Đà Nẵng có còn cán bộ nào để doanh nghiệp chỉ đạo, thao túng không?

25/04/2018 09:33
An Nguyên
(GDVN) - Nhiều cán bộ, cựu lãnh đạo thành phố bị khởi tố, bắt giam do các sai phạm liên quan đến Vũ "nhôm" khiến cán bộ, nhân dân Đà Nẵng rất bức xúc, đau lòng.

Đó là chia sẻ của nhiều cựu chiến binh tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Trương Quang Nghĩa và Hội cựu chiến binh thành phố ngày 24/4.

Còn những doanh nghiệp nào như Vũ “nhôm”?

Ông Huỳnh Minh Chức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng chia sẻ, thời gian qua, việc nhiều cán bộ, cựu lãnh đạo thành phố bị khởi tố, bị bắt giam do sai phạm trong công tác quản lý đất đai, nhà công sản… có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) làm cho cán bộ và nhân dân rất bức xúc, đau lòng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, nếu công khai minh bạch, để người dân giám sát các dự án thì không có ai phải đi tù. Ảnh: AN
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho rằng, nếu công khai minh bạch, để người dân giám sát các dự án thì không có ai phải đi tù. Ảnh: AN

Ông cũng đặt vấn đề mà các cựu chiến binh và nhân dân quan tâm là tại sao những nhà đất công sản, đất đai nhà nước dành để phát triển thành phố lại biến thành tài sản riêng, rơi vào tay Vũ "nhôm" một cách dễ dàng như vậy?

“Người dân muốn thành phố thu hồi những vị trí đất đai quan trọng này để đầu tư cho thành phố phát triển.

Đây là hành vi tham nhũng. Chúng tôi muốn biết điều quan trọng hơn là còn những doanh nghiệp nào như Vũ "nhôm"?

Có còn bộ phận cán bộ nào để doanh nghiệp chỉ đạo, thao túng không? Nếu còn, cần phải loại bỏ ngay ra khỏi bộ máy công quyền", ông Chức đề nghị.

"Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần làm rõ tài sản của Chủ tịch Đà Nẵng"

Ông Chức cũng bày tỏ mong muốn Thành ủy làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, cơ quan chức năng khẩn trương, điều tra mở rộng vụ án Vũ “nhôm” để làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin của cán bộ, nhân dân.

Thực hiện siết chặt quản lý đất đai, thu hồi đất công sử dụng sai mục đích không hiệu quả. Đối với các dự án mà cấp phép lâu không triển khai thì thu hồi lại.

"Chính quyền phải trả lời rõ cho nhân dân, hiện đã thu hồi được bao nhiêu dự án trong tình trạng này? Trước đây, lãnh đạo thành phố đã hứa thì giờ phải nên công khai", ông Chức nói.

Có sự giám sát người dân thì không ai phải đi tù

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc sở Nội vụ Đà Nẵng cho hay, sau sự việc nhiều cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật, khởi tố vừa qua thì xảy ra tình trạng cán bộ có những “tâm tư dao động”.

Theo ông Thương lý giải thì nếu cán bộ sáng tạo trong công việc, giải quyết thủ tục trôi chảy nhưng có khả năng sai. Còn nếu cứ làm đúng quy trình thì công việc chậm chạp.

Tướng Thước: Chủ tịch Đà Nẵng có nhiều tài sản thế?

Tuy nhiên, ông Nghĩa không đồng tình với quan điểm này. Ông nói có nghe việc cán bộ thành phố có "tâm tư" những đã là cán bộ thì phải nắm rõ quy trình, thủ tục để làm việc cho đúng thì không còn run.

Liên quan đến việc khởi tố, bắt giam các cựu lãnh đạo thành phố, Ông Nghĩa cho hay, dư luận chung là rất hoan nghênh, đồng tình với “lò” chống tham nhũng đang bùng cháy.

“’Lò’ chống tham nhũng hiện nay không phải được nhóm mà đang bùng cháy với quyết tâm của Đảng.

Nó đã trở thành Nghị quyết mà Đảng xem đây là sự sống còn. Sự việc xử lý cán bộ ở Đà Nẵng cũng nhận được sự đồng thuận của nhân dân" - Bí thư Nghĩa nói.

Liên quan đến việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2014 về những sai phạm đất đai của Đà Nẵng, Bí thư Nghĩa cho rằng, nếu thời gian đó Đà không ngồi cãi nhau mà thực hiện ngay kết luận thanh tra thì doanh nghiệp đã không có thời gian sang nhượng dự án.

Ông Nghĩa cũng dẫn ra bài học là phải công khai, minh bạch để người dân giám sát, phản biện.

Điển hình như việc bán sân vận động Chi Lăng hay một số dự án đất công sản ở Đà Nẵng, nếu được công khai để có sự giám sát của người dân thì có lẽ hiện tại không có ai phải đi tù – ông Nghĩa nhấn mạnh.

An Nguyên