Đề nghị bỏ quy định cấm kinh doanh vũ khí quân dụng

10/09/2014 07:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện chuyên dùng quân sự... không phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng.

Ông Hồ Trọng Ngũ - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm này tại Hội nghị đại biểu chuyên trách bàn về dự án Luật Đầu tư sửa đổi chiều 9/9.

Theo ông Ngũ, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng của lực lượng vũ trang hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hoá quân đội, nên cần phải mở cho các thành phần kinh tế khác được tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, quy định cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng vì cho rằng không phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng.

“Chúng ta có nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, có thể sản xuất trang thiết bị, khí tài, phương tiện chuyên dùng theo đơn đặt hàng của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng cho lĩnh vực quân sự, nếu chúng ta cấm thì không huy động được các thành phần kinh tế khác tham gia vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, bỏ lỡ cơ hội đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội. Vì vậy, thay vì cấm, nên đưa hoạt động đầu tư này vào đầu tư có điều kiện”, ông Ngũ nhận định.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng thay vì cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện chuyên dùng quân sự... nên chuyển quy định kinh doanh có điều kiện. Ảnh TTO.
Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng thay vì cấm kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, phương tiện chuyên dùng quân sự... nên chuyển quy định kinh doanh có điều kiện. Ảnh TTO.

Một loạt các Đại biểu khác như Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM), Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị), Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) cũng cho rằng, không nên cấm kinh doanh trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng mà thay nên quy định là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.

Đại biểu Lịch nói: "Cấm đầu tư, kinh doanh thì không ai được đầu tư, kinh doanh, kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp quốc phòng lẫn doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng trên thực tế, lĩnh vực quốc phòng, an ninh không thể không có trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng, quân trang, quân dụng. Có nghĩa là chúng ta không thể cấm đầu tư, kinh doanh được mà là kinh doanh có điều kiện".

Cho ý kiến vào tiêu chí xác định ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, nhiều đại biểu khác vẫn bày tỏ băn khoăn với quy định trong dự thảo, đó là: Ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm ngành nghề có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người; có nguy cơ xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội; có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng; có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Đại biểu Ngũ nêu quan điểm: "Quy định như dự thảo rất khó thực hiện, bởi trên thực tế kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, môi trường... Đơn cử như bán gạo cao hơn giá thị trường tức là đã xâm hại tới quyền và lợi ích cộng đồng, nếu cứ lấy tiêu chí này làm điều kiện kinh doanh thì cơ quan quản lý nhà nước “tha hồ” thanh tra, kiểm tra và chắc chắn sẽ nảy sinh tiêu cực, gây khó dễ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân".

Đồng tình với quan điểm của Đại biểu Ngũ, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) đánh giá: “Đọc kỹ phụ lục ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cùng Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, tôi thấy rất nhiều ngành nghề có điều kiện cũng được, không có cũng chẳng chết ai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải quyết liệt hơn nữa trong việc loại bỏ những ngành nghề kinh doanh không cần phải áp điều kiện”.

Bên cạnh đó, Đại biểu Vinh cũng bày tỏ băn khoăn về quy định cấm kinh doanh mại dâm.

“Hệ thống pháp luật của chúng ta không thừa nhận mại dâm là một nghề, không công nhận mại dâm là lĩnh vực kinh doanh. Chúng ta không thừa nhận nên không thể cấm, nếu chúng ta cấm mại dâm thì chẳng khác gì gián tiếp thừa nhận mại dâm là một nghề, là lĩnh vực kinh doanh. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại điều khoản này để người dân không suy diễn là Việt Nam thừa nhận mại dâm, chỉ có điều lĩnh vực này bị cấm", ông Vinh bày tỏ.

Ngọc Quang