Công an Thành phố Hồ Chí Minh “Đập ruồi giữ trướng”

04/10/2014 06:55
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Cho rằng: “không đủ cơ sở khẳng định các CSGT bị ghi hình nhận tiền người vi phạm, vì vậy công an thành phố Hồ Chí Minh chỉ kỷ luật giáng cấp hàm”.

Hôm 2/10/2014, các báo đều đồng loạt đưa tin Công an TP Hồ Chí Minh giáng cấp 4 cảnh sát giao thông (CSGT) trong vụ “vạch ví người vi phạm”.

Với những “lỗi vặt” như: không chào người dân; đeo bảng hiệu, bảng tên không đúng quy định; dừng tại 1 vị trí quá thời gian quy định; dừng, xử lý xe vi phạm quá số lượng so với số cán bộ có thẩm quyền…, số sĩ quan cảnh sát này có người bị giáng đến hai cấp (thượng úy Trần Lê Công Thành bị giáng từ thượng úy xuống thiếu úy), ba người còn lại đều bị giáng một cấp.

Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng: “không đủ cơ sở khẳng định các CSGT bị ghi hình nhận tiền người vi phạm, vì vậy công an TP HCM chỉ kỷ luật giáng cấp hàm”.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh “Đập ruồi giữ trướng” ảnh 1

Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người dân giữa đường

(GDVN) - Clip ghi lại cảnh nam thanh niên bị lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa hành hung ngay giữa đường.

Câu hỏi đặt ra là với những lỗi đã nêu, 4 CSGT (Trần Lê Công Thành, Nguyễn Thanh An, Nguyễn Chí Nam và Đinh Thanh Phúc) không vi phạm đạo đức người chiến sĩ cảnh sát nhân dân, ngược lại còn rất “tận tâm” trong công việc vì họ đã “xử lý xe vi phạm quá số lượng so với số cán bộ có thẩm quyền” vậy tại sao lại kỷ luật họ nặng như vậy?

Liệu đây có phải là hiện tượng “cả vú lấp miệng … sĩ quan” mà Công an TP Hồ Chí Minh cố tình áp đặt với cán bộ chiến sĩ dười quyền? Hay đây là chiêu “đập ruồi giữ trướng” để yên lòng dư luận?

Để giữ bình yên cho nhân dân, nhiều chiến sĩ cảnh sát đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, ngày 5/2/2010 ba sĩ quan: Thượng tá Hà Thái Yềm, Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, thiếu úy Sùng A Trư, Công an huyện Mai Châu và trung úy Bùi Quốc Đại, cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đa hy sinh khi truy bắt tên tội phạm ma túy Vàng A Khua và còn nhiều, rất nhiều ví dụ về những tấm gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Người dân luôn phân biệt rõ ràng đâu là những chiến sĩ công an của dân, vì dân và đâu là những phần tử thoái hóa biến chất trong lực lượng công an. Vấn đề là lãnh đạo công an các cấp đừng bắt nhân dân phải có những suy nghĩ tiêu cực về ngành và đội ngũ của mình.

Một người dân đang đi xe máy trên đường, khi bị CSGT dừng xe liền trao cho CSGT tờ rơi quảng cáo, thượng úy Thành  “nhận tờ rơi quảng cáo rồi nhắc nhở người vi phạm và cho đi”? Cách lập luận này được CA TP Hồ Chí Minh chấp nhận mà không hề nghĩ rằng họ đang khinh thường sự hiểu biết của người dân, khinh thường luật pháp. Còn người dân thì ngược lại, liệu họ có còn niềm tin và sự tôn trọng CA TP Hồ Chí Minh trước cách thức xử lý vụ việc?

Liệu bao nhiêu người tin vào chuyện CSGT TP Hồ Chí Minh  vạch ví người dân chỉ để "Nhận tờ rơi quảng cáo"?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc với Cục điều tra Liên bang Mỹ, FBI, thì thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta điều tra rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân”. [1]

Trong khi đó CA TP Hồ Chí Minh dù đã có đoạn băng ghi hình, dù đã xác minh đó là đoạn băng thật, không bị dàn dựng lại “ không xác định được người bị vạch ví” và vì “ông Thành không thừa nhận nên không thể kết luận”?

“Công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân”, còn công cuộc “làm trong sạch” hàng ngũ thì không cần dựa vào dân, chỉ dựa vào lãnh đạo? Vậy thì người dân nên tin ai, tin đại biểu quốc hội hay tin CA thành phố?

Một khi người dân đã không còn tin công an thì liệu công an có còn dựa được vào dân để phòng chống tội phạm?

Với hành vi nghi là nhận hối lộ, ông Lê Đức Hải (trạm trưởng trạm kiểm lâm của Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 Thanh Hóa), lập tức bị Cục Cảnh sát điều tra chống tội phạm tham nhũng (C48) của Bộ Công an bắt giữ và di lý về Hà Nội để điều tra.

Còn với vụ việc ở TP Hồ Chí Minh, nhân chứng là “một người đàn ông có mặt trong đoạn video clip,  ông này thừa nhận vào thời điểm bị quay clip, phạm lỗi không bật xi nhan khi chuyển hướng giao thông, xin xử phạt tại chỗ. Ông Thành yêu cầu nộp 200.000 đồng và người vi phạm nộp tiền, không có biên bản hay quyết định xử phạt” .[2] Vật chứng là đoạn băng ghi hình mà các phóng viên báo Nhà Báo Và Công Luận đã ghi được.

Vậy còn thiếu cái gì nữa để có thể kết tội nhận hối lộ, thưa ông Giám đốc CA TP Hồ Chí Minh, thưa ông Bộ trưởng Bộ Công an?

Xin các ông hãy bớt một phút, chỉ một phút thôi để đọc xem người dân viết gì: “Tôi không hiểu tại sao ngành công an vẫn chưa đủ quyết tâm để loại bỏ những thành phần này ra khỏi ngành? Cái chuyện tìm ra người bị vạch ví và điều tra cho rõ ngọn ngành chuyện này hình như quá khó với công an thì phải? Tôi nghi ngờ sự minh bạch và sự quyết tâm của các ông”. [Tuổi trẻ 2/10/2014]

Nếu các vị lãnh đạo ngành Công an còn có chút nghi ngờ ý kiến người dân trên báo Tuổi trẻ thì xin nói rằng, người viết cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của độc giả đó.

Hạ cấp bậc thì sau ba năm đến hẹn lại lên, số lương bị giảm chỉ cần vài “tờ rơi” là thừa bù đắp, vậy sĩ quan, chiến sĩ CA TP Hồ Chí Minh nói riêng và CA cả nước nói chung có nên tiếp tục một cách làm rất “nhân văn” là “nhận tờ rơi và nhắc nhở” người vi phạm mà không cần xử phạt?

Không thể vì một vài cá nhân mà phủ nhận công lao to lớn của ngành Công an trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc hiện nay. Song, để dân mến, để dân tin thì cũng đừng vì một vài cá nhân mà tự hủy hoại uy tín của ngành. Đó là mong muốn của nhân dân và đó cũng là lời gửi gắm tới những người có trách nhiệm cao nhất Bộ Công an./.

Tài liệu tham khảo

[1]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/co-quan-dieu-tra-viet-nam-thuoc-hang-gioi-nhat-the-gioi-2906619.html

[2]http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20141002/giang-cap-4-canh-sat-giao-thong/653140.html

XUÂN DƯƠNG