Dân sẽ tin khi cán bộ “nói được” gắn với “làm được”

05/12/2015 07:42
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Cứ con ông cháu cha, cứ dễ dãi, dĩ hòa vi quý, cứ đùn đẩy trách nhiệm…thì muôn năm nữa mới giải quyết được “căn bệnh”: Quản lý lỏng lẻo của cán bộ Nhà nước.

LTS: Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc mạnh dạn đưa ra quan điểm của mình về vấn đề “nói” và “làm” của cán bộ Nhà nước. 

Tác giả khẳng định, nếu cứ kéo dài tình trạng con ông cháu cha, dĩ hòa vi quý, đùn đẩy trách nhiệm thì “căn bệnh” quản lý lỏng lẻo của cán bộ Nhà nước sẽ không bao giờ được điều trị. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả quan điểm của thầy.


Trong các phiên họp Quốc hội, các hội nghị, diễn đàn, trả lời báo chí… khi có những vấn đề, sự việc nổi cộm đang được dư luận xã hội quan tâm, chúng ta thấy giới lãnh đạo, cán bộ địa phương lẫn trung ương thường dùng những cụm từ: rút kinh nghiệm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt, xử lý nghiêm minh, tăng cường công tác thanh kiểm tra… 

Nghe lần đầu tiên, là người dân, tôi thấy phấn khởi, vui mừng lắm, vì cán bộ, lãnh đạo của chúng ta rất có ý thức, trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao, nhất là những vấn đề đang bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích thiết thực của đông đảo nhân dân. 

Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây thất thoát, thiệt hại không nhỏ cho nước, cho dân. (Ảnh:phapluattp.vn)
Tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây thất thoát, thiệt hại không nhỏ cho nước, cho dân. (Ảnh:phapluattp.vn)

Có nhiều người bảo với tôi rằng, anh đừng vội mừng, còn phải chờ xem, nhìn vào hành động, việc làm cụ thể của họ. 

Đúng, có những cán bộ, lãnh đạo thực sự là “công bộc của dân”, lời nói đi đôi với việc làm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, sự việc nổi cộm, bức xúc được giải quyết nhanh chóng, đâu ra đó. 

Dân chúng mừng và tin tưởng lắm. Song,qua theo dõi, kiểm nghiệm thực tế, tôi xin nói thật, số lãnh đạo, cán bộ “nói được, làm được” như trên vẫn chưa có nhiều. Chỉ giỏi nói hay, báo cáo tốt. 

Thậm chí, có vị lãnh đạo khi chất vấn trực tiếp, do không nắm rõ đầu việc của ngành, lĩnh vực mình quản lý nên trả lời vòng vo, lan man, trả lời kiểu vâng, dạ…y như học sinh bậc tiểu học. 

Thành thử, bao nhiêu việc dân tình bức xúc, lo lắng hiện nay, chẳng hạn như về giá thuốc chữa bệnh, về môi trường, sức khỏe, an toàn thực phẩm, về chất lượng đào tạo, giáo dục, về cải cách hành chính, đất đai, về an toàn giao thông…vẫn cứ ngổn ngang, rối bời… 

Dân sẽ tin khi cán bộ “nói được” gắn với “làm được” ảnh 2

Lãng phí nghiêm trọng ngân sách nhà nước, bao giờ mới chấm dứt?

(GDVN) - Ông Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói thẳng: "Đi học tập trao đổi kinh nghiệm nước ngoài không hiệu quả cũng là lãng phí".

Có vị Đại biểu Quốc hội ở TP.Hồ Chí Minh  đặt ra câu hỏi đau đáu: “Cán bộ quản lý tồn tại để làm gì ?” 

Có thể nói, đội ngũ, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ở ta hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước rất hùng hậu, trên 7 triệu người. 

Ở cấp nào, phòng ban nào cũng đầy người, thậm chí thừa người quản lý, lại được học hành, đào tạo khá bài bản.

Thế mà, nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị vẫn không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, vẫn để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, gây thất thoát, thiệt hại không nhỏ cho nước, cho dân. 

Cán bộ suy thoái, cán bộ tiêu cực, cán bộ bảo kê, cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm…trong công việc. 

Vậy, để xử lý tận gốc thứ cán bộ sa sút, yếu kém đó, không chỉ có nỗ lực ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp quy mà còn phải kiên quyết trong thực thi pháp luật, xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, nhất là lãnh đạo thiếu trách nhiệm, quản lý yếu kém. 

Cứ con ông cháu cha, cứ duy tình, dễ dãi, dĩ hòa vi quý, cứ đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau…thì muôn năm nữa mới giải quyết được “căn bệnh”: Quản lý lỏng lẻo của cán bộ Nhà nước. 

Những cụm từ đẹp đẽ, mạnh mẽ nêu trên chỉ có ý nghĩa, giá trị, sống trong niềm tin của người dân khi được cụ thể hóa bằng trách nhiệm, việc làm thật sự ích nước, lợi dân. 

Đỗ Tấn Ngọc