Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Cụ bà 88 tuổi từng phải ăn phân, bị cắt tai, làm 'nô lệ tình dục'

22/10/2012 12:35
Thanh Huyền
(GDVN) - Đó không phải chỉ là lời dọa, chúng dùng phân có nhiều con vật lạ tưới vào người bà - khi ấy còn là một đứa trẻ.

Mồ côi, lang thang... sống cảnh đời “năm cha ba mẹ”

Bà Lê Thị Mùi (tên thật là Lưu Thị Thấy, 88 tuổi) quê ở xã Phong Cốc, Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Cả cuộc đời bà niềm vui chẳng tày gang, nỗi khổ cứ đeo đẳng mãi. Bà khổ từ tấm bé rồi đến khi lấy chồng cũng từng đêm phải nuốt nước mắt vào trong. Nhưng người đàn bà nghèo khó ấy cứ sống đời góa bụa mà chèo chống, nuôi nấng các con. Và khi ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn chọn cái lẽ "không phiền hà" đến con cái. Gửi gắm thân già ở Trung tâm bảo trợ xã hội, bà xem như đó là một điều may mắn trong số phận buồn tủi của bà nhưng thảng khi nhớ về quá khứ, nghĩ lại những ngày tháng kinh hoàng đã xảy ra, bà vẫn không cầm được nước mắt.

Trước khi đặt bút viết về cuộc đời của bà, phóng viên đã đắn đo rất nhiều nhưng sự cảm phục và hơn hết là mong muốn nhiều người có thể biết đến sự "quả cảm", can trường trước giông bão cuộc đời của bà, người viết đã chắp bút.

Giọng trầm buồn, bà Mùi kể: “Cuộc đời tôi khổ lắm! Từ bé đã là đứa trẻ mồ côi. Tôi chưa một lần được nhìn mặt mẹ mình mà cũng không biết mẹ tên gì, ở đâu...”. Trong trí nhớ của người con đã 88 tuổi này chỉ còn lưu giữ lại hình ảnh của người bố “mất tích”.

Hình ảnh bà Lê Thị Mùi ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ.
Hình ảnh bà Lê Thị Mùi ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ.

Bà kể lại: “Hồi ấy, tôi còn nhỏ lắm. Gia đình nghèo, bố cho tôi sang làng bên cạnh làm con nuôi. Được một thời gian, chắc bố nhớ quá nên qua đón, đưa tôi đi chơi. Tôi còn nhớ như in, lúc đó hai bố con dừng ở một quán ăn, đang định vào quán. Ai ngờ đâu lúc đó có hai người Nhật khoác tay bố đưa đi. Rồi từ đó, tôi không còn gặp lại bố nữa”.

Lang thang khắp con đường để tìm bố nhưng không thấy. Mất bố quá bất ngờ, bà trở thành một đứa trẻ mồ côi thật sự. Đứa trẻ khi ấy quá bé nhỏ và cũng không có bất kỳ hồi ức nào về họ hàng ruột thịt của mình. Từ ngày hôm đó, bà lâm vào cảnh đời “năm cha ba mẹ”.

Bà bảo không thể nhớ hết là đã đi ở đợ, làm con nuôi, em nuôi của bao nhiêu nhà. Hồi ấy khó khăn, nhiều nhà đối xử với bà không ra gì. Mỗi lần như vậy bà lại trốn đi. Cuộc sống là sự di chuyển và tìm kiếm người tốt. Bà nhớ lại thời gian ấy: “Hồi ấy, tôi đi lang thang nhiều nơi lắm. Sống cùng đủ loại người, và trải qua rất nhiều cảm giác khác nhau”.

Trong trí nhớ của bà Mùi, bà không thể quên được bát cơm chan máu khi sống với người bố nuôi. Bà làm con nuôi của một gia đình ở núi Đèo. Công việc hàng ngày là chăn trâu chăn bò. Một buổi chiều, ông bố giấu bò đi rồi khi cả nhà đang ăn cơm tối, ông bố nuôi có ít ma men vào đã đánh bà hộc máu vào bát cơm. Đau đớn hơn là người bố nuôi đó bắt bà ăn hết bát cơm toàn máu đó. Ăn cơm vừa tanh mùi màu vừa đau lòng. Đêm đó bà lại ra đi, bắt đầu một hành trình mới...

Bà lang thang khắp các làng xóm ở Thủy Đường, Thủy Tú... rồi tìm được những nơi ở mới. Bà sống kiểu tạm bợ như thế qua ngày tháng.

Bị cắt một góc tai

Ở Trung tâm bảo trợ xã hội này, bà Mùi "nổi tiếng" vì bị mất một góc tai. Thấy tôi tò mò về câu chuyện này, bà sờ lên chiếc tai bị cắt rồi nói: “Tai của tôi cũng bị chính bố nuôi cắt đấy. Nghĩ lại mà đến giờ vẫn còn thấy đau đớn”. Bà kể, bà về nhà một người địa chủ ở, làm công việc chăn bò. Một hôm, trâu ăn lúa lại nằm đầm xuống ruộng. Lúc về, bà bị chính ông địa chủ đó cắt tai. Bà vẫn nhớ như in lời nói của ông ta: “Hôm nay, mày để trâu nó như thế, tao sẽ xin miếng tai uống rượu”. Trời lạnh, bà không nghĩ bị cắt tai thật. Chỉ khi máu chảy xuống người bà mới biết... Trốn nhưng không được, bà phải nhịn đói, ngủ ngoài cây rơm.

Một đêm, bà trốn vào nhà ăn cơm. Bị bắt gặp, chúng tra tấn bà bằng cách bắt ăn cơm không. Bà ăn đến mức không thể ăn được nữa. Bà van xin nhưng chúng dọa: “Không ăn hết đống cơm này tao cho mày ăn phân”.

Đó không phải chỉ là lời dọa, chúng dùng phân có nhiều con vật lạ tưới vào người bà - khi ấy còn là một đứa trẻ. Bà kể lại: “Kinh khủng lắm, những con đó nó cứ bò khắp người. Sau đó, chúng ép tôi ăn phân người. Những quãng thời gian đó, cả đời tôi chưa bao giờ quên”.

Bà đã sống những ngày tháng lang thang, ăn nhờ ở đậu như thế... Cho đến một ngày được người chị nuôi tên là Nguyễn Thị Bé ép lấy chồng Tây.

Lấy chồng và cơn ác mộng tình dục

Bà nói: “Ngày trước, tôi từng làm công nhân đường sắt. Làm nhiều đường lắm... Rồi do sức khỏe yếu tôi về nhà ở với anh chị nuôi. Nhưng ai ngờ đâu, bà chị nuôi lại nhất quyết muốn tôi đi lấy chồng. Không còn cách nào khác tôi đành phải nghe theo”.

Bà Mùi bảo bà bị lừa lên tận nông trường ở Ba Vì (nay là huyện Ba Vì - Hà Nội). Bị ép buộc nên bà chấp nhận lấy ông Tây. Đám cưới tổ chức đơn giản. Buổi sáng, mọi người ra hội trường nói vài câu là thành vợ chồng. Lấy ông Tây là bắt đầu quãng thời gian đen tối khác.

Ông chồng bà có nhu cầu về tình dục rất cao. Bà kể lại: “Ông ý đòi hỏi nhiều lắm! Tôi đi làm về mệt, không đồng ý là ngay lập tức ông ý đánh đập không ra gì”. Chuyện máu của bà đổ trên giường là chuyện bình thường.

Đêm nào cũng như đêm nào, ông chồng cũng tỉnh dậy đòi hỏi... Bà khóc và thấy thương cho thân phận người vợ của mình. Bởi làm vợ nhưng dường như bà đang trở thành trò tiêu khiển và chỉ để phục vụ nhu cầu tình dục của chồng.

Bà có thai được ba tháng, quá sợ chồng nên bà bỏ về Hải Phòng. Không hiểu sao chồng bà lại tìm thấy và bắt bà về. Bà làm đơn ly hôn nhưng tòa không chấp nhận, phải trở về sống với chồng. Bà lại tiếp tục bị hành hạ như thế. Ông chồng của bà có tính hay ghen nên nhiều khi bà bị đánh đập oan. Bà bảo, có hôm ông ý đi làm nhưng lại trốn việc về rình xem bà có làm gì linh tinh không.

Có thai nhưng bà cũng không thể kiêng được vì ông ý liên tục đòi hỏi. Vì như thế mà đứa con đầu của bà không được nằm trong bụng mẹ đủ tháng đủ ngày. Hơn 7 tháng, bà sinh đứa con đầu lòng mà nước mắt cứ chảy ra. Cũng may mắn là con bà không sao.

Sống với nhau được ba đứa con. Bà đặt tên con là Bình, Đường, Chiến. Bà chia sẻ: “Sống với chồng được 9 năm thì chồng bị ốm trong 4 năm. Chồng bà bị sơ gan cổ chướng. Ông ấy cứ đi hết các bệnh viện này đến bệnh viện khác”.

Không có chồng bên cạnh nữa, bà sống và chăm chút cho những đứa con của mình.

Tuổi già trong Trung tâm bảo trợ xã hội

Chồng mất, bà cùng ba con chuyển lên sống ở khu tự lập của Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Phú Thọ. Khó khăn nhiều nhưng ba mẹ con vẫn cùng nhau vượt qua được.

Bà mới mất đi người con tên Đường. Nỗi đau của kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh..., bà  nói: "Mình sống đến tuổi này rồi vẫn khỏe nhưng con trai lại bệnh tật. Nó đi, tôi thấy đau lòng lắm!".

Với bà Mùi, cuộc sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội là một may mắn đối với số phận của bà...
Với bà Mùi, cuộc sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội là một may mắn đối với số phận của bà...

Đến nay, bà vẫn chọn sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội. Nhiều người thắc mắc sao bà không về ở với con cháu nhưng bà không nói gì. Với bà, căn phòng ở Trung tâm là mái ấm và đây là sự may mắn trong cuộc đời lang thang và cực khổ của bà.

Bà bảo: “Cũng muốn ở với con lắm nhưng tôi đã thử rồi, không thể sống được. Mình sống với con trai nhưng còn con dâu. Nhiều chuyện phức tạp, người già hay chạnh lòng, tự ái. Sống như thế buồn lắm!”.

Đã hơn 40 năm sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội, với bà, cuộc sống ở đây là một may mắn đối với số phận...

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thanh Huyền