Cướp giật, "chặt chém" du khách: Xấu hổ tột cùng!

16/05/2013 13:00
Theo Thanh Niên
Liên tiếp các sự kiện lừa đảo, "chặt chém" du khách nước ngoài diễn ra gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về hình ảnh Việt Nam đang xấu đi trong mắt khách du khách. Chứng kiến nhiều điều "chướng tai, gai mắt", nhiều người không khỏi bức xúc...

Phóng viên đã trò chuyện với bà Trần Thị Kim Hồng (hướng dẫn viên du lịch của Công ty Indochina, có thâm niên 20 năm hướng dẫn khách du lịch nước ngoài)...

Tình trạng hàng rong chèo kéo khách du lịch khá phổ biến - Ảnh: Trung Hiếu
Tình trạng hàng rong chèo kéo khách du lịch khá phổ biến - Ảnh: Trung Hiếu

* Việc lừa khách du lịch có thường xuyên xảy ra không, thưa bà?

- Việc lừa khách du lịch khi đổi tiền diễn ra thường xuyên. Nhiều lần dẫn khách ra Huế, khi xe vừa dừng lại, ngay lập tức hơn 10 chiếc xe máy chở những người đổi tiền lừa đảo vây quanh. Lúc đó tụi tôi chỉ dám nhắc nhở khách khi ở trên xe chứ còn xuống xe mà nhắc nhở sẽ bị đám du côn vây lại đe dọa. Không ít hướng dẫn viên đã bị đe dọa khi đến thành phố này. Tôi cũng nhiều lần bị đám du côn chửi tơi bời.

Còn ở bên ngoài Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) toàn là taxi dù. Có lần một người khách nước ngoài khi tham quan bảo tàng, thấy mệt quá muốn đi về khách sạn nghỉ ngơi, tôi phải đưa khách ra taxi về khách sạn.

Tất nhiên tôi phải kiếm cho khách đi taxi của các hãng uy tín. Thế nhưng khi chờ xe ở trước cửa bảo tàng, tôi bị những người lái taxi dù chửi bới với lời lẽ tục tĩu, bậy bạ vô cùng. Lúc đó tôi phải giả lơ giả điếc chứ còn phản ứng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

* Vậy còn việc lừa khách khi đổi tiền, bà gặp thường xuyên không? "Chiêu" của họ ra sao?

- Ở nhiều nơi đều gặp tình trạng này, còn "chiêu" thì nhiều lắm. Đồng xu euro giống hệt xu Thái Lan nên nhiều người đổi tiền trộn lẫn vào nhau. Khi đếm trước mặt khách thì đếm tiền euro thật, còn khi đổi, họ lại tráo đồng xu Thái Lan vào.

Một thủ đoạn nữa là người đổi tiền kêu khách du lịch đưa tiền ra rồi giật bỏ chạy luôn. 

* Khi dẫn khách đi tham quan, bà đã gặp vụ nào mà khách bị lừa chưa?

- Tôi gặp hoài. Có lần có ông Việt kiều Pháp 30 năm mới về lại Việt Nam, khi trên xe tôi luôn dặn khách phải hết sức cẩn thận, ổng cứ la tôi tại sao cứ nói xấu hình ảnh đất nước. Tôi trả lời là không phải tôi nói xấu mà dặn trước để bảo vệ du khách.

Cuối cùng ông khách này bị 3 - 4 người đổi tiền lừa mất rất nhiều tiền. Sau đó ổng đi kiếm tôi giúp đỡ những lúc đó những người lừa đảo đã cao chạy bay xa, không có cách gì kiếm nổi. Từ đó ông Việt kiều mới biết sợ. Chuyện cũng vừa xảy ra năm ngoái.

Khách của tôi và các bạn đồng nghiệp hay bị giật túi xách, giật dây chuyền, máy ảnh khi tham quan đường phố Sài Gòn... Cũng có trường hợp khách bị giật té bầm dập hết mặt mày.

Còn ở Hà Nội, cạnh Hồ Gươm gần đây có mấy cô mặc áo bà ba, đội nón lá gánh trái cây đi bán. Du khách thấy hay nên xin chụp hình. Dần dần mấy cô thấy nhiều khách đòi chụp nên đòi tiền.

Trong một tiếng đồng hồ tôi quan sát thấy rất nhiều vụ đôi co, gây lộn giữa khách du lịch và mấy cô này. Lý do là mấy cô này đòi nhiều tiền quá. Họ đòi 2 - 5 euro cho một tấm hình. Nếu khách không cho họ lại bắt ép khách mua 2 - 3 miếng thơm (dứa) nhỏ xíu giá 2 - 3 euro.

"Tôi rất xấu hổ với du khách"

* Vậy cũng theo bà, địa điểm tham quan nào an toàn cho du khách nhất?

Cần nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, bảo vệ để khách nước ngoài yên tâm khi đến Việt Nam du lịch - Ảnh: Trung Hiếu
Cần nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, bảo vệ để khách nước ngoài yên tâm khi đến Việt Nam du lịch - Ảnh: Trung Hiếu

- Đà Nẵng là tốt nhất. Ở đây an toàn, không có ăn xin, không có người chèo kéo, buôn bán ngoài đường làm phiền du khách. Xích lô cũng đàng hoàng, trật tự.

Nhưng Đà Nẵng lại không có gì để giới thiệu cho du khách ngoài Bảo tàng Chăm. Đây chỉ là nơi trung chuyển để khách đi các nơi khác Huế hay Hội An, Mỹ Sơn. Khách du lịch mà chúng tôi hướng dẫn chỉ đến Đà Nẵng rồi đi chứ không ở lại ngày nào.

* Bà có thường nhận được phản hồi của khách nước ngoài sau khi đến Việt Nam hay không?

- Thường sau khi có sự cố họ phản hồi rất xấu về hình ảnh Việt Nam. Mỗi lần nhắc nhở hay so sánh các điểm du lịch thế giới với Việt Nam, tôi rất xấu hổ.

Ông Trương Đức Hải, Giám đốc Công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn Đông:
Rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị thiệt hại

Thông thường, các đoàn khách nước ngoài bao giờ trưởng đoàn cũng là người của công ty du lịch. Cho nên khi khách sang Việt Nam du lịch bị lừa gạt, "chặt chém", quấy rầy… khi về nước tốc độ lan truyền những chuyện không hay này rất nhanh. Từ đó, du khách nước ngoài sẽ nghĩ con người và môi trường du lịch của Việt Nam không thân thiện, không tốt.

Trong những sự cố du khách bị lừa gạt, ngoài việc cơ quan chức năng xử phạt, chấn chỉnh doanh nghiệp liên quan thì hiệp hội du lịch cũng cần nhanh chóng can thiệp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bởi rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị thiệt hại từ những hành động lừa gạt du khách nên họ cũng rất bức xúc.

Hạn chế của ngành du lịch Việt Nam là chưa có lực lượng cảnh sát du lịch để bảo vệ du khách 24/24 giờ. Nếu có lực lượng này, khi có sự cố xảy ra, du khách chỉ cần điện thoại là cảnh sát du lịch sẽ đến giúp đỡ, bảo vệ du khách ngay.

Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM:
Hiệp hội lên tiếng để cơ quan chức năng vào cuộc

Theo báo cáo của đội bảo vệ du khách thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM, tình trạng cướp giật, lừa đảo du khách trong thời gian qua không tăng nhưng việc đeo bám, quấy rầy du khách vẫn còn khá phổ biến.

Việc lừa đảo, cướp giật, quấy rầy… nếu có xảy ra sẽ ảnh hưởng rất xấu với ngành du lịch vì du khách sẽ phản hồi ngay lập tức với bạn bè, người thân. Chưa kể, thời đại internet, du khách chỉ cần phản hồi bằng một tấm hình lên mạng với tốc độ lan truyền rất nhanh...

Do không có lực lượng nên hiện hiệp hội chưa có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này. Hiệp hội chỉ lên tiếng trước những bức xúc của du khách để cơ quan chức năng vào cuộc mà thôi.

Theo Thanh Niên