Đại biểu Quốc hội và những phát ngôn "chấn động" nghị trường

29/06/2015 14:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin điểm lại những phát ngôn "chấn động" nghị trường của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vừa qua.

"Bỏ tử hình tham nhũng, xã hội sẽ loạn, nhân dân sẽ không tha cho chúng ta"

Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đại tá Đỗ Ngọc Niễn (Đại biểu đoàn Bình Thuận) - Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phản đối bỏ tử hình với tội tham nhũng, bởi làm như vậy là không công bằng với các tội tử hình khác, đồng thời sẽ tạo kẽ hở cho kẻ phạm tội tham nhũng lợi dụng, dùng tiền để đổi mạng.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Niễn. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Niễn. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Niễn phân tích: “Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích dung túng bao che cho tham nhũng. Tham nhũng là tội có mục đích kinh tế. Tham nhũng là quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Chúng ta đang kiên quyết phòng chống tham nhũng, nhưng đến nay kết quả không đạt được như mong muốn, mà tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp hơn. Dư luận xã hội vô cùng bất bình, đòi hỏi phải có hành động kiên quyết hơn nữa.

Để ngăn chặn, lý ra chúng ta phải có hình phạt nghiêm khắc hơn thì chúng ta lại làm ngược lại.

Chúng ta có thể cần tiền, cần rất nhiều tiền, cần thu hồi đầy đủ tài sản từ những vụ án tham nhũng, nhưng không vì thế mà đánh mất lòng tin của nhân dân, làm thay đổi cán cân công lý vì tiền; khuyến khích, bao che cho tham nhũng bằng việc dùng tiền để khắc phục hậu quả.

Áp dụng điều luật này thì có khác gì bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng. Làm như vậy thì xã hội tất sẽ loạn và chắc chắn nhân dân sẽ không tha cho chúng ta nếu đạo luật này được thông qua”.

Nếu nghĩa vụ quân sự là vinh quang, sao con cán bộ không muốn nhận?

Chiều 21/5, thảo luận về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nói thẳng: “Nghĩa vụ quân sự vẻ vang, ngày xưa thì rất đúng, bây giờ trong thực tiễn lại khác. Ngày xưa tất cả con em cán bộ đảng viên, từ con các đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng… đều tham gia nghĩa vụ quân sự hết. Rồi con em lãnh đạo các địa phương đều tham gia nghĩa vụ quân sự hết.

Thế nhưng bây giờ thì không phải, trong khi chúng ta lại không có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này thì tôi cho rằng vinh quang có lẽ chỉ thuộc về con em nông dân, con em đồng bào dân tộc thôi".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Thuyền nói tiếp: "Tại sao vinh quang này con em cán bộ đảng viên, con nhà giàu người ta không nhận? Người ta không tự nguyện làm cái này. Nói vinh quang thì đúng, nhưng tổ chức thực hiện thì vênh nhau quá, cho nên tôi đề nghị phải bổ sung một nghĩa vụ gì đó để làm nghĩa vụ xây dựng lực lượng quốc phòng hoặc xây dựng biển đảo.

Chứ còn bây giờ chúng ta cứ nói rằng đây là nghĩa vụ vinh quang không thay thế bằng nghĩa vụ khác, nhưng bây giờ mười người đến tuổi nghĩa vụ quân sự thì chỉ gọi vài người thôi, còn lại đến bảy tám người thì làm gì? Họ không làm việc gì hết, thế thì sao mà công bằng được?

Tôi đề nghị phải quy định rất rõ là có nghĩa vụ gì đó đóng góp nếu như anh không có điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự, thì mới đảm bảo công bằng”.

"Áo giáp" đang rách khi giao dịch với Trung Quốc?

Ngày 9/6, phát biểu tại nghị trường, Đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn Bình Dương) chỉ rõ, số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam trong các năm gần đây cho thấy, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đã tăng từ 28 tỷ USD năm 2010 lên 41 tỷ năm 2012, gần 59 tỷ năm 2014, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Nếu nhìn riêng ở số liệu xuất khẩu, năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm, nhưng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín. ảnh: Nguyên Thảo.
Đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín. ảnh: Nguyên Thảo.

Phát sinh sự chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu theo công bố của Tổng cục thống kê hai nước. Các số liệu này luôn chênh lệch từ trước tới nay, theo khuynh hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam.

Chỉ lấy riêng số liệu của năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn trên 30% so với con số công bố của Tổng cục thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với con số của Tổng cục thống kê Việt Nam.

Có nghĩa là riêng năm 2014, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ mà chúng ta công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của ta.

 Đại biểu Quốc hội và những phát ngôn "chấn động" nghị trường ảnh 4

Khách Tây du lịch ở ta: Sợ nhất chặt chém, sợ nhì là giao thông

Về nhập khẩu, cũng theo lý luận trên, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc mà Việt Nam ghi nhận đã bao gồm chi phí vận chuyển và bảo hiểm, lẽ ra phải cao hơn giá trị Trung Quốc ghi nhận. Nhưng số liệu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn của Trung Quốc đến khoảng 20 tỷ USD chỉ trong năm 2014, một con số khổng lồ.

Nói rõ hơn, chỉ riêng năm 2014 chúng ta có con số hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam, không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ tung hoành, cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Có vẻ với Việt Nam chiếc áo giáp này đang rách trong giao dịch thương mại với Trung Quốc.

"Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin"

Ngày 8/6 thảo luận tại nghị trường, Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú yên) đã đề cập tới công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, vấn đề nhiều cử tri quan tâm và bày tỏ sự thiếu tin tưởng.

Vì sao tham nhũng được Đảng ta nhìn nhận đánh giá là ngày càng diễn biến phức tạp và chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được thực trạng này, nhưng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối đối với loại bệnh này ngày một giảm?

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao thì tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ. Phải chăng là chúng ta chưa trọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng để xử lý một cách triệt để?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học. ảnh: TTBC Quốc hội.

Chúng ta thường nghe nói Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của dân nhân. Vậy thì Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Cử tri cho rằng, Quốc hội, Chính phủ của chúng ta thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết thì rất là trúng. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm.

Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm. Đề nghị Chính phủ phải làm như nói thì dân mới tin.

Đề nghị cho người lao động được rút bảo hiểm một lần và có thể đóng lại khi tiếp tục lao động

Ngày 28/5, thảo luận về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại nghị trường, Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị một ý tưởng mới đó là khi người lao động đã rút bảo hiểm một lần, vài năm sau lao động trở lại thì được nộp khoản tiền này và tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu.

Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh. ảnh: Ngọc Quang.

Đại biểu Minh nói, đây là điều hết sức đáng tiếc bởi vì điều luật chúng ta ban hành là thay đổi một chính sách hết sức quan trọng đã thực hiện ổn định rất nhiều năm mà lại không được xem xét một cách thận trọng, chu đáo để hôm nay diễn ra nông nỗi này.

Nếu tạo ra cho người lao động có nhiều điều kiện lựa chọn hơn thì tôi đề xuất cho người lao động thêm một sự lựa chọn: Có thể rút tiền ra trong một thời gian để giải quyết khó khăn trước mắt, sau 3-7 anh có lao động lại thì được quyền nộp lại số tiền đó và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội, có được không? Giống như bảo hiểm xã hội cho người nghèo vay không lãi.

"Hành vi của Trung Quốc, thần không dung, thánh không tha"

Ngày 8/6 tại nghị trường, Hòa Thượng Thích Thanh Quyết (Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh) bày tỏ, hành vi xây dựng trái phép, bồi đắp các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang gây ra trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hết sức nguy hiểm, nghiêm trọng.

Trung Quốc là nơi phát tích của nho giáo. Nho giáo lấy nhân nghĩa làm gốc. Không được dùng nước lớn hiếp nước nhỏ, nước mạnh hiếp nước yếu. Nếu làm như vậy là bất nhân.

Đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết. ảnh: TTBC Quốc hội.

Việt Nam cũng đề cao đức nhân. Nhân ở Việt Nam là cốt để yên dân. Tôi đề nghị Trung Quốc hãy quay về với đức nhân nghiêm túc của mình, để cho các nước trên thế giới tôn trọng. Không nên áp dụng các biện pháp mang tính chất cơ mưu, theo kiểu mở rộng từ từ kiểu tằm ăn hoặc xa thì thân, gần thì đánh.

Việt Nam và Trung Quốc có nền văn hóa, tín ngưỡng nhiều điểm tương đồng. Người Trung Quốc xưa nay đều cho rằng đi lại với đức nhân là bất nhân thì thần không dung, thánh không tha.

Quốc hội Việt Nam có thể bị tấn công mạng từ Chính phủ một số quốc gia

Sáng 24/6, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật an toàn thông tin, Đại biểu Phạm Trọng Nhân khiến cho nhiều người bàng hoàng khi đề cập tới thông tin bị đánh cắp ngoài ý muốn, mạng thông tin có thể bị tấn công do sử dụng các thiết bị thiếu an toàn, và việc phát tán thông tin phản động từ các máy chủ đặt ngoài Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân. ảnh: TTBC Quốc hội.

Ông Nhân cảnh báo: "Chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh báo của một số hãng bảo mật trên thế giới rằng Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong danh sách các quốc gia sử dụng internet, máy tính dễ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ lớn nhất thế giới.

Việc lây lan các virus chứa mã độc là do thói quen sử dụng dịch vụ miễn phí trên internet, dịch vụ phần mềm từ các trang mạng xã hội, thư điện tử trá hình, đến việc tải các ứng dụng miễn phí cài mã độc vào điện thoại không ngừng tăng lên cả số lượng lẫn tính chất phức tạp.

Ngay trong hội trường này, khi đã phá sóng tất cả các đường truyền internet, thế nhưng nguy cơ bị tấn công cục bộ từ nguồn các máy tính xách tay khi kết nối với mạng nội bộ văn phòng quốc hội vẫn có thể diễn ra. Các usb, máy tính cá nhân nhiễm virus đều không có quy định để kiểm soát.

 Đại biểu Quốc hội và những phát ngôn "chấn động" nghị trường ảnh 9

Quốc hội dứt khoát không thể có thị phi, gian dối, rơi vãi cả sự tôn nghiêm

Mức độ nguy hiểm ở đây không phải là hệ thống bị đánh sập, mà là các phần mềm gián điệp có thể âm thầm kích hoạt điện thoại di động để ghi âm lấy thông tin trong hội trường này và chuyển về máy chủ khi máy tính xách tay kết nối trở lại với internet bên ngoài.

Đó là phương thức phổ biến của các hacker chuyên nghiệp có hệ thống, thậm chí có sự tài trợ của chính phủ các quốc gia xung đột chính trị với nước ta".

Tấn công mạng không còn là nguy cơ mà đang diễn ra hàng ngày hàng giờ và có mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, đặc biệt là nhắm đến các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội an toàn thông tin thì có tới 81% các đơn vị cho phép nhân viên sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng truy cập vào mạng nội bộ.

Con số này trong các cơ quan nhà nước còn cao hơn rất nhiều. Trong số đó có đến 74% chưa có giải pháp quản lý các thiết bị bảo mật, kiểm soát hệ thống. Giải pháp đơn giản nhất là cài mật khẩu để hạn chế truy cập.

Ngọc Quang