Đảm bảo minh bạch hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế

24/01/2017 10:01
Vương Thủy
(GDVN) - Chiều 23/1, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả triển khai Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Ngày 23/1, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả triển khai Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. 

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam...

Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế chính thức hoạt động từ cuối tháng 6/2016.

Hệ thống này đã kết nối với 99,5% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (còn khoảng 66 trạm y tế xã tại một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới nên tiếp nhận thông qua hệ thống khác). 

Cổng tiếp nhận của Hệ thống cung cấp các chức năng kiểm tra thẻ bảo hiểm y tế, tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, giúp giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh.

Các cơ sở y tế không cần nhập các thông tin và sao lưu thẻ bảo hiểm y tế.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hệ thống này giúp quản lý thông tuyến và ngăn ngừa lạm dụng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn hóa danh mục dùng chung.

Ngoài ra, hệ thống cũng có thể giúp theo dõi số lượt khám chữa bệnh, chi phí phát sinh hằng ngày, lập các báo cáo thống kê và quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Để thực hiện giám định điện tử, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp, chủ động hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn hóa, thống nhất danh mục thanh toán bảo hiểm y tế của gần 3 triệu bản ghi về thuốc, 4,94 triệu bản ghi về dịch vụ kỹ thuật và 200.000 loại vật tư y tế;

Loại khỏi danh mục 8% số thuốc và 3,7% số dịch vụ kỹ thuật và 15% số vật tư y tế do ngoài phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế. 

Đáng chú ý, phần mềm giám định đã thống kê các trường hợp sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám nhiều nơi trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài tỉnh.

Tính đến quý IV/2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã triển khai giám định trên phần mềm tại 100% cơ sở khám chữa bệnh. 

Thống kê trong quý IV/2016 cho thấy, có 100 trường hợp khám trên 50 lần (chủ yếu tại các bệnh viện tuyến huyện và trạm y tế xã); 

Cá biệt có trường hợp khám 140 lần trong 3 tháng tại nhiều bệnh viện tuyến quận của thành phố Hồ Chí Minh; 

Đảm bảo minh bạch hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế ảnh 2

Lần đầu tiên doanh nghiệp trao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quản lý

Nhiều hồ sơ đề nghị thanh toán trùng thời gian, trùng lắp chi phí; có trường hợp cùng một hồ sơ đề nghị thanh toán hai lần với chi phí trên 400 triệu đồng...

Cũng trong quý IV/2016, có 75% số hồ sơ có chi phí bị từ chối, do dữ liệu cơ sở khám chữa bệnh chưa cập nhật theo danh mục dùng chung.

Vì thế, cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn phải áp dụng phương pháp giám định thủ công để quyết toán. 

Đặc biệt, hệ thống cũng bước đầu phát triển các chức năng thống kê, theo dõi trên phạm vi toàn quốc để phân tích, đánh giá tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh tại từng tỉnh, từng cơ sở y tế.

Tại Hà Nội, hiện đã kết nối liên thông dữ liệu đến 673 cơ sở khám chữa bệnh (đạt 100%) và đã chuẩn hóa danh mục dùng chung: Về dịch vụ kỹ thuật là 316.645; Thuốc 186.413; Vật tư y tế 12.440. 

Giám định quý IV/2016 cho thấy, cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán tới 1.359 tỉ đồng, trong đó hệ thống điện tử đã từ chối thanh toán 7,3 tỉ đồng và cảnh báo (từ chối một phần) 98,4 tỉ đồng. 

Đặc biệt, phần mềm cũng lọc được số bệnh nhân khám chữa bệnh nhiều lần…

Bước đầu, việc kết nối dữ liệu này chạy liên thông tốt, qua đó đã phát hiện nhiều sai sót liên quan đến nghiệp vụ như: Bác sĩ chỉ định thuốc, dịch vụ không cần thiết cho bệnh nhân” - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao và biểu dương Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ ngành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT liên quan như Viettel, Tecapro, VNPT... về những kết quả mà Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế mang lại;

Đồng thời nhấn mạnh, việc lần đầu tiên kết nối hơn 12.000 cơ sơ y tế trong toàn quốc là sự kiện quan trọng để thay đổi căn bản cách quản lý Bảo hiểm y tế. Đây là vấn đề liên quan đến minh bạch hóa chống tiêu cực. 

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, năm 2017 có khoảng 70.000 tỉ đồng được chi trả cho bảo hiểm y tế. Cả nước cũng có đến 90 triệu dân đi khám bệnh ở nhiều nơi.

Do đó, nếu không quản lý bằng công nghệ thông tin, thì không thể biết được tình trạng lạm dụng.

Đảm bảo minh bạch hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế ảnh 3

Bảo hiểm xã hội thực hiện “một cửa điện tử tập trung" từ ngày 1/1/2017

Việc sử dụng hệ thống này không chỉ là thay đổi thói quen, mà ảnh hưởng đến lợi ích của một số người muốn trục lợi. 

Qua kiểm tra ở một số địa phương, đã phát hiện nhiều sai phạm và các đơn vị phải xuất toán 200 tỉ đồng, trong khi chi phí DVKT cho cả hệ thống trong một năm chỉ 150 tỉ đồng... 

Để giải quyết khó khăn vướng mắc, Bộ Y tế cần vào cuộc quyết liệt, đảm bảo chất lượng tin học hóa ở bệnh viện và phải kiểm tra các đơn vị làm chậm, khó khăn vướng mắc phải xử lý ngay
”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc kết nối, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế, bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn phải đẩy nhanh hơn nữa công tác tin học hóa trong các bệnh viện trên tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp đang vận hành hệ thống tin học hiện có, để tạo thuận lợi cho việc chiết xuất dữ liệu phục vụ thanh toán, giám định bảo hiểm y tế tự động. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản gửi ngay Chủ tịch UBND các tỉnh để quán triệt chủ trương này. 

Đây là vấn đề liên quan đến minh bạch hóa, chống tham nhũng, chống tiêu cực. Bệnh viện nào, nơi nào cố tình không làm là có biểu hiện tiêu cực. 

Nơi nào chậm kết nối, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cần xuống kiểm tra ngay việc thanh toán bảo hiểm y tế. Chúng ta phải cương quyết làm”.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cũng cho rằng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám định bảo hiểm y tế là hướng đi khả thi và sẽ mở ra những thay đổi tích cực trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. 

Ngành bảo hiểm xã hội giữ tiền cho dân, thì phải biết trân trọng, nâng niu từng đồng. Quan trọng nhất là tiền đó phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả; nếu để thất thoát là có lỗi với nhân dân. 

Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Bảo hiểm y tế là cách làm khoa học. Tôi tin tưởng hệ thống sẽ phát huy hiệu quả, với mục đích cao nhất là người dân được hưởng lợi”- bà Mai khẳng định.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, năm 2016 là năm rất vất vả và áp lực với ngành Bảo hiểm xã hội nhưng cũng là năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam gặt hái được nhiều thành công. 

Ngành đã hoàn thành vượt kế hoạch thu được Thủ tướng Chính phủ giao, giải quyết tốt các chế độ chính sách, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu người dân tham gia bảo hiểm y tế... và đặc biệt là đã đạt tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 81,7% dân số. 

Việc triển khai thành công Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế sẽ giúp tiết kiệm chi phí, đảm bảo việc quản lý quỹ bảo hiểm y tế minh bạch, hiệu quả.

Vương Thủy