Đắng lòng người ở lại sau vụ cháy thiêu chết 13 người

21/09/2011 07:00
Ngọc Khánh - Nguyễn Trọng Tuấn
(GDVN) -Sau ngày định mệnh kinh hoàng thiêu chết 13 trong xưởng may ở Tân Dân (An Lão, Hải Phòng), đến hôm nay cũng đã tới tuần bốn chín những người xấu số.
Nước mắt vẫn rơi và nỗi đau vẫn ở lại nhưng niềm hi vọng cũng bắt đầu được nhóm lên.
Sau cơn mưa, cái nắng của đất Cảng thật gay gắt! Nắng chiếu vào những tấm thân gầy mòn, còm cõi của người ở lại trên đoạn đường dẫn ra nghĩa địa, những chiếc bóng đổ xuống con đường mòn đầy sỏi, đá. Đường vào làng Đại Hoàng vắng lặng đến lạ kỳ, cả không gian dường như chỉ còn tiếng chuông chùa ngân từng hồi như vang lên tới tận trời xanh. 

Cảnh vắng lặng tại nhà chị Lê Thị Hồng
Cảnh vắng lặng tại nhà chị Lê Thị Hồng

Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà chị Lê Thị Hồng (sinh năm 1963, thôn Đại Hoàng 2) núp bóng dưới hàng tre già. Là một trong 13 nạn nhân tử nạn trong vụ cháy ngày 29/07 vừa qua, chị Hồng ra đi, để lại một người chồng ốm đau quanh năm và người con trai (tên là Dương Văn Đức, 23 tuổi) bị bại liệt nằm một chỗ. Đứa con trai lớn của chị cũng mất trước đó một năm trong một vụ tai nạn giao thông. 
Ngày thứ bốn chín, trên ban thờ chị Hồng chỉ có duy nhất một đĩa hoa quả và bát cơm trắng đã nguội. Mọi thứ đều đơn giản. Căn nhà nằm im lìm trong cái nắng như lửa đốt. Có lẽ, vì nghèo quá nên anh Dương Văn Chiên (chồng chị Hồng, 48 tuổi) chỉ có nén hương thắp cho linh hồn người quá cố.
“Gà trống nuôi con”, nhìn anh Chiên đút từng thìa cơm cho Đức mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Bát cơm chỉ có duy nhất một món canh mùng tơi nhưng Đức vẫn ăn ngon lành. 
Vừa cho Đức ăn, anh Chiên vừa nói “tôi đau ốm quanh năm, sang năm là tuổi hạn không biết có qua khỏi không? Nếu tôi mà đi thì thằng Đức chẳng có ai chăm bẵm nữa”, nói đoạn anh rơm rớm nước mắt, giọng lạc đi như chực khóc.
Số phận đã lấy đi tất cả của gia đình anh, ngay cả điểm tựa tâm hồn của những con người bất hạnh cũng bị cướp đi phũ phàng, đau đớn. Nhưng không, cuộc đời không có con đường cùng, còn hi vọng là còn những điều kỳ diệu.
Cùng cảnh ngộ như anh Chiên, anh Bùi Văn Đủ (chồng của chị Nguyễn Thị Hà, thôn Đại Hoàng 1) mất vợ chỉ trong tích tắc. Nghe thấy tiếng vợ kêu cứu, bản thân anh xông vào phá cửa sổ nhưng cũng đành bất lực nhìn ngọn lửa tàn nhẫn đang giết những người thân của mình. Là người chứng kiến đám cháy, nỗi ám ảnh còn theo anh dai dẳng. 
Anh tâm sự “Nhiều đêm nằm mơ lại cái cảnh hôm đó, tôi giật mình vùng dậy. Bây giờ còn hai đứa con nhỏ thì cũng chỉ biết chôn nỗi đau vào lòng, cố gắng làm ăn nuôi con thôi”. 
Mất đi bàn tay của mẹ, hai đứa con của chị Hà là Bùi Quang Huy (sinh năm 2007) và Bùi Quang Hiếu (sinh năm 2009) vẫn ngày ngày “quần thảo” trên khoảnh sân trước nhà, bụi tung mù mịt. Khi chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp, hai bé chạy trốn. Bác Đỗ Thị Xọa là bà nội của hai bé tâm sự “chúng nó bé thế thôi nhưng cũng biết mẹ mất đấy, có đêm nó không ngủ đòi mẹ bế, tôi dỗ dành “mẹ Hà đi làm lấy tiền mua bim bim” nhưng nó bảo mẹ Hà chết rồi làm tôi lại khóc”. 
Do nhà neo người nên anh Đủ cúng tuần bốn chín cho chị Hà ở nhà. Nhìn tấm di ảnh của chị, chúng tôi không khỏi xúc động khi đôi mắt tròn mở to như dõi theo từng bước đi của chồng con cõi nhân gian. Có một tiệm sửa xe trước cửa nhà, anh Đủ lấy công việc làm vui, khỏa lấp nỗi buồn đang vây kín trong lòng.
Nỗi đau liên tiếp nỗi đau, gia đình ông Bùi Văn Biên (thôn Đại Hoàng 4) đến nay vẫn chưa nguôi ngoai. Hai đứa con đoản mệnh Yến và Anh bỏ ông bà ra đi, cô con gái lớn Bùi Thị Hiền và con rể A Phong (là chủ xưởng) cũng đang trong trại giam. Căn nhà 2 tầng trống vắng, đứa cháu ngoại 3 tuổi tên Bùi Nhiếp Nguy chơi trốn tìm cùng đứa trẻ hàng xóm.
Bà Vũ Thị Dinh gạt nước mắt kể “ông nhà tôi nóng tính, không biết dỗ cháu, đêm nào thằng Nguy nó cũng khóc đòi mẹ, có hôm đến 3 giờ sáng, tôi phải nói dối mẹ đi làm và ru nó ngủ”. Được biết, chị Bùi Thị Hiên đã sinh đứa con trai thứ 2 trong trại tạm giam ngày 18/8 vừa qua. Bé nặng 3,3kg và đặt tên là Bùi Nhiếp Nghi.

Cháu bé Bùi Nhiếp Nguy
Cháu bé Bùi Nhiếp Nguy


Bế bé Nguy vào lòng, tôi hỏi “con có muốn đi gặp bố mẹ và em bé không?”, bé gật đầu nói “có ạ”. Câu trả lời của bé làm tôi run lên, nước mắt tuôn ra. Nhìn bé, tôi suy nghĩ không thôi về cú sốc đầu đời của bé. Một đứa trẻ phải sống xa bố mẹ thời gian dài như thế rồi sẽ ra sao? Nhìn ánh mắt hồn nhiên của Nguy, bà Dinh bật khóc òa, tôi cũng khóc. Bà lo sợ một ngày bà bị ốm, bé Nguy sẽ không có người chăm sóc. 
Ông Đỗ Văn Sóng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, tính đến ngày 15/9 đã có 20/24 bệnh nhân điều trị tại Viện Bỏng quốc gia xuất viện về nhà. Cho đến nay vẫn có những nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp tục tài trợ cho các nạn nhân, chúng tôi sẽ chuyển số tiền ủng hộ các nạn nhân theo hướng lâu dài để việc điều trị được duy trì, đảm bảo.
Ngày bốn chín của những nạn nhân xấu số trong vụ cháy thảm khốc ở nơi đây trôi đi lặng lẽ. Trong ngôi chùa Hương Mỹ, tiếng mõ “cốc! cốc….” đều đều trên những con ngõ nhỏ gập ghềnh gạch vỡ, cùng với đó là tiếng chuông vang lên. Chuông nguyện hồn ai? Chuông nguyện cầu cho những người đã khuất được siêu thoát về nơi Cực Lạc, cầu cho lòng người còn ở lại bớt dậy sóng để bước tiếp con đường phía trước.
25 nạn nhân bị thương trong vụ cháy xưởng may đã được xuất viện


Đến ngày 19/9, hai nạn nhân cuối cùng của vụ cháy xưởng may mũ giầy ở xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng là: Hoàng Thị Hải Quỳnh và Hoàng Thị Kim Thu đã được xuất viện. Như vậy, tính đến thời điểm ngày 19/9/2011 với sự cứu chữa kịp thời, tận tâm của các y, bác sĩ: Bệnh viện đa khoa An Lão, Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Việt Tiệp - Hải Phòng, đặc biệt là Viện bỏng Quốc gia, 25 nạn nhân của vụ cháy đã được xuất viện trở về gia đình.

Được biết, khi các nạn nhân trở về gia đình, chính quyền địa phương đã tổ chức đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các nạn nhân ngay tại gia đình. Đến nay, hầu hết các nạn nhân đều đã tự đi lại dù còn khó khăn, sinh hoạt dần ổn định.

Nạn nhân bị thương nặng nhất là chị Hoàng Thị Kim Thu bị mất hai đốt ngón tay út và một vành tai, còn lại chỉ bị tổn thương da.

Theo thông tin từ UBND huyện An Lão, đến ngày 19/9/2011 tổng số tiền ủng hộ các nạn nhân vụ cháy là hơn 5 năm tỷ và 1.000USD, Ban chỉ đạo khắc phục sự cố cháy xưởng may của huyện đã quyết định trích từ nguồn quỹ trên chi hỗ trợ mỗi gia đình người chết tổng kinh phí là: 100.000.000đ (một trăm triệu đồng).

Các nạn nhân bị thương sẽ được chi trả toàn bộ tiền thuốc men tại các bệnh viện và 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng) kinh phí chăm sóc, đi lại của người thân. Số kinh phí còn lại, sẽ gửi vào kho bạc nhà nước dùng để  hỗ trợ thân nhân những nạn nhân không còn sức lao động, già yếu, hoặc còn nhỏ, hỗ trợ đào tạo nghề hoặc mua xe lăn đối với nạn nhân không thể đi lại được… 

Trước đó, vào ngày 29/7/2011 vụ hỏa hoạn xảy ra tại xưởng may mũ giầy ở xã Tân Dân, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đã làm chết 13 người và 25 người bị thương.

Nguyễn Trọng Tuấn

Ngọc Khánh - Nguyễn Trọng Tuấn