Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Đề nghị xem lại quy định “không dùng cửa kính trên quan tài”

11/01/2013 07:51
Chưa đầy 10 ngày có hiệu lực thi hành, hôm nay 10.1, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã có văn bản đề nghị xem lại quy định "không dùng cửa kính trên quan tài” của Nghị định 105/2012 về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức.

Thông tin này được TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, cho biết vào chiều nay, 10.1. Theo ông Sơn, qua xem xét, Cục đã thấy một số nội dung trong nghị định cần được trao đổi, nghiên cứu tiếp. Trong đó, khoản 3, điều 4 nghị định quy định “linh cữu của người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Trên thực tế, tại Hà Nội và một số thành phố lớn khác, việc thiết kế nắp quan tài có ô cửa lắp kính là phổ biến. Dư luận nói chung cho rằng việc để ô có lắp kính trên nắp quan tài là để tạo điều kiện cho người đến viếng được nhìn mặt lần cuối người đã khuất.

“Ở đây có yếu tố tâm linh và cũng như yếu tố tình cảm rất linh thiêng, rất đáng trân trọng. Nói rằng để bảo đảm vệ sinh, ngừa khả năng kính vỡ rơi vào mặt người quá cố hoặc một vài lý do khác mà đưa ra quy định đó, theo chúng tôi là không có sức thuyết phục”, ông Sơn cho biết.

Ngoài ra, điều 4 Nghị định 105 quy định không rắc vàng mã trong quá trình đưa tang từ nhà tang lễ hoặc gia đình tới nơi an táng, không đốt vàng mã tại nơi an táng cũng thiếu tính khả thi và không tạo ra sự đồng thuận trong dư luận cũng như thân nhân người quá cố. Theo ông Lê Hồng Sơn, trong điều kiện hiện nay nên chọn phương án đưa ra khuyến nghị, đảm bảo tiết kiệm sẽ phù hợp và đảm bảo tính khả thi hơn.

Nghị định 105 cũng quy định về số lượng vòng hoa và luân chuyển vòng hoa trong lễ tang viếng cho những người đến viếng người quá cố tuy thể hiện tinh thần tiết kiệm, tránh phô trương nhưng lại rất khiên cưỡng. Nếu không cần vòng hoa khi viếng thì nên quy định rõ là khi đến viếng không mang theo vòng hoa.

Cũng theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật soạn thảo văn bản trong Nghị định 105 cũng còn một số hạn chế cần xem xét lại. Cục kiến nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo Vụ Pháp luật Hình sự -Hành chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có báo cáo cụ thể về quá trình tham gia soạn thảo, thẩm định của những quan điểm của các đơn vị được giao trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Chính phủ theo dõi thi hành pháp luật.

Nghị định 105/2012 có hiệu lực từ ngày 1.1.2013, tuy nhiên ngay sau khi vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công bố đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận bởi nhiều quy định không có tính khả thi.

Theo Thái Sơn/Thanh niên