Công chức, viên chức gây lãng phí phải bồi thường

09/09/2014 06:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Đây là nội dung quan trọng trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa mới được Thủ tướng ký ban hành.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước có hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định tại Điều 61, 62 Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có hành vi để xảy ra lãng phí, gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Về kết quả xử lý hành vi lãng phí, phải công khai đầy đủ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí cũng như biện pháp đã xử lý đối với người có hành vi lãng phí.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Theo đó, khi nhận được thông tin phát hiện lãng phí thuộc thẩm quyền giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi nhận được thông tin có trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin, hành vi lãng phí và thiệt hại do hành vi lãng phí gây ra (nếu có). Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết thì trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí phải chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xác minh, xử lý.

Thời hạn xử lý không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông tin phát hiện lãng phí; trường hợp cần thiết có thể gia hạn xử lý thông tin một lần nhưng không quá 30 ngày, đối với nội dung phức tạp thì không quá 60 ngày.

Cách đây 1 năm khi bàn về Luật tiết kiệm thực hành chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói: “Khi luật này được ban hành thì người dân mong muốn phải đảm bảo được việc tiết kiệm, đơn vị nào không thực hiện để ra lãng phí phải bị xử lý. Tôi cho là tiết kiệm chống lãng phí còn dễ làm hơn là chống tham nhũng. Tham nhũng thì không lộ ra mà nó lẩn, biết đấy nhưng không bắt được, chứ lãng phí thì lộ ra ngay, không giấu được và chắc chắn sẽ trị được”.

Ngọc Quang