuất khẩu nông sản với nhiều mặt hàng hàng đầu thế giới như: Gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu...

Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm  ngày càng được đặc biệt chú ý, để đáp ứng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm để xuất khẩu vào các thị trường quốc tế, nhất là các nước phát triển.

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về bảo đảm an toàn thực phẩm, được thể hiện qua kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt trên 36 tỷ USD.

Tuy nhiên, một vấn đề được người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm là thực phẩm cho tiêu dùng trong nước chưa được bảo đảm tốt như cho xuất khẩu.

Có việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất an toàn thực phẩm ảnh 2Thủ tướng chỉ đạo xử lý việc hàng thủy sản bị nước ngoài trả về

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân và khoảng 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ.

Đây cũng là thách thức đối với việc bảo đảm an toàn thực phẩm và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Khi còn nghèo, người dân có xu hướng sử dụng mọi cách để tối đa hóa năng suất, thu nhập dẫn đến tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia trong chế biến.

Bên cạnh đó, thói quen chế biến của nhiều hộ gia đình cũng chưa bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Phó Thủ tướng, người tiêu dùng hiện chưa được trợ giúp nhiều để phân biệt được thực phẩm an toàn với thực phẩm không an toàn.

Công tác truyền thông chưa hiệu quả, dẫn tới việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Một bộ phận người dân thấy sợ khi mua thực phẩm ở các chợ truyền thống.

Theo Báo cáo “Quản lý rủi ro an toàn thực phẩm Việt Nam - Thách thức và cơ hội” do WB và một số đối tác thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam công bố vào năm 2017 đã ghi nhận những điểm tích cực về khung thể chế và pháp lý về an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay.

Cách tiếp cận dựa trên quản lý rủi ro được quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có việc suy diễn, thổi phồng nguy cơ mất an toàn thực phẩm ảnh 3Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện tình trạng an toàn thực phẩm, một số sáng kiến và chương trình thí điểm đã được thực hiện như nâng cấp điều kiện vệ sinh ở khu vực bán thực phẩm, hỗ trợ triển khai áp dụng quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt như VietGAP.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển như WB và đánh giá cao Báo cáo về an toàn thực phẩm mà WB và các đối tác thực hiện năm 2017 đã đưa ra nhiều nhận định, kiến nghị và các kiến nghị đang được triển khai trong thực tế.

Chính phủ Việt Nam xác định trước hết cần tập trung xây dựng khung pháp luật về an toàn thực phẩm.

Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm ban hành năm 2010 đã tiếp cận theo xu thế của thế giới.

Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm được xây dựng theo hướng tập trung vào quản lý yếu tố nguy cơ, tăng cường năng lực đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ và truyền thông về các nguy cơ.

Ngoài ra, việc tuyên truyền vận động giúp mọi người dân hiểu rõ nguy cơ, hiểu rõ trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức của mình.

Các đoàn thể phụ nữ, nông dân, hiệp hội, tổ chức xã hội và các cơ sở tôn giáo đều tham gia hướng dẫn, giám sát vấn đề an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sau một số năm triển khai, tình hình đã nhiều chuyển biến tích cực, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam cam kết phối hợp với WB và các đối tác, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước, các tổ chức trên thế giới để giải quyết hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm .

Như Hải