Dân phạm thì phạt nặng, Quan phạm thì...từ từ!

12/06/2014 07:19
Ngọc Quang
(GDVN) - Có một thực trạng nhức nhối trong dư luận xã hội hiện nay, đó là dân vi phạm thì bị phạt nặng, nhưng cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật thì xử lý rất chậm.

Đề nghị để cho dân được kiện

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Hà Hùng Cường vào chiều 11/6, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng đã nhấn mạnh tới vai trò của nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước phải tôn trọng được luật mà nhân dân cũng phải tôn trọng luật.

“Nhân dân không chấp hành luật thì chúng ta phạt hết sức ghê gớm, còn các cơ quan nhà nước có đến 312 văn bản vi phạm pháp luật, chúng ta xử lý rất chậm thì có phải là nhà nước pháp quyền không. Vậy Bộ trưởng Bộ Tư  pháp có nghĩ đến việc trong thời gian nhất định nào đó chúng ta đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội mở rộng quyền làm chủ của người dân để người dân được khởi kiện các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi vì nhà nước ủy quyền cho anh bảo vệ, anh bảo vệ không được thì bây giờ phải giao cho tôi quyền đó, bây giờ thông tư trái nghị định tôi có quyền khởi kiện, nghị định sai tôi có quyền khởi kiện, tòa phải xử để cho nó công bằng”, Đại biểu Thuyền nói.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước nhắc lại báo cáo của Chính phủ có 312/1574 văn bản được khảo sát là chưa đảm bảo về chất lượng, thiếu tính khả thi, không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, thậm chí có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp. Tuy nhiên, Chính phủ mới chỉ kiểm điểm chung, nhắc nhở chung, chưa làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ  chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu theo như đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 67 ngày 29/11/2013.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Hà Hùng Cường.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Hà Hùng Cường.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thẳng thắn chỉ rõ, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam phức tạp nhất thế giới với rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thậm chí đến tận chủ tịch xã theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004, với rất nhiều những loại văn bản của một chủ thể. Năm 2008 Chính phủ đã mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho đơn giản hóa, giảm hình thức văn bản và Quốc hội đã đồng tình giảm văn bản của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng. Tuy nhiên, các văn bản khác thì chưa giảm nên rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật với các tên gọi khác nhau, rất nhiều chủ thể ban hành khác nhau, cho nên hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp, rất khó tuân thủ và chi phí tuân thủ rất lớn.

Với việc văn bản ra chậm có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cụ thể của người dân, Bộ trưởng Cường cho biết, những cái gì cụ thể về chế độ chính sách đối với người dân đặc biệt trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, lĩnh vực người có công, lĩnh vực người nghèo, văn bản kể cả ra chậm thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đều quy định hồi tố theo đúng quy định của pháp lệnh đó hoặc luật đó để không ảnh  hưởng, có thể chậm một chút nhưng hồi tố để bảo đảm quyền lợi từ ngày luật và pháp lệnh có hiệu lực.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lại không hứa trước Quốc hội khi nào xử lý được tình trạng này.

“Trách nhiệm của Bộ Tư pháp cũng không dám có ý gì mạnh mẽ như đại biểu nêu, cũng là một thành viên của Chính phủ nhưng kiểm tra, đôn đốc, cảnh báo chúng tôi làm thường xuyên. Không có phiên họp Chính phủ nào không có báo cáo vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và điểm danh từng bộ một, nợ cái gì tại phiên họp của Chính phủ như tôi báo cáo vừa nãy. Còn bao giờ khắc phục vấn đề này thì trước quốc dân đồng bào và Quốc hội có lẽ tôi không dám hứa một cách vững chắc”, ông Cường nói.

Phải tìm xem văn bản sai gây hậu họa gì chưa?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ và trả lời đại biểu quốc hội: “312 văn bản mà Bộ Tư pháp báo cáo là sai, nó gây hậu họa gì chưa? Nếu người ta căn cứ vào 312 văn bản này để tổ chức thực hiện thì gay go rồi. Thứ hai nữa nếu người ta không tổ chức thực hiện 312 văn bản này thì lại vi phạm pháp luật rồi. Tức là có thể kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo, cách chức, đến đuổi việc và vi phạm pháp luật có thể xử lý hình sự, chỗ này tôi thấy rất nghiêm trọng, rất nghiêm túc.

Tôi đề nghị đồng chí giải thích 312 văn bản này, trong này có nói có những văn bản vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Bây giờ hướng dẫn như thế, đem ra áp dụng, nếu không áp dụng, không thi hành thì không được, người cán bộ đó hay người dân đó mà không thi hành thì không được. Nếu thi hành lại vi phạm Hiến pháp và pháp luật, mà không thi hành thì cơ quan cán bộ chúng ta có thể xử lý kỷ luật, cấp trên có thể xử lý kỷ luật. Cơ quan tư pháp của chúng ta có thể xử tội vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ, 312 văn bản sai pháp luật đã gây hậu họa gì chưa?
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ, 312 văn bản sai pháp luật đã gây hậu họa gì chưa?

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ: "Đồng chí nói là nợ văn bản thì mấy phần trăm, 17%, 18%, nhưng tôi nói nợ chỗ nào thì chỗ đấy là 100%, bởi vì 100% không thi hành được luật về việc ấy chứ đâu phải 5%, 10%, 20%. Đây cũng là vấn đề rất nghiêm trọng, quan trọng thì Bộ trưởng tính thêm xem chúng ta có đột phá gì, có cách gì. Một mặt văn bản của chúng ta quy định thủ tục này, hành chính kia phức tạp ra. Bây giờ cải cách hành chính thì đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đang được Thủ tướng giao làm cho mấy trăm văn bản phải sửa, phải bỏ, như vừa rồi phải đi sửa luật”.

Đồng tình với nhận định của Chủ tịch Quốc hội, Đại biểu Đại biểu Phạm Tất Thắng - Vĩnh Long nêu quan điểm: Trong số 23 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thì có 13,04% số văn bản có dấu hiệu sai về nội dung, nhưng có tới 43,48% số văn bản không phù hợp về tính hợp hiến, hợp pháp, đây là một việc rất đặc biệt mà Chủ tịch Quốc hội cũng vừa nêu, cộng dồn cả hai loại sai phạm này thì có tới 56,52% số văn bản có sai sót. Điều này có thể hiểu là văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có nhiều nội dung, hướng dẫn không đúng tinh thần của luật, pháp lệnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - TP Hồ Chí Minh đưa ra đánh giá,  Bộ trưởng nói rằng những văn bản, nghị định, thậm chí là thông tư, chỉ thị trái với luật, trái với nghị định các đồng chí thổi. Vấn đề là nó không trái, hành lang pháp lý người ta cho 3 mét, anh hướng dẫn cuối cùng còn lại 1 mét, vấn đề hành lang pháp lý là đi thẳng thì anh hướng dẫn vòng vèo đi cong, hành lang pháp lý đi đường bằng thì anh hướng dẫn phải lên dốc, cái đó nó không trái, vẫn đi được từ a đến b nhưng chậm  và dễ bị trơn trượt, dễ bị rơi vào bẫy cuối cùng phải tốn kém thời gian và phải chung chi. Nhiều khi Bộ Tư pháp không thổi được,  nhìn ra thì nó không sai, không trái mà đây là một lực cản rất lớn.

“Tôi xin nói thêm rằng các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp mỗi lần gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng họ về họ rất phấn khởi. Nhưng khi quay trở về cuộc sống hàng ngày thì họ đụng vào rừng những văn bản hướng dẫn này thì họ lại buồn, chán và họ rất nản lòng”, Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Ngọc Quang